Nguyên nhân gốc rễ của mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam

Thứ Tư, 11/09/2019 09:38 AM (GMT+7)

Nhiều người Việt chịu ảnh hưởng mô hình gia đình truyền thống "nối dõi tông đường", thờ cúng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ. Việc ưa chuộng con trai ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, gia đình.

tap-huan-chat-luong

Sáng 9/9, Tổng Cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc – UNFPA tổ chức lớp tập huấn "Nâng cao năng lực truyền thông về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở giới cho phóng viên báo, đài, cán bộ truyền thông" tại TP Hồ Chí Minh.

Tham gia buổi tập huấn có các giảng viên gồm: TS. Đinh Huy Dương – Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình; bà Hà Thị Quỳnh Anh – chuyên gia Giới và Nhân quyền, UNFPA; bà Trần Thu Hằng – tư vấn UNFPA và 20 học viên báo chí và cán bộ truyền thông ngành dân số và kế hoạch hóa gia đình của các tỉnh/thành khu vực miền Nam.

Tại buổi tập huấn, TS. Đinh Huy Dương cho biết, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam năm 1999 là 107 bé trai trên 100 bé gái. Tuy nhiên, kể từ năm 2001 tỷ số giới tính khi sinh đã tăng nhanh và chạm mức 112,2 bé trai trên 100 bé gái vào năm 2016.

Sở dĩ tỷ số chênh lệch giới tính - sinh nam nhiều hơn nữ tăng nhanh vậy là do Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng nhiều của tư tưởng Nho giáo, mô hình gia đình truyền thống "nối dõi tông đường", thờ cúng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ; người con trai vừa là trụ cột về tinh thần, vừa là trụ cột về kinh tế cho cả gia đình. Thực tế cho thấy, chính việc ưa chuộng con trai là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam.

Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng xấu tới cấu trúc dân số trong tương lai, dẫn đến hệ lụy khó lường về mặt xã hội, an ninh, chinh trị và dẫn tới tình trạng dư thừa nam giới, thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn, thiếu hụt lao động tại nhiều ngành nghề, đặc biệt là làm gia tăng bất bình đẳng giới trong xã hội. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, ở Việt Nam chênh lệch số lượng nam và nữ sẽ từ 2,3 đến 4,3 triệu người.

Từ thực trạng và thách thức về lựa chọn giới tính khi sinh, ông Đinh Huy Dương đại diện cho Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình cũng đưa ra các giải pháp như: Truyền thông giáo dục – vận động nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi; thực hiện các chính sách hỗ trợ nữ giới; hỗ trợ những gia đình sinh con một bề là gái…

Lớp tập huấn "Nâng cao năng lực truyền thông về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở giới cho phóng viên báo, đài, cán bộ truyền thông" diễn ra trong 2 ngày (9-10/9).

Sau 2 ngày tập huấn, các học viên sẽ có kiến thức về bình đẳng giới liên quan tới lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới, tình trạng và hậu quả của việc lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới tại Việt Nam. Bên cạnh đó sẽ nâng cao nhận thức về các nguyên tắc nhạy cảm giới trong truyền thông và vai trò của truyền thông trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa lựa chọn giới tính khi sinh. Ngoài ra, các học viên cũng sẽ có kỹ năng truyền thông có nhạy cảm giới, góp phần giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh.

Duyen

Cùng chuyên mục

Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng tiếp xã giao Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam

Ngày 22/3/2024, tại trụ sở Cục Dân số, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng đã có buổi tiếp xã giao bà Park...

Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng làm việc với Công ty Merck Health Care nhằm thúc đẩy hợp tác về dân số

Sáng ngày 22/3/2024, tại trụ sở Cục Dân số, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng đã có buổi tiếp và làm việc...

Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng tiếp Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam

Ngày 07/3/2024, tại trụ sở Cục Dân số, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng đã tiếp và làm việc với ông Matt...

Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng làm việc với đoàn đại biểu Đại sứ quán và Văn phòng Nội các Nhật Bản

Ngày 04/3/2024, tại trụ sở Cục Dân số, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng đã có buổi tiếp và làm việc với...