Mất cân bằng giới - những con số biết nói và hệ lụy lâu dài

Thứ Hai, 10/06/2019 11:36 AM (GMT+7)

Số liệu báo cáo thống kê chuyên ngành Dân số hàng năm cho thấy, trên 50% số tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh của năm sau cao hơn năm trước.

mat-can-bang-gioi

Những con số biết nói

Thực tế cho thấy, tình trạng mất cân bằng giới tính (MCBGT) đã được thể hiện rõ thông qua những con số biết nói. Thông thường, theo quy luật tự nhiên, trung bình cứ sinh 100 bé gái thì tương ứng sinh được khoảng từ 104 đến 106 bé trai. Trước đây, trẻ em được sinh ra ở nước ta đều theo quy luật này, tuy nhiên, đến năm 2006, trung bình cứ 100 bé gái thì tương ứng có tới 110 bé trai được sinh ra. Tình trạng này được chính thức xác định là MCBGT khi sinh và con số bé trai được sinh ra đã và đang liên tục tăng lên trong những năm qua.

Số liệu báo cáo thống kê chuyên ngành Dân số hàng năm cho thấy, trên 50% số tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh của năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, đồng bằng sông Hồng là vùng tỷ số đó ở mức cao, tăng liên tục trong 5 năm từ 115,3 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2009); tăng lên 118 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2014). Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, 10 tỉnh có tỷ lệ MCBGT khi sinh cao nhất gồm: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hoà Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh và Quảng Ngãi.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tỷ số giới tính khi sinh của thành phố Hà Nội giảm dần từ 117,6 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2008 xuống còn 113,5 trẻ trai/100 trẻ gái (2017) và trong 9 tháng năm 2018, tỷ số đó vẫn ở mức cao – 113,5 trẻ trai/100 trẻ gái. Đây là những con số đáng báo động về tỷ lệ MCBGT tại các thành phố lớn.

PGS-TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định: Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn thành phố đang có xu hướng giảm nhưng vẫn ở trên mức báo động. Nếu như không có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và kịp thời thì tình trạng MCBGT khi sinh sẽ dẫn đến những hệ luỵ khó lường về trật tự xã hội, an ninh chính trị; kéo theo đó là hiện tượng thiếu nữ thừa nam trong độ tuổi kết hôn, nhiều nam giới sẽ phải sống trong tình trạng độc thân khiến cấu trúc gia đình bị phá vỡ, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số trong tương lai.

Trước tình hình đó, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực dân số cảnh báo: Nếu tình trạng MCBGT khi sinh vẫn tiếp tục gia tăng, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ có khoảng 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn. Tổng cục Thống kê cho biết: Ước tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ thừa 1,38 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình cho rằng: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng MCBGT ở nước ta là do tâm lý “trọng nam, khinh nữ” đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ. Điều này đã dẫn đến sự bất bình đẳng giới và là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng MCBGT khi sinh. MCBGT khi sinh sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai, làm biến đổi chỉ số nhân khẩu học và kéo theo nhiều hệ luỵ về các tệ nạn xã hội (buôn bán phụ nữ, mại dâm, bạo lực gia đình…). MCBGT khi sinh sẽ tác động tiêu cực đến cá nhân, gia đình, cộng đồng và sự phát triển bền vững của quốc gia nếu không được can thiệp kịp thời.

Theo bác sĩ Mai Xuân Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình - thì MCBGT khi sinh thường xảy ra khi tỷ số giới tính trẻ nam lớn hơn 107 hoặc nhỏ hơn 103 so với 100 trẻ nữ. MCBGT ở Việt Nam xảy ra muộn nhưng có tốc độ gia tăng nhanh, để lại nhiều hậu quả nặng nề. Thời gian qua, tình trạng MCBGT tập trung cao ở phía Bắc và đã dần dịch chuyển vào miền Trung và lan dần đến vùng Đông Nam Bộ.

Nhiều hệ luỵ lâu dài

MCBGT khi sinh thuộc loại mất cân bằng vật chất – nền tảng cơ bản cho sự tồn tại và phát triển bền vững của xã hội. Do đó, nếu tình trạng này tiếp tục gia tăng sẽ để lại nhiều hệ luỵ khó lường.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy điều này trong cuộc sống hôn nhân “một vợ, một chồng”. Nếu nam nhiều hơn nữ thì hàng triệu nam giới sẽ phải sống độc thân, không thể kết hôn hoặc kết hôn muộn, dẫn đến quan hệ tình dục ngoài hôn nhân gia tăng, tạo điều kiện cho các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (trong đó có HIV/AIDS) có cơ hội lây lan nhanh trong cộng đồng.

Không dừng lại ở đó, sự khan hiếm phụ nữ do mất cân bằng giới tính sẽ dẫn đến việc tranh giành trong hôn nhân, dễ gây các cuộc xung đột, thậm chí là cả các vụ án mạng. Vấn nạn lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ, mại dâm... sẽ ngày một tăng lên. Phụ nữ có thể bị ép buộc sinh thêm con, phá thai nhi gái, bất chấp sức khoẻ và tính mạng, bị ngược đãi, phụ tình, ruồng bỏ khi không sinh được con trai.

