Nâng cao năng lực nghiên cứu dân số phát triển là nhiệm vụ quan trọng với công tác dân số trong tình hình mới

Chủ Nhật, 10/02/2019 07:54 AM (GMT+7)

Hội thảo tập trung nhấn mạnh việc chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn, làm rõ mối quan hệ hữu cơ giữa dân số và phát triển; ưu tiên triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia về dân số và phát triển phù hợp trong tình hình mới.

Empty

Ngày 24/8, tại Vĩnh Phúc, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo khoa học Nâng cao năng lực nghiên cứu về dân số và phát triểngiai đoạn 2018 – 2025.

Tham dự Hội thảo có TS Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ; GS.TS Nguyễn Đình Cử, Viện nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em; ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ; các đại biểu là các chuyên gia dân số đến từ các Viện nghiên cứu, các trường đại học cùng lãnh đạo 11 Chi cục DS-KHHGĐ khu vực phía Bắc.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Lê Cảnh Nhạc cho biết: Trong những năm qua, công tác DS-KHHGĐ đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo đó, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế sớm 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VI đề ra và tiếp tục duy trì cho đến nay. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Empty

Theo TS Lê Cảnh Nhạc, góp phần quan trọng vào những thành tựu đó là những đóng góp to lớn của các nhà khoa học, các công trình nghiên cứu của các chuyên gia trong việc cung cấp bằng chứng khoa học, đề xuất giải pháp cho công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành chương trình DS-KHHGĐ.

Tuy nhiên, theo TS Lê Cảnh Nhạc, công tác dân số hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn thách thức. Mặc dù chúng ta đã kiểm soát được mức sinh, bình quân 2,1 con trên cả nước nhưng mức sinh lại không đồng đều, biến động hết sức phức tạp giữa các vùng miền.

Bên cạnh những vùng mức sinh cao và có khả năng tiếp tục tăng cao như ở miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung thì có những vùng mức sinh xuống đến mức thấp, thấp đến mức báo động như Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.

Về cơ cấu dân số, thách thức nổi lên là thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, khi hiện tại, tỷ số giới tính khi sinh vẫn mức cao, là 112 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Điều này đặt ra thách thức rất lớn trong việc ứng phó với già hóa dân số.

"Tất cả những vấn đề trên đặt ra cho các nhà quản lý, các nhà khoa học phải tiếp tục tìm ra những giải pháp, bằng chứng để có thể đưa ra các chủ trương, biện pháp để quản lý và thực hiện tốt công tác dân số trong tình hình mới", Phó Tổng cục trưởng Lê Cảnh Nhạc nhấn mạnh.

TS Lê Cảnh Nhạc cho biết thêm, Nghị quyết 21/NQ-TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã chỉ rõ nhiệm vụ của công tác dân số thời gian tới là chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển.

Theo đó, công tác dân số phải chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số, đồng thời đặt dân số trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội.

 Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, việc chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang Dân số và Phát triển thực chất là giải quyết mối quan hệ nhân quả, tương hỗ hai chiều giữa một bên là dân số và bên kia là phát triển. GS Cử cho biết, trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 6, khóa 12, chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh "Đây là một vấn đề rất lớn và khó". Chính vì vậy, theo GS Nguyễn Đình Cử, câu hỏi đặt ra là cần nghiên cứu những vấn đề gì để làm sáng tỏ Nghị quyết 21-NQ/TW và góp phần đưa Nghị quyết này vào cuộc sống. Từ đó, khuyến nghị các địa phương cần nghiên cứu sâu hơn đặc điểm dân số vùng miền để có thứ tự ưu tiên trong việc thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết 21 đặt ra.

Phạm Huyền

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...