Những nhiệm vụ của công tác dân số trong tình hình mới

Thứ Sáu, 28/12/2018 03:52 PM (GMT+7)

Nếu như giai đoạn trước kia, nhiệm vụ “kế hoạch hoá gia đình”(KHHGĐ) trong ngành dân số được đặt lên hàng đầu thì ở giai đoạn hiện nay, phương hướng được xác định là chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Trong đó chú trọng quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số.

Tại Nghị quyết 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác Dân số trong tình hình mới xác định phương hướng của công tác dân số trong tình hình mới là: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”.

Theo đó, Nghị quyết 21-NQ-TW chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển là yêu cầu tất yếu. Trước đây, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân số luôn luôn nhấn mạnh mục tiêu giảm sinh, khống chế sự gia tăng dân số quá nhanh.

Nếu những năm 1965-1969, tính đến hết độ tuổi sinh đẻ, trung bình mỗi phụ nữ có khoảng gần 7 con thì từ năm 2005 đến nay, chỉ tiêu này chỉ “dao động” xoay quanh 2,0 con/phụ nữ. Mô hình “gia đình 2 con” đang trở nên phổ biến. Mục tiêu mà chính sách DS-KHHGĐ theo đuổi suốt nửa thế kỷ qua đã đạt được.

Thành công của chính sách DS-KHHGĐ đã hạn chế được bùng nổ dân số; hình thành cơ cấu dân số “vàng”; chất lượng dân số được nâng lên… Qua đó tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường của nước ta.

Tuy nhiên, thành tựu lớn cũng sinh ra những thách thức mới: Mức sinh rất khác biệt giữa các vùng, các tỉnh, thành phố; mất cân bằng giới tính ở trẻ em đã ở mức nghiêm trọng; di dân diễn ra mạnh mẽ và Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Vì vậy, Nghị quyết 21-NQ/TW đã cụ thể hóa việc chuyển “trọng tâm” này thông qua việc đề ra 6 nhóm mục tiêu, bao gồm 23 chỉ tiêu nhằm tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức do tình hình dân số mang lại.

2431_Nguyen_Doan_Tu

Tổng cục Trưởng Tổng Cục Dân số, ông Nguyễn Doãn Tú (ảnh: Thanh Hằng)

Để thực hiện được mục tiêu toàn diện bao trùm các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số với 23 chỉ tiêu là vấn đề rất lớn và khó. Đó là việc duy trì mức sinh thay thế. Thách thức hiện nay là chênh lệch mức sinh giữa các khu vực, các vùng khá lớn. Trong khi mức sinh ở khu vực thành thị, vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long giảm sâu dưới mức “2 con” thì mức sinh ở khu vực Tây Nguyên, miền núi và Trung du phía Bắc, Bắc Trung bộ vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, có tỉnh bình quân mỗi cặp vợ chồng vẫn sinh trên 3 con.

Rút ngắn khác biệt về mức sinh tạo điều kiện rút ngắn khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của nhân dân giữa các khu vực này. Vì vậy, Đảng ta chủ trương vận động “Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp”.

Kinh nghiệm các nước phát triển cho thấy, mức sinh quá thấp (dưới 2 con) kéo dài là thách thức lớn đối với phát triển bền vững và nâng cao mức sinh còn khó khăn, tốn kém hơn cả giảm sinh. Bên cạnh đó, những khu vực có mức sinh cao, như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ lại là những khu vực có trình độ phát triển chưa cao, những địa bàn khó khăn nhất trong cuộc vận động giảm sinh từ trước đến nay.

Vì vậy, xây dựng các giải pháp phù hợp với từng vùng, từng tỉnh sao cho vừa đảm bảo duy trì vững chắc mức sinh thay thế, vừa tiến tới đồng đều về mức sinh trên phạm vi cả nướcvừa là yêu cầu, vừa là thách thức lớn của công tác dân số hiện nay.

Thách thức tiếp theo là đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên. Sự mất cân bằng này đang tăng lên và đã ở mức nghiêm trọng. Năm 2016, tỉ số này lên tới 112,8/100. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra, đến giữa thế kỷ,dân số Việt Nam trong độ tuổi trưởng, nam giới sẽ nhiều hơn nữ khoảng từ 2,3 triệu đến 4,3 triệu người. Hậu quả là sự khủng hoảng về hôn nhân, phá vỡ cấu trúc gia đình, gia tăng tội phạm mua bán phụ nữ, tệ nạn mại dâm, gây bất ổn xã hội và khó khăn trên thị trường lao động…

Nguyên nhân của mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta là sự kết hợp giữa yếu tố văn hóa truyền thống sâu xa phải có con trai nối dõi tông đường với sự lạm dụng thành tựu công nghệ y sinh học và chuẩn mực sinh ít con đã phổ biến. Xóa bỏ tâm lý, tập quán “thâm căn cố đế”-ưa thích con trai, kiểm soát việc lạm dụng kỹ thuật và công nghệ hỗ trợ lựa chọn giới tính thai nhi là rất khó khăn, chắc chắn không phải là chuyện “một sớm, một chiều”, đòi hỏi đồng bộ nhiều giải pháp, trước mắt và lâu dài; sự nỗ lực kiên trì, liên tục và mạnh mẽ của toàn xã hội.

Bên cạnh đó, cơ cấu dân số “vàng” về số lượng lao động, mang lại cơ hội cho phát triển kinh tế và nhiều vận hội khác cho nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nếu không khai thác thì sẽ mất (vào khoảng năm 2040). Vì vậy, cần khẩn trương tận dụng cơ hội quý hiếm này để phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Những thách thức khác như việc “thích ứng với già hóa dân số”; phân bổ dân số hợp lý và quản lý dân cư khi quá trình di cư diễn ra ngày càng mạnh mẽ; nâng cao chất lượng dân số.

Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là quán triệt những nội dung Nghị quyết 21-NQ/TW; khẩn trương xây dựng và ban hành chiến lược, pháp luật và chính sách dân số cho giai đoạn mới ; tăng cường đầu tư nguồn lực và xây dựng cơ chế quản lý có hiệu quả việc sử dụng kinh phí đầu tư cho công tác dân số; củng cố tổ chức bộ máy làm công tác dân số đủ năng lực quản lý, điều hành.ThS. Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số

Nguyễn Đắc Xuân

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...