Hộp thư giải đáp pháp luật - Quy định về mang thai hộ và thụ tinh trong ống nghiệm

Thứ Năm, 05/12/2019 06:50 PM (GMT+7)

"Việc mang thai hộ hiện nay được pháp luật quy định như thế nào? Tôi có thể đến đâu để thực hiện phương pháp này?"

Câu hỏi thứ nhất được gửi từ khán giả Lê Bích. Câu hỏi của bạn là: "Vợ chồng tôi kết hôn đã năm năm nhưng không có con, dùng nhiều phương pháp chữa trị nhưng đều vô vọng. Nay tôi muốn sử dụng đến phương pháp mang thai hộ. Xin hỏi, việc mang thai hộ hiện nay được pháp luật quy định như thế nào? Tôi có thể đến đâu để thực hiện phương pháp này?"

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con.

Theo khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau:

- Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

- Vợ chồng đang không có con chung.

- Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Từ quy định vừa nêu, để được phép sử dụng phương pháp mang thai hộ, về phía chị Bích, chị cần có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền về tình trạng chị không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Thêm vào đó, hai vợ chồng chị phải đang không có con chung và đã được tư vấn về y tế và pháp lý liên quan đến việc mang thai hộ.

Về phía người được nhờ mang thai hộ, theo điểm a khoản 3 Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, người được nhờ mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ. Hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Nghị định số 10/2015/NĐ-CP bao gồm:

a) Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ theo Mẫu;

b) Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo Mẫu;

c) Bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào;

d) Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận;

đ) Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;

e) Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi và đã từng sinh con;

g) Bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này;

h) Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ.

i) Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sỹ sản khoa;

k) Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên;

l) Bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý;

m) Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo Mẫu.

Cũng theo quy định tại Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì các cơ sở được phép thực hiện mang thai hộ bao gồm: Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và từ khi Nghị định có hiệu lực đến nay thì Bộ Y tế đã công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cho Bệnh viện Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Mỹ Đức.

Chúc anh chị sớm chào đón đứa con đầu lòng.

Câu hỏi thứ 2 được gửi từ bạn Nam Anh. Câu hỏi của bạn như sau: "Tôi là giám đốc bệnh viện tư nhân chuyên khoa sản, hiện nay tôi đang có nhu cầu phát triển Bệnh viện thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, vậy Bệnh viện tôi có được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm không? Nếu được thì tôi cần phải chuẩn bị hồ sơ thủ tục như thế nào?"

Bệnh viện tư nhân chuyên khoa sản là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc đối tượng được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Như vậy Bệnh viện của bạn hoàn toàn được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm nếu đạt đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự tại điểm a Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP.

Các hồ sơ bạn cần chuẩn bị để được công nhận là cơ sở được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm bao gồm:

a) Công văn đề nghị thẩm định theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản kê khai nhân sự, trang thiết bị, sơ đồ mặt bằng của đơn vị thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm;

c) Bản sao hợp pháp văn bằng hoặc chứng chỉ hoặc chứng nhận đã được đào tạo về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm do cơ sở đào tạo trong nước hoặc nước ngoài cấp;

d) Bản xác nhận cán bộ trực tiếp thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đã thực hiện ít nhất 20 chu kỳ điều trị vô sinh bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm;

đ) Bản sao hợp pháp giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và chứng chỉ hành nghề của người thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.

Hồ sơ trên được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Bộ Y tế.

Phạm Thanh Huyền