Những quan niệm sai khiến bệnh nhân ung thư suy kiệt

Thứ Sáu, 17/07/2020 07:52 AM (GMT+7)

TS.BS Nguyễn Tiến Quang - Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, nhiều người bệnh đang tin vào những cách điều trị ung thư chưa có cơ sở khoa học. Bên cạnh đó, người bệnh còn hiểu sai về bệnh ung thư.

ung-thu

Ung thư là "bản án tử hình"

Trên 80% bệnh ung thư có thể khỏi ở giai đoạn sớm. Những người đã được điều trị thành công bệnh ung thư và không có bệnh tái phát trở lại trong vòng 5 năm được coi là điều trị khỏi, do nguy cơ bệnh lại tái phát trở lại là rất thấp.

Có 3 yếu tố ảnh hưởng đến khả năng điều trị khỏi bệnh ung thư: Loại bệnh ung thư, giai đoạn bệnh, đáp ứng của bệnh với điều trị.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý là rất cần thiết với người mắc ung thư.Chế độ dinh dưỡng hợp lý là rất cần thiết với người mắc ung thư.Nhiều người tin vào cách chữa phản khoa học, lang băm, mê tín dị đoan..., đến khi bệnh nặng quá mới tới bệnh viện thì đã chậm. Bệnh ung thư nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa, chữa khỏi ở giai đoạn sớm và kéo dài cuộc sống ở giai đoạn muộn.

Bị ung thư không được mổ

Nhiều bệnh nhân cho rằng cứ "đụng dao kéo" sẽ chết sớm. Song, phẫu thuật vẫn là một trong những phương pháp điều trị quan trọng nhất trong đa số bệnh ung thư còn chỉ định.

Có rất nhiều nghiên cứu đang và sẽ được tiến hành trên nhiều loại bệnh ung thư khác nhau nhằm nâng cao tỉ lệ chữa khỏi bệnh ung thư.

Phẫu thuật chia làm 2 loại là phẫu thuật giảm nhẹ triệu chứng và phẫu thuật triệt căn. Việc phẫu thuật phụ thuộc vào mức độ của bệnh bác sĩ sẽ đưa ra quyết định hướng điều trị.

Bệnh ung thư có tính lây lan

Ung thư là bệnh không lây nhiễm. Bệnh không lây nhiễm qua đường máu, quan hệ tình dục, từ mẹ sang con, tiếp xúc... Vì vậy, không có lý do gì để xa lánh hay phải có biện pháp phòng tránh đối với người bệnh ung thư.

Đi dự đám tang khiến bệnh nặng hơn

Phải khẳng định rằng, đi dự đám tang sẽ không bao giờ dẫn tới việc tế bào ung thư di căn hay bệnh quay trở lại. Vì một trong những đặc tính của bệnh ung thư là tái phát và di căn

Sừng tê giác chữa được ung thư

Sừng tê giác trong Đông y có thể giúp tăng thể lực, không thể chữa được ung thư.

Không bồi dưỡng quá mức

Nhiều người cho rằng, bệnh nhân ung thư chỉ nên bồi dưỡng trong giai đoạn điều trị xạ trị, truyền hóa chất... còn sau đó chỉ nên ăn gạo lứt, muối vừng để không nuôi dưỡng khối u, nhằm làm khối u teo dần.

Nhiều người còn không uống sữa, ăn thịt, trứng mà chỉ ăn chay... Sai lầm này khiến bệnh nhân suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến quá trình điều trị, rút ngắn thời gian sống đồng thời làm tăng tỉ lệ biến chứng, nhiễm trùng và dẫn đến tình trạng tử vong.

Nhịn ăn để diệt trừ hoàn toàn tế bào ung thư

Khi nhịn ăn, tế bào ung thư chết thì tất nhiên cũng kéo theo các tế bào khác trong cơ thể chết theo. Như vậy, đồng nghĩa với việc cơ thể chúng ta cũng sẽ tử vong.

4 quan niệm sai về dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư 

Không ăn đường

Không ăn đường, chỉ ăn chay và uống nước ép là những quan niệm sai lầm mà nhiều bệnh nhân ung thư nhầm tưởng, khiến cơ thể mau thiếu chất.

Theo cử nhân Bùi Thị Kim Huế, khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, đường có mặt trong nhiều thực phẩm hàng ngày, dưới dạng tinh bột như cơm, ngô, khoai sắn, các loại trái cây... Đường là nguồn năng lượng nuôi dưỡng tất cả tế bào của cơ thể, cung cấp năng lượng để sản sinh ra tế bào mới.

Còn các tế bào ung thư cũng cần năng lượng song cũng rất linh hoạt, có thể thay đổi cách chuyển hóa và sử dụng các chất, phụ thuộc vào chế độ ăn uống. Khi bệnh nhân loại bỏ đường khỏi bữa ăn, tế bào ung thư sử dụng chất béo hoặc protein làm năng lượng. Vì vậy, việc không ăn đường để điều trị ung thư là cách tiếp cận cực đoan, chưa được chứng minh.

