Nhiễm khuẩn hậu sản: 5 hình thức cơ bản và cách phòng tránh

Thứ Tư, 21/08/2019 07:50 AM (GMT+7)

Nhiễm khuẩn hậu sản là nhiễm khuẩn xảy ra ở sản phụ sau đẻ mà khởi điểm là từ đường sinh dục (Âm đạo, cổ tử cung, tử cung). Nhiều sản phụ do chưa hiểu rõ về bệnh, dễ dẫn đến lo lắng thái quá, rơi vào trạng thái stress sau sinh.

nhiem-khuan-hau-san

Nhiễm trùng hậu sản là nhiễm trùng cơ quan sinh dục, xảy ra trong 6 tuần lễ đầu sau sinh, tác nhân gây bệnh thường là nhóm: liên cầu trùng, trực trùng đường ruột, tụ cầu trùng, vi trùng yếm khí. Vi trùng có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường máu, hoặc âm đạo - cổ tử cung, qua các tổn thương sinh dục khi sinh, và sản dịch là môi trường tốt cho vi trùng phát triển.

Nhiễm trùng hậu sản có thể được nhận diện khi có các triệu chứng sau:

- Đau bụng dưới, dần dần lan lên bụng trên, sau cùng có thể đau khắp bụng.

- Sốt > 38oC, có thể kèm ớn lạnh, rét run.

- Dịch ở vùng kín sau sinh có mùi hôi, đục.

- Rối loạn trong tiểu, tiện.

- Vết khâu ở vùng tầng sinh môn (nếu sinh thường) hay vết mổ thành bụng (nếu mổ lấy thai) sưng đỏ, đau, chảy mủ,…

- Khi khám tử cung và ấn bụng dưới thấy sản phụ đau nhiều.

- Trường hợp nặng, bệnh có thể diễn tiến thành nhiễm trùng huyết, choáng nhiễm trùng, sản phụ lơ mơ, bứt rứt, vã mồ hôi, da tím hoặc nổi bông tím, không có hoặc rất ít nước tiểu, vàng mắt vàng da, chảy máu không cầm được, thay đổi các dấu hiệu sinh tồn (mạch nhanh, huyết áp tuột, đo nồng độ oxy máu bão hoà thấy giảm,...), có thể tử vong.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng hậu sản, các sản phụ nên đến ngay bệnh viện hay cơ sở y tế gần nhất để được khám và chẩn đoán đúng mức độ, vị trí bị nhiễm trùng.

Có các hình thức nhiễm khuẩn hậu sản sau:

1. Nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm đạo, âm hộ và cổ tử cung:

Đây là hình thức nhẹ nhất với các triệu chứng:

- Chỗ khâu tầng sinh môn viêm tấy, đau, có mủ.

- Sốt nhẹ và sốt vừa.

Điều trị: Vệ sinh vùng kín đúng cách.

- Cắt chỉ nếu vết khâu tầng sinh môn bị phù nề.

- Sản phụ có thể được chỉ định dùng kháng sinh và thuốc co hồi tử cung.

2. Viêm nội mạc tử cung:

Đây là dạng viêm nhiễm hay gặp và dễ dẫn tới nhiều biến chứng sau sinh.

Nguyên nhân: Sót nhau.

- Nhiễm khuẩn ối, chuyển dạ kéo dài.

- Các thủ thuật đỡ thai không vô khuẩn.

Triệu chứng: Sốt xuất hiện ở sản phụ 3-4 ngày sau sinh.

- Sản phụ mệt mỏi, mạch đập nhanh.

- Sản dịch hôi, có mủ hoặc lẫn máu.

Điều trị: Sản phụ có thể được chỉ định dùng kháng sinh.

3. Viêm tử cung:

Đây là tình trạng hiếm gặp.

Nguyên nhân: Sót nhau.

- Nhiễm khuẩn ối.

- Sản dịch không thoát ra được.

Triệu chứng: Xuất hiện sau sinh khoảng 7-10 ngày, sản phụ bị sốt cao, nhiễm trùng nặng, sản dịch hôi thối.

Điều trị: Có thể phải điều trị kháng sinh liều cao. Nếu biến chứng nặng, sản phụ có thể phải cắt một phần tử cung.

4. Viêm dây chằng:

Đây là tình trạng nhiễm khuẩn lây lan từ tử cung ra dây chằng quanh âm đạo, trực tràng, vùng thắt lưng.

Triệu chứng: Sau 8-10 ngày sau đẻ, người mẹ thấy mệt mỏi, sốt, sản dịch hôi, tử cung co hồi chậm.

Điều trị: Sản phụ được chỉ định dùng kháng sinh. Trường hợp nặng, sản phụ phải cắt một phần tử cung.

5. Nhiễm khuẩn máu:

Đây là tình trạng nặng nhất, có nguy cơ tử vong cao.

Nguyên nhân: Do vỡ tử cung hoặc do nạo, phá thai to.

Triệu chứng: Nhiễm trùng nặng xuất hiện trong tuần đầu tiên sau sinh. Sản phụ sốt cao, rét run, thiếu máu, sản dịch có mủ, hôi.

Điều trị: Sản phụ dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp nặng có thể phải cắt bỏ một phần tử cung.

Phòng tránh

Khi có thai và sinh nở, người mẹ nên tới những bệnh viện uy tín để đảm bảo vệ sinh và an toàn. Sau khi sinh, nếu thấy có những dấu hiệu (sốt, mệt, sản dịch có mùi hôi…) thì người mẹ cần nhanh chóng tới bệnh viện để được xử lý kịp thời.

Để dự phòng nhiễm trùng hậu sản, sản phụ cần lưu ý:

- Trước khi mang thai: nên khám phụ khoa và sức khoẻ định kỳ, để điều trị ổn định các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa và nội khoa như: thiếu máu, tiểu đường, suy dinh dưỡng, tim mạch….

- Trong thai kỳ: nên khám thai theo quy định, để phát hiện sớm các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa, tiểu đường thai kỳ, bệnh lý thận, tăng huyết áp trong thai kỳ (còn gọi là tiền sản giật)…để kịp thời điều trị.

- Hậu sản:

o Ăn uống đủ dinh dưỡng, không kiêng khem.

o Vận động đi lại sớm, không nằm một chỗ và trong buồng tối.

o Vệ sinh và giữ khô sạch vùng kín, vết khâu tầng sinh môn, vết mổ thành bụng.

Duyen

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...