Nhà chức trách Nhật đau đầu tìm giải pháp cho tài xế già

Thứ Năm, 07/11/2019 03:14 PM (GMT+7)

Làm thế nào để giảm thiểu tai nạn giao thông khi dân số ngày một già đi luôn là vấn đề đau đầu của nhà chức trách Nhật.

nguoi-gia-lai-xe

Cụ ông Noboru Moriwaki ở vùng nông thôn Nhật Bản, 90 tuổi, vẫn tự lái xe Ảnh: NYTimes.

Nhật được biết đến là một trong những quốc gia có hệ thống giao thông công cộng hiệu quả và an toàn nhất thế giới, nhưng cũng là quốc gia mà người dân sở hữu nhiều xe cá nhân, với gần 80 triệu xe hơi lưu thông. Đây là quốc gia có dân số "già hoá" nhất thế giới, với 1/5 dân số từ 70 tuổi trở lên. Làm thế nào để giảm thiểu tai nạn giao thông khi dân số ngày một già đi luôn là vấn đề đau đầu của nhà chức trách Nhật.

Năm 2018, tỷ lệ các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do tài xế 75 tuổi trở lên gây ra ở Nhật tăng lên 14,8%, so với 8,7% vào năm 2008, dù năm ngoái, tổng số người thiệt mạng do tai nạn giao thông trên cả nước Nhật ở mức thấp nhất kể từ năm 1948.

Theo báo cáo của chính phủ Nhật hồi tháng 6 năm nay, các tài xế 75 tuổi trở lên gây tai nạn chết người nhiều hơn so với các tài xế trẻ tuổi trong năm 2018. Cụ thể, những người trên 75 tuổi gây ra 8,2 vụ tai nạn nghiêm trọng trên mỗi 100.000 người tham gia giao thông. Con số này gấp khoảng 2,4 lần so với những người ở độ tuổi 74 trở xuống cầm lái. 

Các tài xế trên 75 tuổi ở nước này phải thực hiện một bài kiểm tra nhận thức theo chu kỳ 3 năm/lần trước khi xin gia hạn giấy phép lái xe. Chưa kể có đề xuất rằng người lớn tuổi chỉ nên được lái những ôtô trang bị hệ thống phanh tự động tiên tiến.

Song bất chấp những nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp an toàn, dường như vẫn chưa có giải pháp nào thoả đáng để người già có thể lái xe an toàn. "Bạn không thể nói rằng ở một thời điểm X, một người nào đó sẽ tuân theo quy luật tuổi tác, bởi bản thân họ có thể gặp phải những suy giảm chức năng cụ thể", Alana, điều phối viên về người khuyết tật và phục hồi chức năng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói. Nguy cơ người già tử vong trong một vụ tai nạn xe hơi cũng cao hơn, có thể do sự nhạy cảm liên quan đến tuổi tác tăng lên. 

Một tai nạn xe hơi do tài xế già Nhật Bản gây ra ở Kobe năm 2016. Ảnh: Alamy.Các chuyên gia chính sách cho rằng cần xem xét khả năng thu hồi giấy phép đối với tất cả mọi người ở một độ tuổi nhất định để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Tuy nhiên, việc này có thể vấp phải luật phân biệt đối xử tuổi tác.

Nhật Bản hiện nay đang pha trộn giữa các chính sách với các công nghệ mới, nhằm tìm ra lời giải cho bài toán người già lái xe ở nước này. Việc đề nghị các thành viên lớn tuổi trong các gia đình không hề đơn giản ở bất kỳ quốc gia nào, theo chuyên gia Toshiko Kaneda, nghiên cứu cao cấp tại Cục Tham chiếu Dân số, một tổ chức phi lợi nhuận ở Washington D.C, Mỹ.

"Điều quan trọng là phải từng bước thực hiện hỗ trợ về an toàn công cộng, đồng thời bày tỏ sự tôn trọng đối với các tài xế lớn tuổi hơn", Kaneda nói.

Tại Shimizu, tỉnh Shizuoka, cố vấn chất lượng của hãng Toyota và kiêm nhân viên bán hàng Tomomi Makino từng chứng kiến cảm xúc của người già Nhật khi từ bỏ lái xe. Cô còn viết blog ghi lại những kinh nghiệm của mình với các khách hàng lớn tuổi và cho hay, nhiều khách hàng ở độ tuổi này lựa chọn tự nguyện bỏ giấy phép lái xe. Trong trường hợp đó, các đại lý xe hơi sẽ cho người đến nhà khách hàng để mua lại xe.

Nhiều người Nhật lớn tuổi được hưởng ưu tiên từ chính sách phúc lợi của chính phủ, như được giảm giá taxi và xe buýt. Tuy nhiên, việc phải từ bỏ lái xe vẫn khiến họ có những cảm xúc riêng. Makino kể một khách hàng lớn tuổi đã gọi cho cô để thông báo ông sẽ huỷ giấy phép lái xe và muốn cô đến mang xe về. "Tôi nên dừng lại trước khi làm tổn thương một ai đó", khách hàng lớn tuổi nói với Makino qua điện thoại. Và khi Makino tới gặp, ông đã khóc.

