Khánh Hòa: Người dân đã chủ động chi trả cho dịch vụ kế hoạch hóa gia đình

Chủ Nhật, 20/01/2019 01:14 PM (GMT+7)

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Khánh Hòa đang triển khai Đề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ KHHGĐ, sức khỏe sinh sản (SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015 - 2020” (Đề án 818).

Đề án 818 được Bộ Y tế phê duyệt tháng 3/2015, đến tháng 12-2015, UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định ban hành đề án trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh tiếp nhận và cung ứng ít nhất một phương tiện tránh thai mới đảm bảo chất lượng trên thị trường; có trung tâm tư vấn và cung ứng dịch vụ cấp tỉnh để điều phối và cung cấp PTTT, hàng hóa và các dịch vụ KHHGĐ, SKSS; 6/6 huyện, thị xã, thành phố với 41 xã, phường, thị trấn có cơ sở y tế thực hiện xã hội hóa cung cấp PTTT, KHHGĐ, SKSS. Chi cục triển khai thí điểm trước ở huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa và TP. Cam Ranh.

Khi triển khai Đề án, Chi cục xác định việc tuyên truyền thay đổi nhận thức, hành vi của người dân là rất quan trọng. Bởi thực tế, một phần người dân đã quen được cấp dịch vụ KHHGĐ miễn phí từ nguồn tài trợ của Nhà nước, một phần chưa coi trọng việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, lựa chọn phương tiện tránh thai có chất lượng. Sau một thời gian triển khai, thói quen sử dụng miễn phí các dịch vụ dân số kế hoạch hóa gia đình từ sự tài trợ của Nhà nước của người dân đã dần thay thế bằng phương thức xã hội hóa. Người dân chấp nhận chủ động trả tiền để được lựa chọn những sản phẩm phù hợp với nhu cầu.

Là địa phương được chọn triển khai thí điểm từ năm 2016, Ninh Hòa tới nay đã rất thành công trong tiếp thị xã hội PTTT. Thành quả này nhờ sự quan tâm cấp ủy, chính quyền địa phương; nhất là sự đóng góp của đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số. Họ tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nắm bắt tâm lý, nhu cầu của đối tượng để có cách tiếp thị hiệu quả; mạnh dạn lồng ghép hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm tiếp thị xã hội các PTTT vào các hoạt động chăm sóc SKSS-KHHGĐ qua các buổi sinh hoạt tại khu dân cư.

Theo thống kê đến cuối năm 2017, toàn thị xã đã tổ chức gần 900 buổi truyền thông nhóm, thu hút 15.760 lượt người tham dự; tư vấn trực tiếp cho 5.860 hộ gia đình; tư vấn trực tiếp tại các trạm y tế cho 10.320 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về kiến thức KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, cách phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm nhiễm đường sinh sản. Qua đó lồng ghép giới thiệu cho người dân các sản phẩm thuộc Đề án 818…

Cùng với đó, Trung tâm DS-KHHGĐ còn tuyên truyền qua mạng xã hội; trang bị kỹ năng tư vấn cho toàn thể cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số. Sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng yên tâm, có chất lượng nên nhanh chóng được người dân chấp nhận. Kết quả, toàn thị xã đã tiêu thụ khoảng 1.180 lọ Gyno Pro dung dịch vệ sinh đa năng, 6.000 chiếc bao cao su Hello và Hello plus, 100 vỉ viên uống tránh thai Anna và hộp viên sắt Axit foclic… của Đề án 818.

Nhiều xã cũng đã triển khai tốt góp phần nâng tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại lên trên 79%, tương ứng gần 22.300 cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Qua đó góp phần duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới khi sinh, nâng cao chất lượng dân số.

Nhận thức rõ trong điều kiện ngân sách Nhà nước cho công tác DS-KHHGĐ ngày càng cắt giảm mạnh, trong khi nhu cầu tránh thai của người dân vẫn tăng, thì xã hội hóa được xác định là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường. Việc đẩy mạnh TTXH các PTTT đã tăng cường khả năng tiếp cận, tạo cơ hội cho người dân lựa chọn các biện pháp tránh thai phù hợp, sử dụng thường xuyên và đúng cách; đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu PTTT ngày càng cao về số lượng và chất lượng; hướng tới xã hội hóa trong dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ.

 Để tiến tới làm tốt công tác này, ngành dân số tỉnh xây dựng Đề án “XHH cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS giai đoạn 2015 - 2020” theo hướng dẫn của Tổng cục Dân số - KHHGĐ và Bộ Y tế. Trong thời gian tới, thường xuyên đẩy mạnh truyền thông, quảng cáo các phương tiện tránh thai trên tất cả các kênh, đảm bảo nguồn cung ứng không bị gián đoạn; mở rộng tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai: thêm thuốc tiêm tránh thai, que cấy tránh thai. Đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông tiếp thị xã hội như: phát tờ rơi, áo mưa, áo phông, mũ, bút viết...; tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông, tư vấn cho đội ngũ tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai tại các tuyến. Từ đó tạo dư luận và sự đồng tình, ủng hộ của người dân trong thực hiện Đề án 818.

Phạm Huyền

Cùng chuyên mục

Tại sao sử dụng biện pháp tránh thai nhưng vẫn 'dính bầu'?

“Chuyện ấy” thường thú vị và đầy cám dỗ nhưng cũng có thể mang tới những muộn phiền và kết cục không...

Rối loạn kinh nguyệt khi dùng viên uống tránh thai hàng ngày có sao không

Viên uống tránh thai hàng ngày là biện pháp ngăn ngừa thai đơn giản, được sử dụng phổ biến hiện nay.

Rong kinh khi uống thuốc tránh thai có nguy hiểm?

Tôi có con đầu lòng hơn 1 tuổi, chưa muốn sinh tiếp nên đang sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày. Tuy nhiên, khi sử...

Sứ mệnh kép của những chiếc bao cao su

Với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, con người ngày càng có nhiều sự lựa chọn trong việc sử dụng các...