Mang thai hộ - Phải đảm bảo chặt chẽ các thủ tục pháp lý

Thứ Ba, 19/01/2016 12:00 AM (GMT+7)

Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ 1/1/2015 đã cho phép mang thai hộ (MTH) vì mục đích nhân đạo đáp ứng được nhu cầu và lòng mong mỏi của không ít người dân.

Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ 1/1/2015 đã cho phép mang thai hộ (MTH) vì mục đích nhân đạo đáp ứng được nhu cầu và lòng mong mỏi của không ít người dân. Tròn 1 năm triển khai, đến nay, tổng cộng đã có gần 100 hồ sơ được chấp nhận tại 3 bệnh viện (BV) lớn trên cả nước là BV Phụ sản Trung ương, BV Trung ương Huế  và BV Phụ sản Từ Dũ với tỉ lệ thành công 50%.

Đây là những thành công bước đầu của việc MTH, tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện MTH vẫn còn không ít những khó khăn phát sinh từ thực tiễn... GS.TS. Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội phụ sản khoa và sinh đẻ có kế hoạch Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (TTHTSS) Quốc gia đã dành cho báo SK&ĐS cuộc chuyện trò cởi mở và thẳng thắn về vấn đề này.

GS.TS. Nguyễn Viết Tiến

PV: Thưa Thứ trưởng, dưới góc độ chuyên môn, xin ông cho biết có những khó khăn trong thực hiện kỹ thuật MTH?

GS.TS. Nguyễn Viết Tiến: Việc thực hiện kỹ thuật MTH hoàn toàn khác với các kỹ thuật xin noãn, xin phôi, xin tinh trùng. Những cặp vợ chồng phải nhờ đến kỹ thuật MTH vì bản thân người phụ nữ không có tử cung (bệnh lý bẩm sinh) nhưng vẫn có buồng trứng hoặc có tử cung bất thường. Trường hợp như vậy kỹ thuật lấy noãn cũng khó khăn hơn nhiều. Thậm chí có trường hợp chúng tôi phải thực hiện kỹ thuật lấy qua đường thành bụng mà nếu không có kinh nghiệm không thể lấy được.

Khó khăn nữa là thực hiện cho những trường hợp người vợ bị những bệnh lý nặng không thể mang thai được, ví dụ như bệnh lý về máu, huyết áp, tim mạch, gan, thận… Buồng trứng của họ vẫn phát triển và hoạt động bình thường nhưng trong quá trình thực hiện kỹ thuật có rất nhiều rủi ro, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ tử vong so với những phụ nữ không bị bệnh lý gì cả. Do đó, kỹ thuật MTH không giống các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, nó đòi hỏi kỹ thuật cao hơn.

PV: Một bộ hồ sơ để xét duyệt MTH có khá nhiều thủ tục rắc rối. Có những trường hợp phải đi lại BV khá nhiều lần vì không nắm rõ được các loại giấy tờ cần thiết để hoàn thiện hồ sơ thực hiện MTH. Theo ông, có thể giảm bớt đi thủ tục nào đó để cho người dân có thể dễ dàng, thuận lợi thực hiện?

GS.TS. Nguyễn Viết Tiến: Đúng là một hồ sơ để xét duyệt được MTH rất dày, có rất nhiều dấu trong đó. Nhưng nếu không đầy đủ như thế chắc chắn TTHTSS không dám làm. Không đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý sẽ phát sinh nhiều tiêu cực; không thực hiện đầy đủ các thủ tục thì sẽ gặp rắc rối về sau cho các cặp vợ chồng mà nhờ người khác MTH. Thực tế đã có các cặp vợ chồng phải nhờ MTH về xã xin xác nhận, xã không dám chứng nhận, không dám đóng dấu vì họ chưa biết có luật này, chưa biết có nghị định này. Vợ chồng lại phải lên TTHTSS để xin giấy photo về nghị định này rồi mang về xã họ mới biết để mà chứng nhận cho. Đúng là vất vả thật đấy nhưng cần phải làm như vậy, không còn cách nào khác. Chúng ta cần phải làm đầy đủ các thủ tục, như vậy thì mới thuận lợi cho các cặp vợ chồng về sau này chứ không người ta sẽ gặp rắc rối.