"Nhiều người dễ dàng đưa ra ý kiến rằng người cao tuổi nên bị tước giấy phép lái xe, nhưng chúng ta đừng quên cảm xúc của họ. Xe và lái xe đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của họ", cô nói.

Trong năm 2017, hơn 400.000 người cao tuổi ở Nhật đã bỏ giấy phép lái xe, con số cao nhất kể từ khi chương trình này được đưa ra vào năm 1998, theo Cảnh sát quốc gia Nhật. 

Nhưng Hidenori Arai, chủ tịch Trung tâm Lão khoa và Bệnh tuổi già Nhật Bản cho rằng sự gia tăng số lượng người cao tuổi bỏ giấy phép lái xe không phải một xu hướng tốt. Theo Arai, ở một đất nước có khoảng 5 triệu người mắc chứng mất trí, tốt hơn hết là đưa ra các bài kiểm tra nhận thức định kỳ cho lái xe lớn tuổi và đào tạo lại các kỹ năng lái xe để kéo dài thời hạn cầm lái của họ.

Việc bị tước giấy phép lái xe có thể ảnh hưởng nhiều tới người già Nhật ở khu vực nông thôn, nơi có đông người già và giao thông công cộng có thể bị hạn chế. "Không có xe hơi, họ không thể sống, không thể đi mua sắm hay gặp gỡ bạn bè", Arai nói. "Và để tận hưởng cuộc sống, một chiếc xe vẫn luôn cần thiết". 

Những năm gần đây, các công ty xe hơi và công nghệ Nhật Bản đẩy mạnh nghiên cứu taxi tự lái, đặc biệt chú trọng hỗ trợ người lớn tuổi. Các bài kiểm tra xe tự lái được Nhật bắt đầu vào năm 2016, tại các khu vực không có người lưu thông hoặc thị trấn nhỏ ven biển, vùng nông thôn. Nhiều nơi trên thế giới đã thử nghiệm mô hình này. Tuy nhiên, đưa ý tưởng trở thành giải pháp thực tế còn cần nhiều năm nữa.

Trong giải pháp ngắn hạn hơn, bên cạnh những bài kiểm tra nhận thức định kỳ, cảnh sát Nhật Bản nỗ lực phát hành "giấy phép lái xe hạn chế" đối với những người bị suy giảm chức năng nhận thức hoặc kỹ năng lái xe. 

Những người này được phép lái xe, nhưng chỉ với một số loại xe nhất định, có hỗ trợ an toàn đặc biệt, ví dụ được tích hợp hệ thống phanh tự động. Nguyên nhân phổ biến trong các vụ tai nạn giao thông chết người do tài xế lớn tuổi gây ra là nhầm chân phanh với chân ga.

Các công ty xe hơi cũng đang nghiên cứu cho ra đời những dòng xe mới, phù hợp với nhu cầu của người già. Tháng 10 năm nay, Toyota đã ra mắt một chiếc xe điện hai chỗ nhỏ gọn được thiết kết cho các đoạn đường ngắn, tốc độ 60 km/h, nhằm hướng đến đối tượng là những lái xe lớn tuổi.

Nhiều năm qua, Nhật Bản đã yêu cầu dán các nhãn nhận dạng đặc biệt trên xe ôtô của người mới lái và tài xế cao tuổi. Những nhãn dán này giúp cảnh báo cho các tài xế khác cùng lưu thông trên đường. Tuy nhiên, theo nhân viên WHO Alana, chính phủ cần có thêm nhiều giải pháp toàn diện hơn nhằm giúp tài xế lớn tuổi thích nghi với cuộc sống cũng như duy trì lái xe lâu hơn nữa.

"Với một số người già, xe và lái xe có thể là ký ức. Người lớn tuổi ngày nay được chứng kiến sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô, họ có thể là một trong những lớp người đầu tiên được nhận giấy phép lái xe vào những năm 1960 và 70", chuyên gia Kaneda nói. "Đó là cả một thời đại".

Duyen

Cùng chuyên mục

Những lưu ý cho người cao tuổi khi tập thể dục dưới trời lạnh

Việc tập thể dục vào mùa lạnh là cần thiết với người cao tuổi. Tuy nhiên cần xem xét một số yếu tố như...

Để người cao tuổi sống vui, khỏe sau khi nghỉ hưu

Khi đến tuổi nghỉ hưu cũng là giai đoạn mới trong cuộc sống, người cao tuổi có nhiều vấn đề cần phải quan...

Tải về

Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi

Sự lão hóa của các cơ quan khi tuổi già đến, đặc biệt, sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở...

Hiện tượng hạ thân nhiệt cơ thể ở người cao tuổi

Hạ thân nhiệt là tình trạng thường gặp vào mùa đông nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ảnh...