Mức sinh “lao dốc” của Hàn Quốc và bài học kinh nghiệm ở Việt Nam

Thứ Năm, 16/05/2019 06:21 AM (GMT+7)

Hiện nay mức sinh ở Hàn Quốc đang thuộc hàng thấp nhất trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng về nhân khẩu học, do đó những vấn đề về dân số của Hàn Quốc sẽ là những bài học để Việt Nam tham khảo…

Mức sinh thấp nhất thế giới

Mới đây, tại Hội thảo Tăng cường hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc trong lĩnh vực Dân số và Phát triển, TS Ko Woo Rim (Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc) cho biết, năm 2018, tổng tỷ suất sinh (TFR) của Hàn Quốc là 0,98. Đây là mức thấp nhất trên thế giới, đồng nghĩa với việc Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên có mức TFR thấp hơn 1,0 (trung bình mỗi phụ nữ tại Hàn Quốc chưa sinh đến 1 con).

Theo TS Ko Woo Rim, có nhiều nguyên nhân dẫn đến mức sinh thấp ở Hàn Quốc, trong đó, áp lực dân số từ thế hệ đi trước trong việc sinh ít con cùng với tình trạng giới trẻ Hàn Quốc hiện tại có xu hướng kết hôn muộn để tập trung phát triển, xây dựng sự nghiệp tại các thành phố, đô thị lớn cũng khiến họ sinh ít hoặc trì hoãn việc sinh con. Một nguyên nhân khác đến từ tác động của chính sách can thiệp tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Hàn Quốc vào những năm 1990 của thế kỷ trước cũng khiến mức sinh bị giảm xuống.

Cũng theo vị chuyên gia này, trong tương lai, nếu Hàn Quốc không có các biện pháp can thiệp kịp thời và quyết liệt hơn nữa, đất nước Hàn Quốc có thể bị “xóa sổ” trên bản đồ thế giới hay nói cách khác, người dân nước này sẽ bị “tuyệt chủng” vào khoảng những năm 2750 do mức sinh quá thấp.

Trong thời gian qua, Chính phủ Hàn Quốc đã chi một nguồn ngân sách không hề nhỏ cho việc cải thiện tỷ lệ sinh, khuyến khích mô hình các gia đình đông con. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh thấp "kinh niên" đang đặt ra mối lo ngại về thiếu hụt nguồn nhân lực, làm tăng chi phí trợ cấp xã hội, đồng thời giảm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.

Duy trì mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng

han-quoc-dan-so

Mức sinh không đồng đều giữa các vùng, khu vực trên cả nước cũng đang đặt ra thách thức không nhỏ trong việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế.

Không riêng Hàn Quốc, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang gặp phải tình trạng mức sinh có chiều hướng liên tục giảm. Các nhà nhân khẩu học nhận định, mức sinh thấp và kéo dài trong thời gian dài sẽ dẫn đến sự thiếu hụt lực lượng lao động trầm trọng, khiến cho những quốc gia này phải phụ thuộc nhất định vào lực lượng nhập cư mỗi năm để tham gia vào quá trình sản xuất, vận hành nền kinh tế đất nước.

Tại Việt Nam, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết, xét trên phạm vi toàn quốc, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế và duy trì liên tục trong suốt hơn 1 thập kỷ qua. Tuy nhiên, mức sinh không đồng đều giữa các vùng, khu vực trên cả nước cũng đang đặt ra thách thức không nhỏ trong việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế của cả nước.

Chẳng hạn, các tỉnh phía Nam, mức sinh có xu hướng liên tục giảm, một số tỉnh giảm xuống mức rất thấp (dưới 1,6 con) như Đồng Tháp (1,34 con), TPHCM (1,36 con), Bà Rịa - Vũng Tàu (1,37 con), Hậu Giang (1,53 con). Ngược lại, nhiều tỉnh phía Bắc mức sinh không ổn định, một số tỉnh đã tăng cao trở lại (trên 2,5 con).

Bên cạnh đó, hiện vẫn còn 4/6 vùng kinh tế - xã hội chưa đạt được mức sinh thay thế, có nơi rất cao, quy mô dân số tiếp tục tăng nhanh. Trong khi ở một số vùng đô thị, kinh tế phát triển, mức sinh đã xuống thấp, có nơi thấp xa so với mức sinh thay thế. Do đó, nhiệm vụ đặt ra là cần duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giữ mức sinh đồng đều giữa các vùng, khu vực và không để mức sinh “tụt” quá thấp, nhất là ở các tỉnh/thành đang có mức sinh thấp và có xu hướng tiếp tục giảm sinh. Đây cũng là mục tiêu quan trọng được nêu trong Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới.

