Khám sức khỏe tiền hôn nhân: "Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt"

Thứ Năm, 09/07/2020 07:32 AM (GMT+7)

Kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn là một việc vô cùng cần thiết đối với những cặp đôi. Khám để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh, phát hiện và điều trị sớm nhiều bệnh nguy hiểm.

kham-tien-hon-nhan

Khám sức khỏe tiền hôn nhân có ý nghĩa gì?

Kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn là một việc vô cùng cần thiết đối với những cặp đôi. Khám để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh, phát hiện và điều trị sớm nhiều bệnh nguy hiểm. Từ đó, tránh được những hậu quả nghiêm trọng không đáng có và đồng thời đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc của 2 vợ chồng và con cái trong tương lai.

Kiểm tra sức khỏe ở thời điểm này không chỉ là cách bạn chăm sóc riêng cho bản thân mình mà đó cũng được coi là trách nhiệm đối với sức khỏe người chồng/người vợ của mình.

Khi lựa chọn khám tiền hôn nhân, bạn nên lựa chọn gói khám tổng quát kết hợp với khám sinh sản chuyên sâu. Trong đó, khám sức khỏe tổng quát có thể phát hiện các loại bệnh gây hại cho sức khỏe của bạn và người vợ/người chồng của mình như viêm gan B, HIV và phổ biến nhất là một số bệnh lây truyền qua đường tình dục,… Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

Bên cạnh đó, kiểm tra sức khoẻ sinh sản cũng là một phương pháp giúp các cặp vợ chồng sẵn sàng tâm lý hoặc phát hiện sớm những bệnh lý có thể ảnh hưởng đến các vấn đề mang thai, sinh đẻ từ đó tìm ra những phương án hỗ trợ kịp thời.

Khám sức khỏe hôn nhân được thực hiện như thế nào?

Các gói khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng đã dạng phụ thuộc vào nhu cầu của từng cặp vợ chồng. Tuy nhiên, thông thường, các bác sĩ sẽ thực hiện:

Nhiều cặp đôi vẫn ngần ngại khi khám sức khỏe tiền hôn nhân

Nhiều cặp đôi vẫn ngần ngại khi khám sức khỏe tiền hôn nhân

Kiểm tra tổng quát

Kiểm tra sức khỏe tổng quát, bao gồm: Đo huyết áp, cân nặng, chiều cao,…

Khám bệnh lây truyền qua đường tình dục như giang mai, bệnh lậu, viêm gan B, sùi mào gà,…

Kiểm tra tiền sử bệnh của hai vợ chồng và tiền sử bệnh gia đình của cả hai bên

Thực hiện các xét nghiệm

Kiểm tra đường huyết: Khi lượng đường trong máu tăng cao và tăng trong một thời gian dài thì sức khỏe cơ thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều, cụ thể sẽ tác động xấu đến các cơ mạch máu, thần kinh, tim mạch, thận,… và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tiểu đường. Với loại xét nghiệm này, bạn sẽ phải lấy máu vào buổi sáng và nhịn ăn trước đó.

Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu trong quy trình khám sức khỏe là cách có thể đánh giá số lượng bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu, nồng độ hemoglobin,... Đây cũng là xét nghiệm quan trọng giúp phát hiện nguy cơ về bệnh Thalassemia - nhóm các bệnh thiếu máu di truyền do đột biến gen quy định việc sản xuất hemoglobin gây ra. Đây là bệnh nguy hiểm và có thể di truyền qua nhiều thế hệ.

Viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, HIV: Những căn bệnh này là bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục, lây truyền từ mẹ sang con và quan trọng hơn là số người Việt Nam mắc viêm gan B rất nhiều.

Dù khả năng lây truyền rất cao, nhưng nếu được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, người bệnh vẫn có thể kết hôn và sinh con bình thường. Người vợ/người chồng và đứa con khi sinh ra sẽ được tiêm phòng ngừa bệnh.

Chức năng thận: Thận là một cơ quan rất quan trọng trong cơ thể, khi thận suy yếu, người bệnh có nguy cơ phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe như tăng huyết áp, phù chân tay, thiếu máu và thậm chí là để lâu dài thì nguy cơ tử vong sẽ rất cao.

Bên cạnh đó, thận suy yếu cũng chính là nguyên nhân khiến bạn kém tập trung, suy giảm trí nhớ và giảm ham muốn tình dục ảnh hưởng đến hạnh phúc vợ chồng. Vì thế, cần phải khám sức khỏe để đánh giá chức năng thận từ đó đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả, cải thiện sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.

Chức năng gan: Trong cơ thể, gan có tác động lớn vào các hoạt động chuyển hóa và bài tiết. Nếu chức năng gan giảm sút, sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Xét nghiệm men gan chính là cách để chuyên gia chẩn đoán về những tổn thương đang xảy ra ở tế bào gan. Những đối tượng mắc bệnh viêm gan cấp, viêm gan mạn tính,… thì nồng độ men gan thường có xu hướng tăng cao.

Điện tâm đồ: Điện tâm đồ là phương pháp cơ bản và chủ yếu trong quy trình khám sức khỏe để phát hiện những bệnh lý tim mạch. Khi chức năng tim bị suy giảm, những hoạt động trong ngày của người bệnh sẽ rất khó khăn vì họ thường xuyên mệt mỏi, khó thở, hồi hộp và đau ngực. Bệnh tim mạch cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến đời sống quan hệ vợ chồng.

Tổng phân tích nước tiểu: Để phân tích nước tiểu, các bác sĩ sẽ đánh giá về các thông số bao gồm: độ PH, cặn lắng, đường tế bào, đạm, vi trùng học,… Từ kết quả phân tích, các chuyên gia sẽ phát hiện một số bệnh tiềm ẩn ở cầu thận, ống thận hay nhiễm trùng tiểu,…

Những vấn đề này nếu không được khắc phục kịp thời có thể là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm, gây khó khăn trong chuyện chăn gối như rối loạn cương dương, đau rát khi quan hệ và thậm chí là vô sinh.

Khám chức năng sinh sản

Đây là bước không thể thiếu trong gói khám sức khỏe tiền hôn nhân. Các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra cơ quan sinh sản của cả hai vợ chồng để từ đó, đánh giá khả năng sinh sản của cả hai.

- Với người vợ: Nhiều bệnh phụ khoa có biểu hiện không rõ ràng và rất dễ nhầm lẫn. Chuyên gia khuyên bạn nên siêu âm tử cung, buồng trứng để phát hiện một số bệnh lý thường gặp như u nang buồng trứng, u xơ tử cung, tắc vòi trứng,… Tầm soát ung thư vú cũng được khuyến cáo nên làm.

- Với người chồng: Bác sĩ khuyên bạn nên xét nghiệm tinh dịch đồ để biết được tình trạng sức khỏe sinh sản, khả năng sinh sản và khả năng thụ thai của mình đến đâu. Trong trường hợp nam giới có bất thường thì việc điều trị kịp thời hoàn toàn có thể tránh được những hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, tùy vào mỗi trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định thêm các danh mục xét nghiệm khác. Các cặp đôi nên có kế hoạch khám sức khỏe trong khoảng 3 - 6 tháng trước khi cưới.

Thanh Tùng

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....