Lựa chọn giới tính khi sinh: Đừng bất công với con cái!

Thứ Năm, 10/10/2019 10:55 AM (GMT+7)

Mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay ở một số quốc gia châu Á đang là một trong những thách thức to lớn của công tác dân số nên được các nhà quản lý, các nhà khoa học và cả thế giới quan tâm giải quyết.

gioi-tinh

Theo các chuyên gia, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là tâm lý ưa thích con trai hơn con gái. Do đó, một giải pháp then chốt nhằm ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là phải tăng cường công tác bình đẳng giới, để trẻ em sinh ra đều bình đẳng, dù là trai hay gái. 

Con trai vẫn được ưa thích hơn con gái

Mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay ở một số quốc gia châu Á đang là một trong những thách thức to lớn của công tác dân số nên được các nhà quản lý, các nhà khoa học và cả thế giới quan tâm giải quyết. Ở Việt Nam, từ cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 1999, tỷ số giới tính khi sinh là 107 bé trai/100 bé gái, 10 năm sau đến cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, tỷ số này là 110,5 và tăng lên 113,8 năm 2013.

Đến năm 2018, tỷ số này là 115,1 bé trai/100 bé gái. Đây cũng là năm có tỷ số giới tính khi sinh tăng nhanh và ở mức cao nhất từ trước tới nay. Cho đến thời điểm hiện tại, tỷ số này vẫn dao động xung quanh ngưỡng 114,8 bé trai/100 bé gái.

Tại buổi lễ Mít tinh cổ động, diễu hành hưởng ứng Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10 năm 2019 với chủ đề "Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh" do Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn vừa tổ chức, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cho biết: "Mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tiếp tục tăng và lan rộng, cả nông thôn, thành thị và tại tất cả các vùng miền. Cả nước đã có 55/63 tỉnh thành có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 108 bé trai/100 bé gái".

Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Ngọc Lan, bất bình đẳng giới là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngược lại mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới. "Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là hành vi lựa chọn giới tính thai nhi của các cặp vợ chồng. Mong muốn có con trai hiện nay không chỉ dừng ở biểu hiện tâm lý mà đã thể hiện thành hành động tìm kiếm con trai", Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Ngọc Lan nói.

Cũng từng đề cập đến thực trạng con trai được ưa thích hơn con gái, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, hiện nay nhiều gia đình luôn nghĩ: "Chỉ có con trai mới là người được thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường"; "Phải có con trai mới là người thành đạt"; "Con gái là con người ta". Chính những quan niệm như vậy đã thôi thúc nhiều gia đình phải cố đẻ con trai cho bằng được.

Bên cạnh đó, theo phong tục ở nhiều địa phương chỉ có con trai được thừa kế tài sản của cha mẹ, vị thế của người phụ nữ không được coi trọng, chính sách sinh ít con kéo dài... Tất cả những điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ…

"Nếu không có giải pháp cụ thể thì chúng ta sẽ mãi loanh quanh, luẩn quẩn trong câu chuyện "trọng nam khinh nữ". Thực tế, phụ nữ luôn bị coi là thứ hai, đứng sau nam giới. Đến bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới và người dân nhận thức được rằng, đẻ con gái cũng tốt như đẻ con trai, lúc ấy có lẽ tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh mới được giải quyết", TS Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.

Thúc đẩy bình đẳng để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Ngọc Lan, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ.

Bên cạnh đó, mất cân bằng giới tính có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng; làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và các hình thức bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái, bất bình đẳng, ly hôn; bất ổn xã hội...

Trên thực tế, những câu chuyện về việc phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam bị bắt cóc, bị lừa bán sang Trung Quốc chính là những cảnh báo nhãn tiền về hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Bên cạnh đó, những vụ bạo lực trong mỗi gia đình liên quan đến việc phải đẻ con trai vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại nhiều nơi trên khắp cả nước.

Nhiều ông chồng suốt ngày chửi bới, mỉa mai, đánh đập vợ về việc không sinh được con trai. Rồi những người vợ phải chịu muôn vàn áp lực từ phía chồng cũng như gia đình nhà chồng, nào là áp lực khiến cho người vợ phải đồng ý cho người chồng đi "tìm kiếm" con trai chỗ này, chỗ kia; áp lực khiến người phụ nữ phải bỏ đi để cho anh chồng đi lấy người vợ khác cho đến việc phải chịu đựng để chồng ngang nhiên đi cặp bồ để có con trai.

Trên cơ sở đó, lãnh đạo Tổng cục Dân số nhấn mạnh, một giải pháp then chốt nhằm ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là phải tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới. Cần có những hành động thiết thực bảo vệ trẻ em để các em sinh ra được bình đẳng, dù là trai hay gái.

Là một trong 10 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất cả nước (116,3 bé trai/100 bé gái năm 2018), ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Trưởng ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng đang trở thành một trong những vấn đề nan giải đối với công tác DS-KHHGĐ hiện nay. Do đó, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh: "Để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tinh khi sinh, giải pháp quan trọng nhất là tăng cường công tác truyền thông, giáo dục làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân. Công tác này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và lâu dài. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị để triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh".

Ông Dương Xuân Huyên kêu gọi tất cả mọi người, không phân biệt độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp hãy thực hiện khẩu hiệu "Con trai hay con gái đều là niềm hạnh phúc của mỗi gia đình".

Duyen

Cùng chuyên mục

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

“Bài thuốc” thần kì sinh được con trai!!

Theo báo cáo Tổng quan về bình đẳng giới năm 2021, tỉ số giới tính khi sinh ở mức khá cao, cứ tính 111,5 trẻ năm...

Hạnh phúc của những gia đình “toàn con gái”

Gạt bỏ quan niệm phải sinh con trai để “nối dõi tông đường”, hiện nay, nhiều gia đình sinh con một bề là gái...

Tình trạng dư thừa đàn ông tại Trung Quốc và những hệ lụy

Hệ lụy của thực trạng này đã khiến Trung Quốc mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, sự mất cân bằng này...