PV: Qua 1 năm thực hiện nghị định của Chính phủ về việc MTH, ông có thể cho biết trong quá trình triển khai có gặp phải khó khăn, vướng mắc gì?

GS.TS. Nguyễn Viết Tiến: Theo quan điểm của tôi, nghị định này tương đối tốt rồi, nhưng tôi thấy một điểm trong nghị định sau này cần sửa đổi lại: Luật quy định những cặp vợ chồng chưa có đứa con nào mới được thực hiện kỹ thuật nhờ MTH. Nhưng trong thực tế, có những cặp vợ chồng đã có con chung rồi nhưng đứa con đó bị tật nguyền, tàn tật do trong quá trình sinh nở phải can thiệp sản khoa chứ không phải tật nguyền do bệnh lý di truyền. Và cũng vì sự can thiệp thủ thuật đó mà người mẹ bắt buộc phải cắt tử cung. Noãn, trứng của vợ bình thường, tinh trùng của chồng bình thường. Nếu họ được sinh thêm đứa con nữa là hoàn toàn chính đáng và nhân đạo. Đứa trẻ được sinh ra bằng MTH sẽ là chỗ dựa, chăm sóc cho bố mẹ và người anh/chị trước đấy. Luật hiện hành không cho phép, nếu bây giờ làm như vậy lại là sai. Giống như trước đây, nghị định sinh con theo phương pháp khoa học: những người trên 45 tuổi không được thực hiện kỹ thuật này. Khi đến làm, họ 45 tuổi, nhưng trong quá trình thực hiện các thủ tục, xét nghiệm, họ sang tuổi 46. Mà sang tuổi 46 không được làm nữa. Do đó, chúng ta đã sửa lại quy định về tuổi ở nghị định này. Trở lại nghị định về MTH, đã là luật thì phải thực hiện nghiêm, nhưng trong thời gian tới, ta nên điều chỉnh, sửa đổi lại những điều, những khía cạnh chưa thật phù hợp với thực tiễn. Sẽ là rất nhân văn khi giải quyết được những nhu cầu, khát khao chính đáng của các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Hệ thống kính hiển vi soi ngược hiện đại thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.

PV: Trường hợp em gái MTH vợ chồng anh trai xét về góc độ di truyền học có ảnh hưởng đến gen của đứa trẻ sinh ra không, thưa GS?

GS.TS. Nguyễn Viết Tiến: MTH là hình thức nhờ BV lấy trứng của mẹ và tinh trùng của bố để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó chuyển phôi vào tử cung cho người phụ nữ tự nguyện MTH. Phôi được chuyển vào hoàn toàn không mang yếu tố di truyền gì của người được MTH cả. Nếu mang ra xét nghiệm, thử ADN thì bản chất di truyền là của cặp vợ chồng nhờ mang thai chứ không ảnh hưởng di truyền của người nhận MTH. Chỉ khi người MTH ốm yếu thì ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi chứ không ảnh hưởng gì đến di truyền của đứa trẻ.

PV: Thực tế đã có không ít trường hợp lợi dụng MTH để trục lợi cá nhân và những toan tính khác. Theo Thứ trưởng, làm thế nào để tránh việc MTH vì mục đích nhân đạo bị lạm dụng, bị biến tướng thành MTH vì mục đích thương mại, thành tình trạng đẻ thuê?

