Ngại đi khám vì COVID-19, người cao tuổi có nguy cơ đối diện với tử thần

Thứ Tư, 06/05/2020 03:15 PM (GMT+7)

Trước tình hình dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều người cao tuổi ngại đi khám dẫn đến tình trạng bệnh nặng, khó cứu chữa ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày.

nguoi-gia

TS. BS. Bùi Long – Trưởng Khoa Can thiệp Tim mạch – Bệnh viện Hữu Nghị - cho biết: Chỉ trong 1 tuần, các bác sĩ tại Bệnh viện đã hội chẩn khoảng 5-6 bệnh nhân vào viện với tình trạng suy tim nặng, nhồi máu cơ tim.

Điển hình là trường hợp bệnh nhân nam, 82 tuổi có tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp. Trước khi vào viện, gia đình bệnh nhân đã phát hiện người bệnh có biểu hiện mệt nhưng do tâm lý lo sợ dịch bệnh nên ngại đưa bệnh nhân tới khám và cho bệnh nhân điều trị theo thuốc cũ ở nhà.

Ngày 2/5, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, suy hô hấp. Các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân suy tim nặng, nhồi máu cơ tim.

Theo BS. Long, khi bệnh nhân có biểu hiện suy tim buộc phải điều trị tích cực bằng thuốc vận mạch, thở máy, hỗ trợ hô hấp. Không chỉ vậy, bệnh nhân bị sốc tim dẫn đến suy thận, suy gan khiến việc tái thông động mạch vành gặp nhiều khó khăn.

BS. Long nhấn mạnh: Nếu bệnh nhân đến bệnh viện sớm thì việc điều trị mới có hiệu quả. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng cơ tim đã tổn thương, không còn khả năng đáp ứng điều trị nên phải điều trị hồi sức hô hấp, tim phổi. Thực tế, nhiều bệnh nhân đã không qua khỏi và tốn kém nhiều chi phí trong quá trình điều trị.

Ngại đến khám vì sợ dịch COVID-19, không ít bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bệnh nặng. Ảnh: BVHN Tương tự bệnh nhân trên, bệnh nhân L.T.L.A. (82 tuổi, Long Biên - Hà Nội) vừa cấp cứu tại Viện Hữu Nghị vì rối loạn nhịp tim.

BS. Long cho hay: Nhịp tim của bà A. chậm, không đủ máu nuôi dưỡng tim, nếu không cấp cứu kịp thời thì nguy cơ tử vong rất lớn.

Mấy tuần nay, bà A. thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt nhưng nghĩ là do tuổi cao, có bệnh lý nền là tiểu đường và huyết áp nên bà cho rằng uống thuốc là khỏi nên không đi khám. Không chỉ vậy, bà A. còn ngại đi khám vì sợ dịch COVID-19. Mặc dù đã nghỉ ngơi, uống thuốc và bồi bổ đầy đủ nhưng tình trạng mệt mỏi của bà vẫn không hết.

Đến tối ngày 30/4, bà A. thấy người mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt nên đã uống thuốc beta, nằm nghỉ, nhưng người nhà phát hiện ra người bà đã tím ngắt nên đưa vào viện cấp cứu. Lúc đó nhịp tim của bà A. chỉ có 30 lần/ phút. May mắn, bà A. đã được cấp cứu kịp thời.

Do lo sợ dịch COVID-19 nên một số bệnh nhân xuất hiện triệu chứng của bệnh nhưng không đi khám ngay, để bệnh nặng mới đến bệnh viện để chữa trị.

Chính vì vậy, BS. Long khuyến cáo người cao tuổi mắc bệnh tim mạch thường không có triệu chứng điển hình nên cần phải chú ý các biểu hiện như: khó thở, mệt mỏi bất thường,… để đến cơ sở y tế thăm khám kịp thời, phòng tránh nguy cơ bị suy tim, nhồi máu cơ tim. Không phải bệnh nhân nào cũng có cơn đau thắt ngực nên phải chú ý để thăm khám, chẩn đoán sớm bệnh, gia tăng cơ hội sống sót.

Trần Thị Hải Yến

Cùng chuyên mục

Những lưu ý cho người cao tuổi khi tập thể dục dưới trời lạnh

Việc tập thể dục vào mùa lạnh là cần thiết với người cao tuổi. Tuy nhiên cần xem xét một số yếu tố như...

Để người cao tuổi sống vui, khỏe sau khi nghỉ hưu

Khi đến tuổi nghỉ hưu cũng là giai đoạn mới trong cuộc sống, người cao tuổi có nhiều vấn đề cần phải quan...

Tải về

Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi

Sự lão hóa của các cơ quan khi tuổi già đến, đặc biệt, sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở...

Hiện tượng hạ thân nhiệt cơ thể ở người cao tuổi

Hạ thân nhiệt là tình trạng thường gặp vào mùa đông nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ảnh...