789

Gian nan việc thực hiện cấm lựa chọn giới tính thai nhi

Thứ Hai, 04/02/2019 12:00 PM (GMT+7)

Theo các chuyên gia, để hạn chế tốc độ gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) thì công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi là rất cần thiết và phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài.

sieu-am-thai-15390525765831587432948

Đa phần các thai phụ đều biết giới tính thai nhi từ sớm

Theo Khoản 2, Điều 7, Pháp lệnh Dân số năm 2003 đã quy định “Nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức”. Cùng đó, Điều 10, Nghị định số 104/2003/NĐ-CP quy định nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi bao gồm: Tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi dưới các hình thức như tổ chức nói chuyện, viết, dịch, nhân bản các loại sách báo, tài liệu, tranh ảnh, ghi hình, ghi âm, tàng trữ, lưu truyền tài liệu, phương tiện và các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác về phương pháp tạo giới tính thai nhi; chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp xác định qua triệu chứng, bắt mạch, xét nghiệm máu, gene, nước ối, tế bào, siêu âm; loại bỏ thai nhi vì lí do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, dù đã có những quy định của pháp luật trong việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi nhưng việc thực thi vào trong đời sống hàng ngày lại là bài toán vô cùng gian nan. Thực tế, trên các trang mạng Internet vẫn còn đầy rẫy những thông tin quảng cáo, hướng dẫn cách ăn uống, tính ngày để sinh con theo ý muốn, nhất là sinh con trai.

Chỉ cần gõ tìm kiếm các cụm từ: "Sinh con theo ý muốn"; "Làm thế nào để sinh con trai" trên Google, là đã có hàng nghìn kết quả hướng dẫn hiện ra. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi ở một bộ phận không nhỏ người dân.

Bên cạnh đó, với sự phát triển của nền y học trên thế giới, nhất là sự tiên tiến trong các kỹ thuật siêu âm hiện đại thì việc xác định giới tính thai nhi ngay từ khi ở trong bụng mẹ đã trở nên khá phổ biến. Dù pháp luật đã quy định không được tiết lộ giới tính thai nhi, nhưng hầu hết các thai phụ đều biết giới tính đứa con trong bụng từ khá sớm. Điều đó chứng tỏ nhiều cơ sở y tế tư nhân, phòng khám siêu âm vẫn có nhiều cách thức để “lách luật” thông báo cho thai phụ về giới tính của đứa trẻ như: “Giống bố”, “giống mẹ”, “công chúa”, “hoàng tử”, “Nguyễn Thị”, “Nguyễn Văn”… Tình trạng này rất khó phát hiện và kiểm soát dẫn đến việc nạo phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi vẫn đang diễn ra phổ biến trong đời sống hiện nay, nhất là đối với các gia đình đã sinh con một bề là gái, nhà có điều kiện kinh tế muốn sinh thêm con hoặc đang “khao khát” có một thằng cu “chống gậy”.

Khó khăn trong việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi

Để giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, năm 2016, Bộ Y tế đã ban hành Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016 – 2025. Thời gian qua, việc triển khai Đề án tại các địa phương đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, giúp nâng cao nhận thức của người dân về tình trạng MCBGTKS và thu hẹp được sự chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh tại một số địa phương trên cả nước.

Riêng về việc thực thi pháp luật về việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi, theo báo cáo chưa đầy đủ năm 2017, trong khuôn khổ Đề án đã tổ chức được 267 lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về MCBGTKS với hơn 13 nghìn học viên tham gia; tổ chức 5.693 buổi phổ biến, giáo dục những quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, giám sát 3.667 đợt, kiểm tra 487 cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm, phá thai, phát hiện được 14 trường hợp vi phạm. Ngoài ra, thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát 103 đợt, 237 cơ sở sản xuất, kinh doanh sách, báo, văn hóa phẩm, phát hiện 2 trường hợp vi phạm.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi, góp phần giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, theo ông Tạ Duy Quy - Trưởng phòng Thanh tra DS-KHHGĐ, Thanh tra Bộ Y tế, trong thời gian tới, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của các cán bộ, nhân viên y tế; hoàn thiện hệ thống các quy phạm pháp luật về kiểm soát MCBGTKS và các nội dung liên quan. Theo đó, cần thực hiện hệ thống hóa, pháp điển hóa các văn bản pháp luật hiện hành, kiến nghị đề xuất, bổ sung những quy phạm về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi, làm gia tăng tình trạng MCBGTKS.

 Tuy nhiên, theo số liệu trong công trình nghiên cứu giới và gia đình Việt Nam năm 2012 của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội khảo sát trên 7.285 nam giới và phụ nữ đã lập gia đình trong độ tuổi từ 18 – 65 tại 9 tỉnh, thành phố cho thấy, thái độ với quy định “Nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi” của người dân là khác nhau. Cụ thể, có 67,5% số người được hỏi ủng hộ quy định, còn lại 32,5% số người được hỏi không ủng hộ hoặc tỏ thái độ phân vân trước quy định trên.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, hiện nay, việc xử lý các trường hợp cố tình tiết lộ giới tính thai nhi trước khi sinh là điều rất khó hay phải nói là vô cùng khó. Do vậy, trong thời gian tới, để can thiệp giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, việc giải quyết như thế nào, vận động ra làm sao hay điều chỉnh lại các chủ trương, chính sách về dân số sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước là những việc làm hết sức quan trọng và cần có sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng.

Phạm Huyền

Cùng chuyên mục

Nhân ngày tránh thai thế giới 26/09, cùng tìm hiểu về màng phim tránh thai

Màng phim tránh thai VCF (còn gọi là film tránh thai hay màng tránh thai) là lựa chọn biện pháp tránh thai. Nhưng màng phim...

Để cuộc nói chuyện về giới tính với con trở nên tinh tế

Giáo dục giới tính cho trẻ giúp trẻ hiểu rõ về bản thân, có khả năng tránh khỏi nhiều nguy cơ xấu. Song trong...

Những sai lầm của cha mẹ khi giáo dục giới tính cho trẻ

Xung quanh việc giáo dục giới tính cho trẻ, bản thân cha mẹ vẫn có những hiểu nhầm, từ đó việc làm thế nào...

Con xuất hiện xu hướng đồng tính, phụ huynh cần làm gì?

Mỗi cá nhân sẽ có 4 đặc điểm: Giới tính sinh học, bản dạng giới, thể hiện giới, xu hướng tính dục. Các...