Làm gì khi người cao tuổi bị tắc nghẽn đường hô hấp?

Thứ Tư, 06/05/2020 08:51 AM (GMT+7)

Các bác sĩ khuyến cáo, không chỉ trẻ mới bị hóc dị vật, hít sặc; mà nhiều người cao tuổi phải đối diện với nguy cơ đe dọa đến tính mạng khi dị vật rơi vào đường hô hấp gây tắc nghẽn trong lúc ăn uống.

hit-sac-o-nguoi-gia

ThS.BS. Hoàng Ngọc Ánh, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Thống Nhất cho biết, trong thời gian qua, đơn vị tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị hít sặc dẫn đến nguy kịch, thậm chí tử vong.

Đơn cử trong tháng gần đây có 4 bệnh nhân được đưa vào cấp cứu do hít sặc thức ăn vào phổi, gồm 3 nam, 1 nữ, là người cao tuổi, từ 82-88 tuổi, trong đó có 3 ca di chứng tai biến mạch máu não.

Các bác sĩ cho biết, các bệnh nhân đến khoa trong tình trạng suy hô hấp, phải hỗ trợ thở máy. Tiến hành nội soi thấy dịch dạ dày lợn cợn, gồm sữa, cháo, thậm chí có cả chả và trứng... Kết quả điều trị kéo dài, tốn kém, nhưng chỉ một trường hợp may mắn sống sót, còn 3 trường hợp xin về.

Dịch dạ dày của người bệnh lợn cợn, gồm sữa, cháo, thậm chí có cả chả và trứng...BS. Hoàng Ngọc Ánh cho biết, theo thống kê ước tính khoảng 10-15% viêm phổi cộng đồng là do hít sặc và hít sặc gây viêm phổi là nguyên nhân tử vong chủ yếu ở những bệnh nhân khó nuốt, hay những bệnh nhân nặng, biến chứng được chăm sóc tại nhà cũng như trong bệnh viện.

Triệu chứng của hít sặc là ho, khò khè, khó thở, tím tái đối với những trường hợp nặng. Tuy nhiên, các triệu chứng do hít sặc thường bị bỏ qua và điều trị sơ sài vì ít nghĩ tới. Đặc biệt ở người lớn tuổi thì nguy cơ hít sặc nhiều hơn do rối loạn nuốt là một di chứng của đột qụy não thường gặp.

Dấu hiệu nhận biết

Các dị vật sắc nhọn thường kẹt lại và cắm vào thành thực quản gây loét làm đau ngực, nuốt khó, nuốt vướng, nuốt đau, thậm chí ói ra máu hoặc nặng hơn là thủng thực quản rồi lan sang các bộ phận nằm gần thực quản như: thủng cung động mạch chủ gây mất máu ồ ạt và tử vong nhanh chóng. Hoặc làm tràn khí màng phổi gây khó thở, thậm chí tràn vào trung thất (khoang nằm trong lồng ngực giữa hai lá phổi) gây ápxe trung thất, là một biến chứng rất nặng và dễ tử vong. Nếu dị vật may mắn không kẹt ở thực quản mà xuống dạ dày, ruột non và ruột già, rất dễ gây thủng dạ dày, thủng ruột làm trào dịch trong dạ dày hay trong ruột ra ngoài ổ bụng gây viêm nhiễm màng bụng, cần phẫu thuật.

Trong khi đó các dị vật không sắc nhọn thường kẹt lại ở thực quản do kích thước to nhưng ít gây loét và thủng, chủ yếu chèn ép các bộ phận ở gần thực quản. Triệu chứng chủ yếu là nôn ói, sợ ăn, ăn uống có cảm giác nghẹn nặng ngực, trào ngược. Nếu chèn ép vào khí quản thì sẽ có triệu chứng ho, khó thở khò khè giống hen suyễn hay viêm phế quản, nếu chèn ép vào tim sẽ gây loạn nhịp tim, tức ngực hồi hộp, thậm chí khó thở phải gối đầu cao giống suy tim. Các bệnh nhân này rất dễ bị chẩn đoán lầm vì thường bệnh nhân không nhớ, bác sĩ cần hỏi kỹ, thăm khám kỹ và cho nội soi dạ dày để phát hiện. Nếu không phát hiện những loại dị vật này, để chèn ép thực quản lâu ngày cũng có thể gây lở loét và thủng thực quản song với tỉ lệ rất thấp. Nếu dị vật lọt qua khỏi thực quản xuống dạ dày và ruột non sẽ dễ gây tắc ruột làm đau bụng dữ dội, căng chướng bụng cần phải phẫu thuật cấp cứu.

Với phương tiện nội soi bằng ống mềm qua đường miệng, bác sĩ sẽ phát hiện dị vật và có các dụng cụ để hỗ trợ gắp dị vật ra ngoài không cần phẫu thuật, thậm chí nếu đã có biến chứng loét hoặc chảy máu, bác sĩ vẫn có thể vá lại bằng kẹp qua nội soi, rồi sau đó dùng thuốc chích hỗ trợ giúp lành loét. Thông thường trong 24 giờ sau khi gắp dị vật, bệnh nhân nên được uống sữa lạnh và ăn cháo nguội để tránh loét thực quản.

Khuyến cáo

ThS.BS. Hoàng Ngọc Ánh khuyến cáo, để hạn chế và đề phòng nguy cơ hít sặc ở người cao tuổi, điều cần làm là nhận biết tình trạng rối loạn nuốt. Cụ thể, khi cho người cao tuổi ăn uống, thức ăn thường rơi ra ngoài, nước bọt chảy, nhiều đàm; khó khăn khi nhai cắn; ho sặc khi nuốt, khi đang nhai; thay đổi giọng nói hay tốc độ nói sau ăn; viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần...

"Khi chăm sóc cho ăn người cao tuổi, phải cho thức ăn mềm, tránh thức ăn xơ dính, xay nhỏ. Cho ăn khi các cụ tỉnh, tư thế ngồi hoặc nửa ngồi, cho ăn chậm, giúp hỗ trợ mở miệng cho các cụ; nhắc nhở khi các cụ ngậm thức ăn lâu,... Sau khi ăn, tập cho các cụ thói quen đứng lên, đi lại quãng đường ngắn, rồi mới giúp họ vệ sinh răng miệng", BS. Ánh khuyến cáo.

Trường hợp đang ăn, nếu đột ngột các cụ bị ho, nôn ói hoặc có hiện tượng ráng nuốt, khó thở, hay nắm chặt tay, gồng nuốt… lập tức cho các cụ ngưng lại ngay. Kiểm tra xem các cụ có các triệu chứng của hít sặc không, nếu cần có thể hỏi để tìm ra nguyên nhân và mau chóng đưa người thân đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tránh để lâu sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Trần Thu Minh

Cùng chuyên mục

Những lưu ý cho người cao tuổi khi tập thể dục dưới trời lạnh

Việc tập thể dục vào mùa lạnh là cần thiết với người cao tuổi. Tuy nhiên cần xem xét một số yếu tố như...

Để người cao tuổi sống vui, khỏe sau khi nghỉ hưu

Khi đến tuổi nghỉ hưu cũng là giai đoạn mới trong cuộc sống, người cao tuổi có nhiều vấn đề cần phải quan...

Tải về

Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi

Sự lão hóa của các cơ quan khi tuổi già đến, đặc biệt, sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở...

Hiện tượng hạ thân nhiệt cơ thể ở người cao tuổi

Hạ thân nhiệt là tình trạng thường gặp vào mùa đông nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ảnh...