Những “lỗ hổng lớn” trong chăm sóc người cao tuổi

Thứ Sáu, 02/11/2018 04:20 PM (GMT+7)

Việt Nam thuộc top 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn rất hạn chế.

Việt Nam thuộc top 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn rất hạn chế. Hệ thống bệnh, khoa Lão của các bệnh viện, hệ thống Nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế và không có chăm sóc y tế… còn rất mỏng. Báo động hơn là tình trạng thiếu nhân lực được đào tạo, thiếu người chăm sóc người cao tuổi.

Trung bình mỗi người cao tuổi mắc 7 bệnh cùng lúc

Theo TS.BS Nguyễn Trung Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương: Thách thức của già hóa dân số đối với hệ thống y tế là rất lớn. Già hóa dân số khiến gia tăng các bệnh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi (NCT) như bệnh mạch vành, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư, hen suyễn, thoái hóa khớp… phải điều trị suốt đời.

Các hội chứng đặc trưng ở người già như dễ bị tổn thương, suy giảm nhận thức (bệnh Alzheimer), rối loạn đi và ngã, suy dinh dưỡng, giảm hoạt động chức năng, lú lẫn, trầm cảm, loét, mất nước. Người cao tuổi còn giảm hoạt động chức năng hằng ngày, chủ yếu do bệnh mạn tính, đặc biệt khi thay đổi môi trường sống. Việc mất tính độc lập trong hoạt động chức năng hằng ngày là nguyên nhân gây tàn phế ở NCT và đòi hỏi các biện pháp trợ giúp thích hợp...

11

Không chỉ bệnh tật, nhiều NCT còn gặp khó khăn, thách thức trong vấn đề về kinh tế và điều kiện sống. Theo nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2016 trên 610 cụ trên 80 tuổi tại Sóc Sơn, trung bình 1 NCT mắc 6,9 bệnh. 33,6% lâm vào cảnh góa bụa, 8,2% cụ phải sống một mình, chỉ 17,7% sống với vợ hoặc chồng. Thu nhập trung bình của các cụ là 537,9.000 đồng/tháng, chủ yếu từ nguồn bảo trợ xã hội hoặc lương hưu. Trong số này, chỉ 62,79% số cụ có bảo hiểm y tế. 27,97% cần sự trợ giúp trong các hoạt động cơ bản như vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, đi vệ sinh, di chuyển, đại tiểu tiện không tự chủ, ăn uống.

Cũng theo nghiên cứu này, có đến 90% số NCT cần sự trợ giúp trong các hoạt động có sử dụng công cụ, dụng cụ như sử dụng điện thoại, mua bán, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, sử dụng phương tiện giao thông.

Trong khi đó, chi phí y tế cho người già cao gấp 7-10 lần người trẻ. NCT sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc. Xu hướng NCT tử vong trong các cơ sở y tế tăng lên cũng làm gia tăng chi phí y tế.

Dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn hạn chế

Tốc độ già hóa dân số gia tăng đang là thách thức đối với hệ thống y tế, đặc biệt là khi khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi ở nước ta còn hạn chế, thiếu bác sĩ lão khoa, điều dưỡng lão khoa, thiếu nhân lực chăm sóc NCT...

Kết quả khảo sát thực trạng Nhà dưỡng lão và Trung tâm Bảo trợ xã hội trên địa bàn Hà Nội (năm 2016-2017) cho thấy mô hình Trung tâm Bảo trợ xã hội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, trên địa bàn Hà Nội hiện có 3 Trung tâm Bảo trợ xã hội. Không chỉ thiếu về nhân lực (10 người bệnh mới có 1 nhân viên chăm sóc), cơ sở vật chất tại các trung tâm cũng nghèo nàn, thiếu dụng cụ tập phục hồi chức năng. Còn đối với mô hình Nhà dưỡng lão có thu phí do các tổ chức ngoài công lập xây dựng và vận hành, điều kiện cơ sở vật chất được bảo đảm, đủ nhân viên, hộ lý, điều dưỡng, bác sĩ. Tuy nhiên, do mức phí ấn định từ 4 - 9 triệu đồng/tháng tùy vào từng gói dịch vụ và mức độ cần được chăm sóc của NCT nên không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận với những dịch vụ này.

Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ NCT, theo các chuyên gia, giải pháp trước mắt là cần nâng cao năng lực của hệ thống y tế trong chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi, thành lập khoa Lão tại các bệnh viện với quy mô khoảng 10% giường kế hoạch, cơ sở vật chất phù hợp với người cao tuổi, tiếp nhận các bệnh nhân có nhiều bệnh phức tạp, có các hội chứng lão khoa điển hình (thường là trên 80 tuổi)...

5

Chia sẻ về tình trạng thiếu nhân lực chăm sóc NCT hiện nay, GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết: Nhu cầu có một đội ngũ những người chăm sóc NCT là vô cùng lớn. Hiện nay, Việt Nam chưa có hệ thống nhân lực chăm sóc NCT. Điều dưỡng phải kiêm cả công việc của người chăm sóc là một áp lực quá lớn. Người nhà bệnh nhân thường phải thuê người chăm sóc ngoài, vừa tốn kém, vừa không đảm bảo vì họ không có chuyên môn, không được đào tạo.

Tại Hội thảo bàn tròn Đào tạo và sử dụng hiệu quả nhân viên chăm sóc NCT tại Việt Nam mới diễn ra gần đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhận định: Trước bối cảnh mô hình bệnh tật thay đổi và tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, Bộ Y tế đang đẩy mạnh, tăng cường hoạt động y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát triển mô hình y học gia đình để triển khai phát huy chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng, đồng thời củng cố các hệ thống bệnh viện chuyên về Lão khoa và nhân lực trong chăm sóc NCT, khuyến khích tư nhân tham gia phát triển các mô hình Nhà dưỡng lão phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.

“Nhân viên chăm sóc có vai trò và vị trí quan trọng vì đây là những người gắn bó trực tiếp với NCT, một đối tượng chăm sóc đặc biệt. Ngoài các kiến thức, kỹ năng về nhu cầu dinh dưỡng cũng như cách phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho NCT thì nhân viên chăm sóc phải biết cách quan tâm đến nhu cầu tâm lý lẫn sinh lý của NCT một cách phù hợp. Đây là lĩnh vực còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam và có nhu cầu rất lớn trong cả bệnh viện và cộng đồng, rất cần học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Phạm Huyền

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...