Một số thử nghiệm cũng chỉ ra chế độ ăn có đường, tinh bột giúp phụ nữ ung thư vú hoặc đàn ông bị ung thư tiền liệt tuyến chống lại ung thư tốt hơn. Đường, tinh bột được sử dụng trong những thí nghiệm này có nguồn gốc thực vật lành mạnh.

Tuy nhiên, bệnh nhân ung thư cần hạn chế ăn đường tinh chế, nước ngọt, ngũ cốc có đường vì kích thích cơ thể tiết nhiều insulin, chất này kích thích các tế bào ung thư, tiền ung thư phát triển mạnh hơn.

Một số nghiên cứu cũng chỉ ra protein, chất béo, chất xơ giúp cản trở insulin. Vì vậy bệnh nhân ung thư nên ăn trái cây cùng một ít loại hạt cho bữa ăn nhẹ sẽ tốt hơn cho cơ thể.

Chỉ uống nước ép

Một số người cho rằng mắc bệnh ung thư nên tránh các loại nước ép vì chứa quá nhiều đường đơn. Một số lại quảng bá nước ép như một phương thuốc cho tất cả các loại ung thư. Chị Huế cho biết nước ép là một lựa chọn tốt để thêm nhiều khẩu phần trái cây và rau quả, giúp chế độ ăn uống lành mạnh.

Tuy nhiên, không nên chỉ uống nước ép để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày vì giảm lượng lớn chất xơ trong rau và trái cây. Người bệnh nên sử dụng 400-500 gr/ngày trái cây rau quả từ thực phẩm nguyên dạng. Sau đó, bạn có thể bổ sung thêm nước ép rau. Có thể uống 100- 200ml nước ép từ các loại rau, củ, quả mỗi ngày và nên đa dạng các loại rau củ quả để có được nguồn dinh dưỡng tối ưu.

Tránh đậu nành

Đậu nành (đậu tương) là thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Hiện chưa có nghiên cứu nào nói rằng ăn đậu nành gây ung thư hoặc ăn đậu nành giúp tránh ung thư.

Đậu nành là nguồn cung cấp protein có giá trị sinh học cao, chất xơ, kali và acid folic chất lượng cao, không chứa cholesterol và cung cấp acid béo thiết yếu. Do đó sử dụng đậu nành rất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu.

Tuy nhiên, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành gây ra nhiều tranh cãi vì có chứa chất "phytoestrogen", còn gọi là estrogen thực vật. Ở người, estrogen là một hormone. Mối lo ngại rằng phytoestrogen gây ung thư liên quan đến hormone xuất phát từ nghiên cứu được thực hiện trên ống nghiệm và động vật hoặc nghiên cứu cho thấy những người ăn đậu nành thường xuyên khoảng 4 lần/tuần và trong hơn 2 năm liên tiếp, có nguy cơ ung thư vú cao hơn so với những người ăn không thường xuyên.

Theo bà Huế, đậu nành cũng là một loại thực phẩm, người bệnh nên tuân thủ nguyên tắc vàng "đa dạng thực phẩm" để đạt hiệu quả tối ưu với sức khỏe.

Chỉ ăn chay

Nhiều người cho rằng muốn giảm nguy cơ hoặc hạn chế tái phát ung thư thì nên ăn chay, tức là chỉ ăn thực vật, có thể uống sữa và ăn trứng theo một số trường phái. Tuy nhiên, người bệnh ung thư thường đối diện nguy cơ suy dinh dưỡng cao. Khi đó, người bệnh bị suy kiệt, sẽ gây tạm hoãn điều trị để phục hồi dinh dưỡng, bất lợi cho quá trình điều trị.

Chuyên gia cho biết chế độ ăn của người bệnh ung thư cần đảm bảo đủ năng lượng và lượng protein cao. Chế độ ăn thay đổi phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, ví dụ bệnh nhân bị chán ăn hoặc mắc các vấn đề phải giảm khẩu phần, một số tăng cảm giác thèm ăn, tăng cân do tác dụng phụ của thuốc...

Hà Thu Thủy

Cùng chuyên mục

Ăn đậu phụ có làm giảm ham muốn tình dục ở nam giới

Đậu phụ là một nguồn thực phẩm phong phú về dinh dưỡng, chứa nhiều protein, canxi, sắt… Vậy ăn đậu phụ...

Quan niệm sai lầm về đặt vòng tránh thai

Nếu đang tìm kiếm một biện pháp bảo vệ an toàn, thuận tiện và lâu dài để tránh mang thai, thì vòng tránh thai có...

Nam giới có thể dùng thuốc tránh thai dành cho nữ giới không?

Thuốc tránh thai của nữ thường chứa các hormone estrogen và progestin, có tác dụng ngăn chặn sự rụng trứng và...

Kết hợp thuốc tránh thai hằng ngày và thuốc tránh thai khẩn cấp để tăng hiệu quả tránh thai?

Nhiều người đang sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày, nhưng sau khi phát sinh quan hệ tình dục, để yên tâm hơn lại...