Huyện Tân Lạc (Hòa Bình) tăng cường phòng bệnh tan máu bẩm sinh

Thứ Tư, 13/11/2019 03:36 PM (GMT+7)

Theo thống kê của Phòng DS-KHHGĐ huyện Tân Lạc, hiện nay, toàn huyện có 90 người bị mắc bệnh tan máu bẩm sinh (TMBS). Một số xã có nhiều bệnh nhân mắc bệnh TMBS như: Phú Cường (10 người), Đông Lai (10 người), Mãn Đức (10 người)...; duy nhất xã Ngổ Luông không có trường hợp nào mắc bệnh.

hoa binh tuyen truyen tan mau bam sinh

Cán bộ Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tuyên truyền về bệnh tan máu bẩm sinh tại hộ gia đình trên địa bàn xã Phong Phú (Tân Lạc).

Cách đây khoảng 10 năm, tại huyện Tân Lạc, nhiều người dân chưa hiểu biết về bệnh TMBS. Cha mẹ thấy con chậm lớn, da xanh, trán cao, thường xuyên ốm đau, đi khám bác sỹ kết luận con bị bệnh TMBS mới tìm hiểu về bệnh. Một số người dân không biết có thể phòng, tránh bệnh thông qua việc làm các xét nghiệm.

 Anh Đ.H.Đ, xóm Đầm, xã Mãn Đức chia sẻ: "Khi được 4 tháng tuổi, con trai tôi là cháu Đ.T.M phát hiện mắc bệnh TMBS. Đến nay, cháu 14 tuổi, cuộc sống gắn chặt với bệnh viện, kim truyền. Trung bình 1 tháng cháu phải đi thải sắt và lọc máu từ 10 - 15 ngày tại Viện Huyết học truyền máu T.Ư. Kinh phí điều trị cho cháu rất tốn kém. Khi cháu được 2 tuổi, một phần vì áp lực bệnh tật của con, một phần cũng vì tương lai của 2 vợ chồng nên chúng tôi quyết định ly hôn. Sau khi ly hôn một thời gian, 2 vợ chồng tôi đều xây dựng gia đình. Trước khi kết hôn, tôi cùng vợ hiện tại đã làm xét nghiệm máu. Bác sỹ kết luận chúng tôi có thể sinh ra những đứa con lành lặn, không mắc bệnh TMBS. Mẹ cháu cũng đã lập gia đình và sinh được 2 con đều khỏe mạnh. Giá như trước đây, tôi có kiến thức về khám sức khỏe tiền hôn nhân thì cháu Đ.T.M có thể tránh được bệnh TMBS”.

Từ những tâm tư, mong muốn người dân nâng cao ý thức phòng bệnh TMBS, anh Đ.H.Đ đã trở thành một tuyên truyền viên đầy nhiệt huyết, tích cực tham gia tuyên truyền phòng bệnh tại cộng đồng. Ngày 15/10, tại UBND xã Tuân Lộ, Phòng DS-KHHGĐ huyện phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tổ chức buổi truyền thông về bệnh TMBS cho gần 300 học sinh trường THCS xã Tuân Lộ. Anh Đ.H.Đ được mời làm tuyên truyền viên. Những thông điệp anh mang đến với các bạn trẻ là: hãy tham gia khám sức khỏe để phát hiện gen bệnh sớm, bệnh TMBS có thể phòng tránh được…

Thời gian qua, huyện Tân Lạc tăng cường các hoạt động truyền thông, tư vấn, vận động thanh niên, vị thành niên tham gia khám tiền hôn nhân và lấy máu xét nghiệm sàng lọc gen bệnh. Bên cạnh đó, hỗ trợ, vận động bệnh nhân đang mắc bệnh ở thể nặng trên địa bàn huyện đi điều trị tại bệnh viện tỉnh, Viện huyết học truyền máu T.Ư. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện tổ chức được 331 buổi truyền thông về DS-KHHGĐ, trong đó lồng ghép các nội dung liên quan đến bệnh TMBS tại 24 xã, thị trấn.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng DS-KHHGĐ huyện cho biết: Trong thời gian tới, để phòng bệnh TMBS, Phòng DS-KHHGĐ huyện tăng cường công tác tuyên truyền về các nội dung: lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân; hướng dẫn người dân làm xét nghiệm sàng lọc gen bệnh; khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Tổ chức tập huấn kiến thức về bệnh TMBS, kỹ năng truyền thông, tư vấn về bệnh cho cán bộ dân số và cộng tác viên dân số các xã.

Phạm Thanh Huyền

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....