Hộp thư giải đáp pháp luật - Quy định về khám bệnh, chữa bệnh; Chế độ lương hưu của viên chức y tế

Thứ Năm, 02/01/2020 09:42 PM (GMT+7)

"Hiện nay tôi đang là bác sĩ thuộc bệnh viện huyện, tháng 2 năm 2020 tôi sẽ nghỉ hưu theo chế độ, tôi đã có 30 năm đóng Bảo hiểm xã hội. Vậy cho tôi hỏi lương hưu của tôi sẽ được tính như thế nào?"

 

Câu hỏi thứ nhất được gửi từ khán giả Đình Khoa. Câu hỏi của bạn là: "Tôi đã Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa Đại học Y dược Hải Phòng và học tập trung 11 tháng lớp định hướng chuyên khoa gây mê hồi sức. Hiện nay tôi đã làm việc tại một bệnh viện từ 05/10/2017 đến nay, chuyên ngành bác sĩ gây mê hồi sức. Về thủ tục cấp lần đầu chứng chỉ hành nghề, xin hỏi: Thời gian học định hướng chuyên khoa 11 tháng của tôi có được tính vào thời gian xác nhận thực hành 18 tháng (Điều 24 - Luật KCB), theo như Khoản 1 - Điều 3 - Thông tư 41/2015/TT-BYT hay không? Nghĩa là tôi cần xác nhận thực hành chuyên ngành GMHS thêm 7 tháng (cho đủ 18 tháng)?"

Trả lời:

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 24 Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 quy định: “Người có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam, trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề, phải qua thời gian thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh 18 tháng thực hành tại bệnh viện, viện nghiên cứu có giường bệnh (sau đây gọi chung là bệnh viện) đối với bác sỹ”.

Theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định: Thời gian học sau đại học (bác sĩ nội trú, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II) được tính là thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh theo đúng chuyên khoa mà người đó đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.

Trường hợp của bạn đã có thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh tại BV Hùng Vương từ ngày 02/02/2017 đến nay và có Định hướng chuyên khoa Gây mê hồi sức (không phải bằng bác sĩ nội trú, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II). Sau khi trải qua 18 tháng thực hành chuyên khoa Gây mê hồi sức tại bệnh viện theo quy định, bạn gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề về Sở Y tế tỉnh, thành phố để được cấp chứng chỉ hành nghề.

Câu hỏi thứ 2 được gửi từ bạn Nhật Lệ. Câu hỏi của bạn như sau: "Hiện nay tôi đang là bác sĩ thuộc bệnh viện huyện, tháng 2 năm 2020 tôi sẽ nghỉ hưu theo chế độ, tôi đã có 30 năm đóng Bảo hiểm xã hội. Vậy cho tôi hỏi lương hưu của tôi sẽ được tính như thế nào?"

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội, nếu làm việc trong điều kiện bình thường thì khi nghỉ hưu, người lao động phải có ít nhất 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ mới được hưởng lương hưu. Nếu người lao động Nghỉ hưu từ ngày 01/01/2020 trở đi: Tỷ lệ 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%.

Cách tính lương hưu như sau:

Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng (tối đa 75%) x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH

Với trường hợp của bà, lương hưu hàng tháng sẽ như sau: Lương hưu hàng tháng của bà được tính dựa trên tỷ lệ hưởng: 15 năm đóng BHXH = 45%; 15 năm đóng BHXH còn lại = 15 x 2% = 30%.

Tổng hợp lại, lương hưu của bà D sẽ bằng 75% mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH.

Thanh Huyền