Những điều phụ nữ mang thai phải thuộc nằm lòng để sinh con khỏe mạnh

Thứ Bảy, 28/03/2020 03:11 PM (GMT+7)

Tư vấn bác sĩ, khám sàng lọc, tư thế ngủ, chế độ ăn và cả các bài tập là những điều mà các ông bố bà mẹ tương lai phải đặc biệt quan tâm để đảm bảo em bé phát triển, sinh ra khỏe mạnh. Tất cả các bà bầu đều phải lưu ý và tham khảo ý kiến của bác sĩ trong thai kỳ.

mang-thai

Chăm sóc ngay từ đầu - Ngay khi có kế hoạch sinh con, các cặp vợ chồng cần một bác sĩ đáng tin cậy để đi theo suốt thai kỳ, với việc lên lịch khám hàng tháng nhằm đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh và cuối cùng là mẹ tròn con vuông. Các bác sĩ sẽ giải thích rõ cho người mẹ về những thay đổi của cơ thể trong thai kỳ và sự phát triển của thai nhi thế nào. Bác sĩ cũng có thể tư vấn người mẹ uống thêm vitamin, như axit folic để giúp ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh và đảm bảo việc sinh nở suôn sẻ.

Tìm hiểu về tiền sử các bệnh di truyền trong gia đình - Em bé có thể thừa hưởng màu mắt của mẹ, mái tóc nâu của bố… Điều quan trọng là khi lên kế hoạch lập gia đình và sinh con các cặp đôi cần tìm hiểu tiền sử các bệnh di truyền trong gia đình. Các bác sĩ có thể tư vấn và giới thiệu các cặp đôi tới gặp những chuyên gia về di truyền để xác định những vấn đề em bé có thể gặp phải.

Ăn gì khi mang thai - Đây là thời kỳ “ăn cho 2 người”, nhưng không có nghĩa là người mẹ phải ăn gấp đôi. Một chế độ ăn giàu chất sắt, canxi, axit folic và protein, cũng như một số calo bổ sung là rất quan trọng để đảm bảo rằng cả mẹ và em bé đều nhận được dinh dưỡng cần thiết trong thai kỳ. Tuy nhiên, chế độ ăn không phù hợp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ và có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe cho mẹ và trẻ trong khi sinh.

Những thực phẩm cần thiết - Đó là những sản phẩm từ sữa giàu protein và canxi cần thiết cho thai nhi phát triển. Các loại đậu giàu folate và chất xơ có thể giúp giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh và bệnh tật. Thực phẩm giàu Omega 3 như cá hồi là lý tưởng cho sự phát triển của não bộ của thai nhi. Lá xanh giàu chất sắt và xơ, hay thịt nạc là một nguồn cung sắt, protein và vitamin B quan trọng trong quá trình mang thai…

Những thực phẩm không nên ăn - Thực phẩm sống, như trứng sống có thể khiến thai phụ nhiễm khuẩn salmonella. Tránh các loại đồ ăn sẵn hay thực phẩm đông lạnh như salami, pepperoni.. vì chúng có thể chứa ký sinh trùng gây bệnh. Phụ nữ mang bầu cũng nên tránh ăn gan vì nó rất giàu vitamin A có thể gây hại cho thai nhi. Điều vô cùng quan trọng là tham khảo ý kiến bác sĩ để có chế độ ăn uống phù hợp nhất trong thai kỳ.

Tập thể dục hàng ngày - Tập thể dục là rất cần thiết để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh trong quá trình thay đổi của phụ nữ mang bầu. Các bài tập phù hợp sẽ giúp bà mẹ giảm nguy cơ biến chứng khi mang thai cũng như khi sinh nở. Tập thể dục cũng giúp người phụ nữ rèn luyện sức khỏe cần thiết cho quá trình sinh con.

Những bài tập nên và không nên - Hoạt động thể chất có thể giúp bà bầu giảm bớt những khó chịu khi mang thai và tăng cường sức mạnh cơ bắp để giảm đau khi mang thai và sinh nở. Phụ nữ mang thai nên chọn những bài tập có thể giúp tim đập nhanh hơn như đi bộ, bơi lội và khiêu vũ nhẹ nhàng. Hãy nghỉ lấy sức khi thấy mệt, uống nhiều nước trước và sau khi tập thể dục… Đặc biệt, các bà bầu nền tránh các bài tập nặng gây tác động tới xương chậu hoặc lưng.

Tư thế ngủ - Theo các nghiên cứu, tư thế ngủ an toàn nhất cho bà bầu là ngủ nghiêng bên trái. Theo các chuyên gia, các bà bầu nên tránh tư thế nằm ngửa khi ngủ hay khi tập thể dục. Thậm chí, các bà bầu nằm ngửa ở tuần thứ 28 của thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ thai chết lưu, bởi tư thế này hạn chế lượng máu và oxy cung cấp cho thai nhi.

Tập yoga trong thai kỳ - Mang thai có thể gây căng thẳng, khó kiểm soát về cảm xúc và cơ thể. Vì vậy, điều quan trọng là các bà bầu phải tự chăm sóc bản thân, tránh những tình huống gây khó chịu và căng thẳng. Do đó, yoga là giải pháp giúp cải thiện tâm trạng, loại bỏ cơn đau… trong quá trình mang bầu.

Quan tâm đến thời kỳ tiền sản - Mỗi bà mẹ sẽ trải qua những thay đổi khác nhau về cảm xúc và cơ thể theo các giai đoạn của thai kỳ. Bên cạnh đó, cả người cha và mẹ đều trải qua những thay đổi đáng kể về tâm lý để thích nghi với vai trò mới của mình. Căng thẳng gia tăng khi thời điểm sinh em bé đến gần. Những cặp vợ chồng đang chờ đón những cặp sinh đôi hay sinh ba… sự lo lắng sẽ còn nhiều hơn.

Dấu hiệu chuyển dạ - Đó là những cơn co thắt thường xuyên, những cơn đau kéo dài và gia tăng. Các bác sĩ khuyên các phụ nữ sắp tới kỳ sinh nở nên đi bộ khi bắt đầu có những cơn co thắt. Điều tối quan trọng là giữ liên lạc và thường xuyên tư vấn bác sĩ trong suốt cả thai kỳ.

Những thay đổi cảm xúc của các cặp đôi - Hầu hết các cặp vợ chồng cảm thấy khó giao tiếp với nhau trong thai kỳ, nhưng họ thường không nhận ra điều đó. Theo các chuyên gia, điều này là hoàn toàn bình thường. Sau khi em bé chào đời, sự căng thẳng sẽ được loại bỏ dần dần và hầu hết các cặp vợ chồng trở lại bình thường trong vai trò mới của mình.

Nguyễn Thị Thu Hương

Cùng chuyên mục

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự Chủ động phòng ngừa và điều trị vô sinh ở nam giới và nữ giới

Được làm cha, làm mẹ là mong mỏi bình dị, thiêng liêng của các cặp vợ chồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân...

Phóng sự Mang thai, nạo phá thai ở trẻ vị thành niên ngày càng tăng: Nguyên nhân và những hậu quả đáng tiếc

Do những nguyên nhân khác nhau, quan hệ tình dục sớm và tình trạng nạo, phá thai ở lứa tuổi VTN đang là vấn đề...