Những điều cha mẹ đang lầm tưởng về xâm hại tình dục trẻ em

Thứ Tư, 10/04/2019 06:08 PM (GMT+7)

Những vụ xâm hại tình dục với trẻ em gái liên tiếp xảy ra gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ nhầm lẫn về khái niệm xâm hại tình dục; vấn đề xâm hại tình dục trẻ em đang bị coi nhẹ, lỗ hổng trong luật pháp…

xam-hai-tinh-duc-tre-em-0

 Hơn 1000 trẻ em bị xâm hại tình dục năm 2018

Tại Hội thảo trao đổi kinh nghiệm về thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án, vụ việc xâm hại phụ nữ và trẻ em tổ chức vào ngày 9/4/2019, tại trụ sở Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện Cục CSHS - Bộ công an cho biết, chỉ trong 4 năm (2014- 2018), liên quan đến vấn đề xâm hại tình dục trẻ em thì cả nước phát hiện trên 6.780 vụ, với gần 7.000 nạn nhân.

Tình trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có diễn biến hết sức phức tạp; xảy ra nhiều vụ như cha hiếp con, thầy giáo dâm ô với học sinh, ... nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng như hiếp rồi giết trẻ em, xâm hại nhiều lần dẫn đến nạn nhân có thai hoặc phải tự tử. Tuy nhiên, việc phát hiện, xác minh, khởi tố điều tra loại tội phạm này còn gặp rất nhiều khó khăn.

Thực trạng báo động là trước đây, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em xảy ra chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, khu vực dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp thì hiện nay xuất hiện nhiều những vụ xâm hại tình dục trẻ em ở các khu đô thị, thành phố lớn.

Thủ đoạn phạm tội rất đa dạng, do người thân quen với nạn nhân dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi, hoặc lợi dụng sự thiếu quản lý, chăm sóc của gia đình, sự non nớt của trẻ em. Nhiều vụ do yêu đương và quan hệ tình dục khi nạn nhân dưới 13 tuổi, nhiều trường hợp do phong tục tập quán kết hôn của người dân tộc cũng là nguyên nhân phát sinh quan hệ tình dục giữa các đối tượng này,...

Các đại biểu đã chỉ ra một số khó khăn, hạn chế trong việc thu thập thông tin, chứng cứ, tài liệu; sự thiếu hợp tác từ phía người bị hại, gia đình người bị hại cũng là những trở ngại trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

Nhiều kinh nghiệm, giải pháp đến từ đại biểu của VKSND tối cao, Bộ Công an, TAND tối đã được chia sẻ cũng như đề xuất, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền để có thể đẩy nhanh quá trình điều tra, truy tố xét xử các vụ án liên quan đến xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em.

Cũng liên quan đến vần đề này, ngày 08/04/2019, TAND tối cao đã ban hành Công văn đến Tòa án nhân dân các cấp yêu cầu cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc các đạo luật mới, xét xử đúng người, đúng tội; trong quá trình xét xử cần đảm bảo các quyền của trẻ em, người chưa thành niên; chủ động phối hợp cơ quan Công an, Viện kiểm sát cùng cấp từ giai đoạn điều tra, từ đó đưa vụ án ra xét xử.

Sai lầm về khái niệm xâm hại tình dục

Xâm hại tình dục hiện đang trở thành vấn đề nhức nhối và nóng bỏng khi hàng loạt những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em bị phát giác. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều phụ huynh đang chưa có nhận thức đúng đắn về khái niệm này. Thậm chí, xâm hại tình dục trẻ em còn bị chính các bậc phụ huynh coi nhẹ. Một thực tế là nếu như trước đây trẻ bị xâm hại thường là 13 – 18 tuổi, thì nay lại xuất hiện rất nhiều vụ việc ở lứa tuổi 5 – 13 tuổi.

Nói về khái niệm “xâm hại tình dục”, ông Trần Thành Nam – Tiến sĩ Tâm lý học trẻ em và vị thành niên cho biết, xâm hại tình dục trẻ em là tất cả các hành vi dụ dỗ, xúi bẩy, lôi kéo, ép buộc trẻ em thực hiện một số hành vi mang tính chất tính dục không phù hợp với lứa tuổi của các em. Hành vi nhìn chỗ kín (thị dâm), nói chuyện về vấn đề liên quan đến hoạt động tình dục, bộ phận sinh dục (khẩu dâm), nghe, động chạm, ôm đều có thể được xem là xâm hại tình dục. Khái niệm xâm hại tình dục được hiểu rất rộng chứ không chỉ là có hành vi quan hệ tình dục như nhiều người vẫn nghĩ.

