Làm thế nào để xây dựng môi trường thân thiện dành cho người cao tuổi?

Thứ Tư, 02/09/2020 05:18 PM (GMT+7)

Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới đã chỉ rõ: Để thích ứng với già hóa dân số phải "tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi".

nguoi-gia

Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Đến năm 2019, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 11,86% dân số. Dự báo, tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên 16,66% vào năm 2029 và lên 26,10% vào năm 2049. Các nhà nhân khẩu học nhận định, nước ta là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở nước ta.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế), người cao tuổi Việt Nam sống chủ yếu ở nông thôn cùng con cháu, đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng đối diện với gánh nặng "bệnh tật kép" và thường mắc các bệnh mạn tính, phải điều trị kéo dài, thậm chí suốt đời, chi phí điều trị lớn.

Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng chưa thích ứng già hóa dân số nhanh; việc xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi và triển khai các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, môi trường sống có tác động mạnh mẽ tới sức khỏe con người nói chung và của người cao tuổi nói riêng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, môi trường sống thân thiện với người cao tuổi giúp cho sự già hóa khỏe mạnh thông qua việc hỗ trợ và duy trì phát triển năng lực nội tại suốt vòng đời mỗi người và phát huy khả năng hoạt động để mỗi người, với năng lực nội tại khác nhau đều có thể đạt được những giá trị riêng của mình.

Môi trường già hóa khỏe mạnh đòi hỏi 5 thành tố cơ bản: Đáp ứng nhu cầu cơ bản của người cao tuổi bao gồm ăn, mặc, nhà ở, chăm sóc y tế và chăm sóc dài hạn; học tập nâng cao trình độ và ra quyết định; hỗ trợ người cao tuổi di chuyển đi lại; giúp phát triển, duy trì các mối quan hệ; được tôn trọng và đóng góp cho xã hội.

Ông Nguyễn Xuân Trường cho biết thêm, thực tế ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến các nội dung liên quan đến môi trường xã hội thân thiện với người cao tuổi. Điều 10 Luật Người cao tuổi năm 2009 đã nêu rõ: Phụng dưỡng người cao tuổi là chăm sóc đời sống tinh thần, vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khoẻ và các nhu cầu về vui chơi, giải trí, thông tin, giao tiếp, học tập của người cao tuổi.

"Để các nội dung của điều luật này đi vào cuộc sống rất cần phải xây dựng triển khai mô hình xã/phường thân thiện với người cao tuổi", ông Nguyễn Xuân Trường nhấn mạnh.

Đề cập cụ thể về việc xây dựng môi trường sống thân thiện với người cao tuổi, Giáo sư Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội cho biết, Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới đã chỉ rõ, để thích ứng với già hóa dân số phải "tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi".

Vì vậy, theo GS Nguyễn Đình Cử, môi trường thân thiện với người cao tuổi là môi trường hỗ trợ cho "già hóa năng động". Để làm được điều này, cần đảm bảo 5 yếu tố cơ bản, đó là: Vai trò của chính người cao tuổi; vai trò của gia đình; vai trò của cộng đồng; của đơn vị sự nghiệp công, doanh nghiệp và vai trò của Nhà nước.

Cụ thể, với bản thân người cao tuổi, cần chủ động bảo đảm tài chính, đủ chi trả cho hàng hóa sản phẩm và dịch vụ phục vụ đời sống của mình; nêu cao tinh thần "tự phục vụ" và hoạt động đóng góp cho gia đình, cộng đồng.

Với những gia đình có người cao tuổi, cần đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho người cao tuổi; trong cộng đồng, điều cần làm là huy động cộng đồng hỗ trợ người cao tuổi.

Bên cạnh đó, đối với các đơn vị sự nghiệp công, doanh nghiệp, để tiến tới xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi, cần cung cấp hàng hóa và dịch vụ thích hợp với người cao tuổi. Đồng thời, tạo việc làm phù hợp cho người cao tuổi; Nhà nước có vai trò tạo dựng khung luật pháp, chính sách; bố trí nguồn lực thực hiện pháp luật và chính sách liên quan đến người cao tuổi.

Vũ Ngọc Chương

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...