Mức sinh thấp tại Việt Nam: Người trẻ và chuyện “ngại sinh”

Thứ Ba, 10/11/2020 05:18 PM (GMT+7)

“Có sinh con hay không” và “nên sinh mấy con” từ lâu đã trở thành vấn đề cần phải được cân nhắc và đồng thuận trước khi mỗi cặp đôi quyết định kết hôn.

Nếu như trước đây, sinh con đẻ cái là điều không thể thiếu trong hôn nhân, thậm chí nhiều người không ngại sinh nhiều con với quan niệm “trời sinh voi, trời sinh cỏ” thì giờ đây, tâm lý không muốn sinh con hoặc chỉ sinh ít con đang dần xuất hiện trong các cặp vợ chồng trẻ và có chiều hướng gia tăng ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển.

Theo số liệu của Tổng cục Dân số - KHHGĐ, nước ta hiện đang có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, thậm chí một số tỉnh mức sinh đã rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung. Theo kết quả thống kê sơ bộ từ cuộc Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở 01/4/2019, dân số Tp.HCM là gần 9 triệu người, mật độ dân số 4.363 người/km2, cao nhất so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổng tỷ suất sinh của Tp.HCM năm 2019 là 1,39 con, hiện ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,1 con. Quan sát số liệu từ năm 2000 đến năm 2019 cho thấy, tổng tỷ suất sinh của thành phố liên tục giảm, xu hướng khôi phục theo hướng tăng xảy ra rất ít ở thời điểm năm 2008 và năm 2013.

Có nhiều nguyên nhân khiến mức sinh của Tp.HCM cũng như các tỉnh nói trên giảm xuống trong những năm gần đây như sức ép kinh tế đối với một gia đình trẻ, chi phí sinh hoạt, mua nhà, nhất là chi phí để chuẩn bị sinh và nuôi dạy trẻ ngày càng nhiều, từ tiền ăn uống, mặc, đi học, y tế và các khoản phát sinh khiến nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ phải cân nhắc về quyết định sinh con. Sự lúng túng trong cách nuôi dạy con trước rất nhiều vấn đề giáo dục gia đình hiện đại cũng khiến nhiều người đắn đo sinh thêm con, liệu có đủ khả năng để ứng xử và dạy con tốt hay không.

Bên cạnh đó, dân trí phát triển, trình độ cao khiến giá trị sống của con người thay đổi, không còn đặt nặng giá trị con cái lên hàng đầu. Người trẻ thích tự do, thích du lịch, đầu tư cho sự nghiệp, không muốn dành thời gian chăm lo cho con cái, ở nhà mang bầu hoặc luẩn quẩn với bỉm sữa.

Tình trạng phá thai, tỉ lệ vô sinh nguyên phát, thứ phát có xu hướng gia tăng cũng là những yếu tố tác động khiến nhiều gia đình không thể sinh con.

Căn cứ theo các mô hình nhân khẩu học, mức sinh thấp sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số trong tương lai, tỉ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, trong khi tỉ lệ người cao tuổi ngày càng tăng, điều này sẽ càng làm gia tăng tốc độ già hóa dân số.

Trước thực trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng còn cao, ngày 28/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030”. Chương trình chỉ rõ các nhiệm vụ, hoạt động ưu tiên mà chính quyền địa phương cần triển khai và thực hiện ngay là nghiên cứu, ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Trong đó, thí điểm một số nội dung như: Hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình: Phát triển các câu lạc bộ kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn; tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi.

Tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em bao gồm sàng lọc vô sinh, sàng lọc trước sinh và sau sinh, phòng chống suy dinh dưỡng; tạo điều kiện trở lại nơi làm việc cho phụ nữ sau khi sinh con; giảm thuế thu nhập cá nhân; miễn giảm các khoản đóng góp công ích theo hộ gia đình;…

Đồng thời, Chương trình cũng đưa ra biện pháp khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con: mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em; xây dựng mô hình quản lý, phát triển kinh tế gia đình; từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn.

Kinh nghiệm tại một số quốc gia có mức sinh thay thế thấp chỉ ra rằng, một khi mức sinh đã xuống rất thấp thì các chính sách khuyến sinh mặc dù có chi phí đầu tư rất lớn, nhưng hầu như không có tác động làm mức sinh tăng trở lại. Trong hơn 20 năm qua, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ để khuyến sinh nhưng hầu như không thành công, tổng tỷ suất sinh của các quốc gia này đểu không thể vượt qua mức 1,3 con. Vì vậy, chú trọng can thiệp ngay khi có dấu hiệu xu hướng mức sinh giảm ở phạm vi rộng để tránh việc mức sinh xuống thấp là rất cần thiết đối với trường hợp của Việt Nam.

Thực tiễn cho thấy, thay đổi quyết định sinh con của các cặp vợ chồng gần như là yếu tố cốt lõi trong việc cải thiện mức sinh ở một nước. Do đó, các chính sách khuyến sinh cần tập trung không chỉ riêng các yếu tố về vật chất mà việc vận động nâng cao nhận thức, khuyến khích tinh thần của các bạn trẻ trong độ tuổi kết hôn, sinh đẻ là rất cần thiết. Mỗi người dân cần nhận thức được rằng, dân số có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển mọi mặt của đất nước. Việc sinh đẻ phù hợp, đảm bảo mức sinh hợp lý sẽ kéo dài được thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số. Nói cách khác, quyết định sinh con không chỉ là chuyện riêng của mỗi cá nhân, mỗi gia đình mà còn tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Phương Liên/Thanh Thúy/Thế Ân/Đình Nam/Tiến Dương/Thanh Huyền

Thanh Huyền

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...