Chuẩn bị kỹ lưỡng để thích ứng với già hóa dân số

Bên cạnh mức sinh thấp, hiện tại, Hàn Quốc đang ở mức già hóa dân số có tốc độ nhanh nhất thế giới. Tính tới năm 2017, dân số trên 65 tuổi của Hàn Quốc chiếm 13,8% tổng dân số, vẫn thuộc giai đoạn mới bước vào xã hội già hóa. Nhưng từ năm 2018, con số này vượt ngưỡng 14% và Hàn Quốc chính thức bước vào xã hội già. Dự báo tới năm 2026 sẽ đạt trên 20%, giai đoạn xã hội “siêu già”. Và tới năm 2050, độ tuổi bình quân của người Hàn Quốc sẽ là 53 tuổi, đưa nước này trở thành quốc gia có dân số già nhất thế giới.

Nằm trong xu hướng già hóa dân số chung của thế giới, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hòa dân số từ năm 2011 và cũng là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2050, nước ta sẽ trở thành một quốc gia “siêu già”. Do đó, bên cạnh duy trì mức sinh thay thế, một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong Nghị quyết 21 là thích ứng với quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam. Điều này cũng được nhiều chuyên gia dân số Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm tại các cuộc gặp gỡ, hội thảo để tìm ra những giải pháp giải quyết những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài về sau.

Theo đó, khi nguồn lao động giảm, tiêu dùng và sản xuất sẽ đồng thời giảm theo. Đặc biệt, nếu dân số trong độ tuổi lao động tiếp tục xu hướng thấp đi như hiện nay thì đến năm 2036, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc sẽ rơi xuống ngưỡng 0%. Tỷ trọng người già ngày càng tăng lên trong dân số, đòi hỏi các quỹ phúc lợi xã hội cho hưu trí, khám chữa bệnh cho người cao tuổi cũng tăng lên trong khi lực lượng tham gia lao động để tạo ra các giá trị thặng dư cho xã hội đang ngày càng thiếu hụt.

Điều này đòi hỏi cả Hàn Quốc cũng như Việt Nam cần có những chính sách hợp lý cũng như có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng để thích ứng với quá trình già hóa dân số. Một số khuyến nghị được đưa ra như: Tăng tuổi nghỉ hưu; khuyến khích các doanh nghiệp, công ty tạo điều kiện tuyển dụng những người cao tuổi tiếp tục làm việc để tận dụng kinh nghiệm và trí tuệ của độ ngũ người cao tuổi đã nghỉ hưu; tăng cường các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng; đẩy mạnh hệ thống y tế chăm sóc người cao tuổi...

Chuyên gia Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Theo GS Youngtae Cho (Đại học Seoul, Hàn Quốc), đến nay, Hàn Quốc là quốc gia duy nhất đưa được tỷ số giới tính khi sinh trở về mức tự nhiên, bởi tâm lý người dân đã chuyển từ ưa thích con trai sang ưa thích con gái.

Theo GS Youngtae Cho, có được sự chuyển biến trên là do 3 yếu tố. Thứ nhất là do sự tiến bộ của y tế và đời sống xã hội được nâng cao nên tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất thấp. Người dân không còn tâm lý sinh con “dự phòng”. Thứ hai là xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn về vai trò của con trai và con gái. Nhiều người trông chờ vào con trai nhưng họ nhận thấy con trai cũng chẳng làm được gì cả, thường vòi vĩnh và tiêu tiền; trong khi đó con gái lại mang tiền về, chăm sóc cha mẹ tốt hơn và làm được nhiều việc cho gia đình.

Thứ ba là suy nghĩ về giá trị truyền thống đã thay đổi, người dân đã không còn lo lắng và không quan tâm rằng sau khi mất đi ai sẽ là người lo hương khói, vì điều đó con gái cũng làm được. Sau năm 1990, người dân quan tâm hơn đến việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Hiện nay, việc chăm sóc này xã hội đã đảm nhiệm chứ không phải là con trai nữa nên nhiều người không quan trọng phải có con trai.

Theo GS Youngtae Cho, Việt Nam có thể đưa tỷ số giới tính khi sinh trở về mức cân bằng tự nhiên trong vòng 10 - 15 năm nữa. Điều này đòi hỏi không chỉ đối xử ngang bằng giữa trẻ nam và trẻ nữ mà phải đưa cơ hội lớn hơn đối với trẻ gái, đặc biệt là cơ hội học hành.

Duyen

Cùng chuyên mục

Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng tiếp xã giao Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam

Ngày 22/3/2024, tại trụ sở Cục Dân số, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng đã có buổi tiếp xã giao bà Park...

Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng làm việc với Công ty Merck Health Care nhằm thúc đẩy hợp tác về dân số

Sáng ngày 22/3/2024, tại trụ sở Cục Dân số, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng đã có buổi tiếp và làm việc...

Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng tiếp Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam

Ngày 07/3/2024, tại trụ sở Cục Dân số, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng đã tiếp và làm việc với ông Matt...

Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng làm việc với đoàn đại biểu Đại sứ quán và Văn phòng Nội các Nhật Bản

Ngày 04/3/2024, tại trụ sở Cục Dân số, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng đã có buổi tiếp và làm việc với...