GS.TS. Nguyễn Viết Tiến: Đây là trách nhiệm của cả cộng đồng, không chỉ riêng của các TTHTSS. Tại phường xã, khi đóng dấu xác nhận người MTH cùng là họ hàng, chẳng hạn tận trên Lào Cai, Mù Cang Chải… vậy ở đó họ có trách nhiệm xác nhận sự thật, xác định rõ nguồn gốc. Trên TTHTSS làm sao biết được, họ chỉ thẩm định về chuyên môn. Do đó, mặc dù thủ tục MTH khá là phức tạp nhưng thủ tục càng phức tạp bao nhiêu thì càng tránh bớt được rủi ro làm vì mục đích thương mại.

PV: Thời gian để xét duyệt một hồ sơ MTH có lâu không, thưa ông?

GS.TS. Nguyễn Viết Tiến: Để chuẩn bị một bộ hồ sơ cũng khá vất vả. Nếu truyền thông rộng rãi, hiệu quả để các cặp vợ chồng hiểu rõ thủ tục, cần những giấy tờ gì để mang đến đầy đủ thì sẽ xét duyệt được rất nhanh. Chứ nếu cứ mỗi lúc chỉ mang một loại giấy tờ đến thì rất vất vả, mất nhiều thời gian. Mà dù mất nhiều thời gian thì TTHTSS cũng phải chờ đầy đủ mới làm. Do đó, có người được duyệt rất nhanh, chỉ mấy ngày đã xong, có người kéo dài vài tháng trời vẫn chưa được chấp nhận vì thiếu giấy tờ.

PV: Có những trường hợp quá bế tắc trong hôn nhân vì không thể có con nhưng không tìm được người MTH theo đúng qui định của luật, họ đã liều lĩnh tìm đến những dịch vụ MTH trôi nổi, Thứ trưởng có lời khuyên nào cho họ?

GS.TS. Nguyễn Viết Tiến: Hoàn toàn không nên và không được phép làm như vậy chút nào. MTH vì mục đích thương mại không thành công cũng khổ, mà thành công rồi có khi còn khổ hơn vì người mang thai suốt ngày đến đòi tiền. Muốn để thành con mình cứ phải nộp tiền cho họ thôi vì chẳng có một văn bản pháp lý nào cả. Thứ nữa, làm ở những dịch vụ trôi nổi chắc chắn kỹ thuật không tốt được. Kỹ thuật không tốt thì tiền mất tật mang. Nếu cứ thấy khó khăn mà tự ý bớt đi các thủ tục cho mình rồi tìm đến những dịch vụ trôi nổi là tự chuốc lấy họa. Mà chắc chắn những bác sĩ làm thụ tinh ống nghiệm nhận thức được điều này rất sâu sắc. Nếu cứ gật đầu làm cho rồi đến lúc xảy ra kiện cáo, tranh chấp, chính mình sẽ phải gánh chịu hậu quả trước tòa. Nên cứ đúng luật mà làm. Người nào lách luật làm người đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

12 loại giấy tờ cần có để thực hiện kỹ thuật MTH

1. Đơn đề nghị thực hiện kỹ thuật MTH theo mẫu.

2. Bản cam kết tự nguyện MTH vì mục đích nhân đạo theo mẫu.

3. Bản cam đoan của người đồng ý MTH là chưa MTH lần nào.

4. Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do UBND cấp xã nơi thường trú xác nhận.

5. Bản xác nhận của cơ sở y tế được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi. Người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

6. Bản xác nhận của cơ sở y tế được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người MTH về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi theo quy định.

7. Bản xác nhận của UBND cấp xã hoặc người MTH, người nhờ MTH tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này.

8. Bản xác nhận của chồng người MTH (trường hợp người phụ nữ MTH có chồng) về việc đồng ý cho MTH.

9. Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sĩ sản khoa.

10. Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên.

11. Bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý.

12. Bản thỏa thuận về MTH vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ MTH và bên MTH theo quy định theo mẫu, phải có công chứng.

 

Theo: Báo Sức khỏe & Đời sống

 

System

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...