Ngồi trong ô tô riêng có bắt buộc đeo khẩu trang?

Thứ Ba, 31/03/2020 10:50 AM (GMT+7)

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin lực lượng chức năng dừng xe, phạt một số lái xe ô tô, người đi xe máy không đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19.

 Bên cạnh ý kiến ủng hộ vì cho rằng đây là một hình thức tuyên truyền, răn đe để người dân có ý thức bảo vệ chính mình và những người xung quanh thì vẫn có quan điểm trái chiều.

ngoi-ôt

Về căn cứ xử phạt cá nhân không chấp hành việc đeo khẩu trang nơi công cộng, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, dịch Covid-19 hiện nay là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bậc nhất thế giới. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định bổ sung dịch bệnh này vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.

Mặt khác, Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 nêu rõ, hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền là hành vi bị nghiêm cấm.

Do đó, việc đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ bản thân, gia đình, không gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng xã hội. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc cưỡng chế người thuộc đối tượng cách ly bất hợp tác và xử phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng là biện pháp cần thiết theo quy định để phòng, chống dịch bệnh.

Về chế tài xử phạt, Khoản 1 điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế; Không thông báo UBND và cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về các trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật.

Quy định là vậy, song việc xử phạt đối với những người ngồi trong xe ô tô riêng hiện còn gây tranh cãi. Bởi, theo Luật sư Lê Hồng Vân,  điều quan trọng cần làm rõ là khái niệm thế nào là nơi công cộng.

Từ trước đến nay, pháp luật xác định nơi công cộng là những địa điểm “kín” như rạp hát, rạp chiếu bóng...hoặc “mở” như sân vận động, công viên, đường phố.... Ở đó có khá đông người qua lại, các hoạt động chung của xã hội diễn ra thường xuyên hoặc không thường xuyên. Ngoài ra, không gian công cộng còn là nơi mà người dân có thể tụ họp, bao gồm cả các khu vực do tư nhân sở hữu như trung tâm mua sắm.

Chiếu theo khái niệm này thì khoảng không gian trong ô tô cá nhân không thể được coi là nơi công cộng mà là địa điểm riêng tư. Chỉ khi cá nhân đó ngồi trong phương tiện giao thông công cộng như xe khách, taxi công nghệ - nơi bệnh dịch có thể lây nhiễm cho nhiều người khác hay xuống xe để đi đến nơi đông người mà không đeo khẩu trang thì mới có căn cứ xử phạt – Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Vũ Ngọc Chương

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...