Theo Bác sĩ Nguyễn Trọng An – Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em: Từ trước đến nay, nước ta hay dùng từ “lạm dụng tình dục”. Tuy nhiên, ở Việt Nam nghĩa của từ “lạm dụng” không sát nghĩa với khái niệm của quốc tế sử dụng cho nên sau này đã có thay đổi thành “xâm phạm tình dục”. Trong quá trình sử dụng, cụm từ này tiếp tục không phù hợp cho nên sau khi Quốc hội quyết định thay đổi thì cụm từ “xâm hại tình dục” được sử dụng từ năm 2010. Từ đó đến nay, cụm từ “xâm hại tình dục” nhằm nói lên một số hiện tượng từ nhìn, sờ mó vào các chỗ kín của trẻ, rồi đến các việc dụ dỗ, cho trẻ xem phim khiêu dâm, dụ dỗ trẻ không mặc quần áo và cuối cùng là dâm ô, giao cấu, hiếp dâm với trẻ. Tất cả các hình thức đó được định nghĩa là xâm hại tình dục trẻ em.

Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho rằng, hiện nay, ngay bản thân các bậc cha mẹ cũng chưa hiểu hết về hành vi xâm hại và càng chưa nhận biết được nguy cơ cao con mình sẽ bị xâm hại. Bản thân các em cũng chưa được nhà trường và cha mẹ trang bị những kiến thức cần thiết để tự bảo vệ mình.

Cũng theo ông An, vấn đề xâm hại tình dục ở nước ta theo báo cáo chỉ là “phần nổi của tảng băng”, cho nên xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề xã hội rất nặng nề, cần có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện sớm để bảo vệ trẻ em.

Thủ phạm là người thân quen

Các chuyên gia nhận định, những người xâm hại tình dục trẻ em không phải chỉ có “yêu râu xanh”, những thành phần hư hỏng mà ngay kể cả những người có chức có quyền và 93% là người thân, quen với em bé. Bất kể ai đó cũng có thể trở thành người xâm hại tình dục.

Theo số liệu công bố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong 5 năm (2011 – 2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em, với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Số vụ xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%) và gia tăng xâm hại tình dục nam. Điều đáng nói là 93% nghi phạm trong các vụ xâm phạm tình dục trẻ em lại là những người thân quen của nạn nhân và gia đình như người quen của cha mẹ, hàng xóm, thậm chí là giáo viên, bố dượng, bố đẻ…

“Tội phạm xâm hại tình dục có thể xảy ra với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, mọi lúc, mọi nơi, ở cả những vùng hẻo lánh, vùng sâu vùng xa. Tội phạm bây giờ không phải chỉ xâm hại trực tiếp mà còn xâm hại gián tiếp như dẫn dụ nạn nhân, làm quen qua mạng, tặng quà rồi yêu cầu gặp mặt… Không chỉ xâm hại một người mà nhiều người cùng một lúc. Trong khi đó, nhiều cha mẹ còn mù mờ và coi nhẹ việc nhận định nguy cơ đối với con”, ông Thành Nam nhận định.

Theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Đoàn, thông thường khi các con ở lứa tuổi dậy thì, cơ thể bắt đầu nảy nở, phát triển về giới tính thì cha mẹ mới nghĩ đến việc con có thể bị xâm hại tình dục nhưng trên thực tế, các con dưới 9 tuổi cũng có thể bị xâm hại tình dục.

Lầm tưởng trêu ghẹo

Trước tình huống tâm sự của bé Hương về việc bị người hàng xóm thường xuyên sờ tay chân, nhìn vào ngực, trêu ghẹo nhưng khi tâm sự với mẹ và cô bạn thân thì hai người đều cho rằng người hàng xóm rất tốt bụng, đấy chỉ là Hương đang suy nghĩ quá lên thôi. Chuyên gia giáo dục Nguyễn Đoàn cho rằng, có một thực tế là khi các con đối diện với hành vi xâm hại tình dục, các con tâm sự với cha mẹ thì nhiều người coi chuyện đó là chuyện bình thường và phớt lờ đi. Đây chính là rủi ro lớn đối với các em, các em dễ dẫn đến nhận thức hành vi như vậy là bình thường và chấp nhận nó. Rủi ro lớn nhất bây giờ không do đứa trẻ đó nữa mà hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn, vào môi trường đứa trẻ đó tiếp xúc và người định hướng cho đứa trẻ. “Vấn đề quan trọng là cha mẹ nhận thức như thế nào về nguy cơ xâm hại tình dục mà con sắp gặp phải”, ông Đoàn nói.

