Hộp thư giải đáp pháp luật - Quy định về căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu trang thiết bị y tế

Thứ Sáu, 04/12/2020 09:58 AM (GMT+7)

Bạn Hoàng Minh Ngọc ở Bắc Giang gửi đến Chương trình câu hỏi về căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu trang thiết bị y tế.

Theo Khoản 1 Điều 6 Thông tư 14/2020/TT-BYT (Có hiệu lực từ 01/09/2020) quy định về việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu trang thiết bị y tế như sau:

Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập hàng năm hoặc khi có nhu cầu tổ chức lựa chọn nhà thầu với các căn cứ sau đây:

- Đối với gói thầu mua trang thiết bị y tế chuyên dùng: Việc lập dự toán mua sắm căn cứ vào nguồn kinh phí được giao và định mức trang thiết bị y tế chuyên dùng được phê duyệt theo quy định tại Thông tư số 08/2019/TT-BYT ngày 31 tháng 05 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế (sau đây gọi tắt là Thông tư 08/2019/TT-BYT);

- Đối với gói thầu mua trang thiết bị y tế khác: Việc lập dự toán mua sắm căn cứ vào nguồn kinh phí, thực tế mua, sử dụng trang thiết bị y tế của năm trước liền kề và dự kiến nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế trong năm để lập kế hoạch.

Như vậy thì việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập phải dựa trên 02 căn cứ nêu trên.

Theo Khoản 6 Điều 7 Thông tư 14/2020/TT-BYT (Có hiệu lực từ 01/09/2020) quy định trang thiết bị y tế tham dự thầu phải được cung cấp bởi một trong các tổ chức, cá nhân sau đây:

- Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu số lưu hành trang thiết bị y tế;

- Tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu số lưu hành trang thiết bị y tế ủy quyền;

- Tổ chức, cá nhân được tổ chức, cá nhân quy định tại điểm b Khoản này ủy quyền;

- Tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu trang thiết bị y tế ủy quyền;

- Tổ chức, cá nhân được tổ chức, cá nhân quy định tại điểm d Khoản này ủy quyền;

- Tổ chức, cá nhân được tổ chức, cá nhân quy định tại điểm đ Khoản này ủy quyền;

- Tổ chức, cá nhân đứng tên trên giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế;

- Tổ chức, cá nhân được tổ chức, cá nhân quy định tại điểm g Khoản này ủy quyền;

Việc ủy quyền phải tuân thủ quy định của pháp luật về dân sự.

Bạn Trần Mạnh Hà ở Hà Nội có câu hỏi được gửi đến Chương trình như sau: Xin Chương trìnhcho biết về các hình thức xử phạt hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng khi có yêu cầu để phòng dịch

Theo quy đinh trước đây tại Khoản 1, Điều 11, Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp bị áp dụng mức xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300 ngàn đồng.Tuy nhiên, từ ngày 15-11, thời điểm Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế chính thức có hiệu lực, hành vi trên sẽ bị phạt tiền với mức phạt tăng gấp 10 lần.

Cụ thể, tại Điểm a, Khoản 1, Điều 12, Nghị định 117 quy định, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Quy định mới cũng tăng mức xử phạt đối với hành vi không thông báo cho UBND và cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về các trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật từ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1-3 triệu đồng (mức phạt theo quy định cũ là 100-300 ngàn đồng). Đáng chú ý, mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với các hành vi vi phạm nêu trên thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Ngoài ra, Nghị định 117 cũng quy định những hành vi vi phạm việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng tăng mức phạt tiền lên nhiều lần. Cụ thể như, phạt từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Mức phạt trên cũng được áp dụng đối với hành vi không thực hiện hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng, cơ sở dịch vụ ăn uống có nguy cơ lây lan bệnh tại vùng có dịch…

Bên cạnh đó, Nghị định 117 còn quy định, xử phạt từ 30-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch; không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.

Phương Linh/Đình Nam/Xuân Sơn/Hiếu

Thanh Huyền