Theo một nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội, trung bình cứ 4 phụ nữ sau sinh thì có 1 phụ nữ bị trầm cảm. Tuy nhiên, tình trạng trầm cảm ở phụ nữ sau sinh trầm trọng (gấp 2 lần) ở lần mang thai thứ 2 trong trường hợp gia đình đã có con gái trước đó. Số phụ nữ sinh con gái một bề có nguy cơ bị chồng bạo hành trong quá trình mang thai (bao gồm cả bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần) gấp 2 lần so với phụ nữ có con trai.

Đặc biệt, khi sinh ra nhiều bé trai, ít bé gái sẽ khiến nguồn lao động nữ khan hiếm, những ngành sử dụng nhiều lao động nữ có nguy cơ khó tuyển dụng lao động và ngược lại, lao động nam dư thừa, nam giới sẽ phải cạnh tranh gay gắt để có được công việc trên thị trường lao động. Nhìn ở một góc độ khác, mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn, kinh tế gia đình khá giả thường cao hơn nhiều so với các cặp vợ chồng nghèo, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Những phụ nữ có trình độ học vấn cao thường biết chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai và điều chỉnh số con mà họ mong muốn.

Phụ nữ có trình độ học vấn cao thường có điều kiện kinh tế tốt để có thể chi trả các dịch vụ lựa chọn gới tính trước sinh và thoả mãn được cả hai mục tiêu: Quy mô gia đình nhỏ và có con trai. Thống kê dân số và lao động của Tổng cục Thống kê cho thấy, khi trình độ học vấn của phụ nữ tăng lên, tỷ số giới tính khi sinh cũng tăng lên, từ mức 106 -111 trẻ trai/100 trẻ gái (ở bà mẹ có trình độ tiểu học), đến mức 113 trẻ trai/100 trẻ gái (ở bà mẹ có trình độ trung học phổ thông) và lên đến 115 trẻ trai/100 trẻ gái ở nhóm bà mẹ có trình độ học vấn bậc đại học trở lên.

Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) - cho hay: Hiện nay các quy định pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức đã có nhưng chưa được thực hiện đầy đủ, tỷ lệ các bà mẹ biết giới tính thai nhi trước khi sinh rất cao, chủ yếu bằng phương pháp siêu âm. Đặc biệt, việc lạm dụng khoa học, công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi là nguyên nhân chính của tình trạng mất cân bàng giới tính khi sinh. Tâm lý ưa thích con trai, định kiến về giới, mong muốn có con trai trong gia đình quy mô nhỏ làm trầm trọng hơn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Có thể thấy, tỷ số giới tính khi sinh có mối liên hệ chặt chẽ với vấn đề văn hoá, phong tục, tập quán của người dân từ hàng ngàn năm nay. Vì thế, cần phải nhìn nhận tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh như một vấn đề về văn hoá. Để hạn chế tối đa sự gia tăng MCBGT khi sinh không chỉ cần sự chung tay, phối hợp của cả hệ thống chính trị, xã hội và cộng đồng mà còn phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, kết hợp với học tập kinh nghiệm từ các nước trên thế giới. Cùng với đó, để thực hiện mục đích giảm tỷ số giới tính khi sinh cần phải có các chính sách ưu tiên đối với phụ nữ, ưu tiên đối với những gia đình sinh con một bề là con gái và không chỉ dừng lại ở bình đẳng giới. Cần tăng cường rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật, cấm tuyệt đối mọi hình thức lựa chọn giới tính khi sinh.

Đã có nhiều giải pháp được đặt ra, nhưng giải pháp quan trọng và trọng tâm nhất vẫn là đẩy mạnh truyền thông, giáo dục để thay đổi nhận thức, suy nghĩ và hành vi của người dân về bình đẳng giới. Bên cạnh đó, việc tăng cường cam kết chính trị cần phải được đặt lên hàng đầu bởi chỉ riêng ngành Dân số hành động sẽ không thể đạt được thành công trong việc kiểm soát và giảm thiểu tình trạng MCBGT khi sinh.

Để giải quyết triệt để tình trạng MCBGT khi sinh, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình đã triển khai Đề án Giảm thiểu tình trạng MCBGT khi sinh. Hiện, ngành Dân số đang triển khai Đề án kiểm soát MCBGT khi sinh giai đoạn 2016-2025 với nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác truyền thông để thay đổi hành vi. Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới đã khẳng định: MCBGT khi sinh tại Việt Nam đang tăng nhanh ở mức độ nghiêm trọng. Vì vậy, để giảm thiểu tỷ số giới tính khi sinh thì bên cạnh các giải pháp của cơ quan chuyên môn, rất cần sự chung tay của toàn xã hội.

Duyen

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...