Ông Trần Thành Nam cho rằng, tội phạm thường bước một chân vào trong cánh cửa: Đầu tiên sẽ là những ánh mắt, những cái động chạm có thể là phi tính dục nhưng sau đó sẽ dẫn đến những hành động có chủ đích rõ ràng hơn. “Chúng ta thường hay bao biện cho hành vi xâm hại bằng những từ như trêu ghẹo, tán tỉnh nhưng trên thực tế đấy chính là xâm hại. Khi người lớn xem nhẹ các hành vi đó, coi đó là trêu ghẹo hoặc tán tỉnh thì vô hình trung đứa trẻ chấp nhận một chuẩn mực là nó có thể làm điều đó với những người khác.

Chia sẻ câu chuyện về người đã tìm đến mình để xin ý kiến, chuyên gia Tâm lý học trẻ em và vị thành niên Trần Thành Nam khiến nhiều người phải giật mình. TS. Thành Nam kể về hai trường hợp mà ông đã gặp trong quá trình tư vấn tâm lý cho nạn nhân.

Câu chuyện đầu tiên là một cô gái 21 tuổi đã từng bị ông ngoại lạm dụng tình dục từ năm 9 – 12 tuổi. Đến năm 12 tuổi, khi không thể chịu đựng nổi bị lạm dụng và luôn bị ám ảnh về việc này, nạn nhân đã nói với bố mẹ về việc mình bị chính ông ngoại lạm dụng. Lúc này, bố mẹ nạn nhân đã ly hôn. Khi sự việc được kể ra thì chỉ có bố bạn ấy tin việc đó, còn mẹ thì không. Bố nữ sinh này đã đứng ra tố cáo. Chuyện này đã gây chấn động trong gia đình em cũng như hàng xóm láng giềng. Ông ngoại em vì xấu hổ đã sinh bệnh. Một thời gian không lâu sau khi bị con rể tố cáo và bị kết tội, ông mất. Từ đây mọi lời nói cay độc, mọi cái nhìn oán giận của họ hàng, dòng tộc đều đổ dồn lên cô gái này. Họ căm giận em, cho rằng chính em đã dựng chuyện bôi nhọ danh dự ông ngoại, làm chia rẽ, tan nát cả gia đình.

Nhưng bi kịch cuộc đời của em vẫn chưa dừng lại ở đó. Khi bước vào tuổi yêu, nữ nạn nhân này bị ám ảnh bởi chuyện trong quá khứ, luôn phải chịu sự tổn thương về tinh thần nên thường xuyên hành hạ thể xác như tự cứa vào tay để quên đi nỗi đau tinh thần. Cuối cùng, cô tiếp tục trở thành “con mồi” bị người ta lợi dụng để quan hệ đồng giới.

Một câu chuyện khác được TS. Trần Thành Nam kể lại đó là về trường hợp một phụ nữ làm nghề bán dâm. Theo TS. Nam, người phụ nữ này đã bị cha dượng lạm dục tình dục, điều này đã làm cho cô có cảm giác nhân phẩm của mình bị xúc phạm, rẻ rúng: “Cô ấy tâm sự là đi làm gái bán hoa còn được trả tiền, tức là tự thấy bản thân còn có giá trị chứ không phải lạm dụng tình dục mà… không có đồng nào” – TS. Nam nói.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp bị lạm dụng tình dục và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hình thành nhân cách sau này.

Duyen

Cùng chuyên mục

Ăn đậu phụ có làm giảm ham muốn tình dục ở nam giới

Đậu phụ là một nguồn thực phẩm phong phú về dinh dưỡng, chứa nhiều protein, canxi, sắt… Vậy ăn đậu phụ...

Quan niệm sai lầm về đặt vòng tránh thai

Nếu đang tìm kiếm một biện pháp bảo vệ an toàn, thuận tiện và lâu dài để tránh mang thai, thì vòng tránh thai có...

Nam giới có thể dùng thuốc tránh thai dành cho nữ giới không?

Thuốc tránh thai của nữ thường chứa các hormone estrogen và progestin, có tác dụng ngăn chặn sự rụng trứng và...

Kết hợp thuốc tránh thai hằng ngày và thuốc tránh thai khẩn cấp để tăng hiệu quả tránh thai?

Nhiều người đang sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày, nhưng sau khi phát sinh quan hệ tình dục, để yên tâm hơn lại...