Những yếu tố không ngờ làm tăng nguy cơ ung thư vú

Thứ Tư, 14/10/2015 11:27 AM (GMT+7)

Ung thư vú là loại ung thư phổ biến thứ hai ở phụ nữ sau ung thư da. Ngoài những yếu tố nguy cơ đã được biết đến nhiều như do gen, hormon, còn nhiều yếu tố không ngờ cũng có thể dẫn tới căn bệnh này.

Sử dụng thuốc tránh thai

Estrogen trong các viên thuốc tránh thai có tác dụng phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn nhưng có thể trở thành “kẻ thù” đáng lo ngại cho tế bào tuyến vú. Hàm lượng hormon này trong máu cao có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú bằng cách quá kích tế bào tuyến vú.

Một nghiên cứu được công bố năm 2014 trên tờ Cancer Research chỉ ra rằng việc sử dụng thuốc tránh thai đường uống ở phụ nữ từ 20 tới 49 tuổi có liên quan với tăng nguy cơ ung thư vú, tùy thuộc vào loại. Sử dụng thuốc tránh thai có hàm lượng estrogen cao (≥50mcg) có liên quan tới nguy cơ ung thư vú cao hơn ở phụ nữ trẻ, nhưng dùng thuốc tránh thai có hàm lượng estrogen thấp hơn (20mcg) thì không có nguy cơ này.

Không cho con bú

Lựa chọn có hoặc không cho con bú là tùy thuộc mỗi người nhưng những phụ nữ không cho con bú phải đối mặt với nguy cơ bị ung thư vúcao hơn.

Trong một nghiên cứu được công bố trên tờ The Lancet năm 2002, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 47 nghiên cứu trước đó, cho thấy nuôi con bú làm giảm nhẹ nguy cơ ung thư vú của phụ nữ. Phụ nữ càng cho con bú trong thời gian dài (12 tháng) càng giảm nguy cơ so với những người không bao giờ cho con bú hoặc cho con bú ít hơn (10 tháng).

Nghiên cứu mới được công bố trên tờ National Cancer Institute đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy phụ nữ cho con bú có nguy cơ ung thư vú thấp hơn cũng như tiên lượng bệnh tốt hơn nếu mắc bệnh. Phụ nữ cho con bú giảm 30% nguy cơ tái phát ung thư vú và 28% nguy cơ tử vong vì căn bệnh này. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm hiểu thêm về mối quan hệ nhân quả giữa việc cho con bú và bệnh ung thư vú.

Tăng cân

Nếu cỡ váy của bạn tăng càng nhiều theo các năm bạn càng có nguy cơ bị ung thư vú sau mãn kinh.

Một nghiên cứu được công bố trên tờ BMJ Open cho thấy phụ nữ tăng một cỡ váy trong mỗi thập kỷ từ năm 20 tuổi tới năm 60 tuổi bị tăng 33% nguy cơ mắc ung thư vú so với 77% của những người tăng 2 cỡ váy qua mỗi thập kỷ. Cỡ váy là một “hiện thân” về mỡ bụng của người mặc, cho thấy mối liên quan giữa tăng cân và nguy cơ ung thư vú. Mặc dù chưa rõ về cách mà chất béo góp phần vào mối liên quan này nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng đó là do mỡ quanh bụng tác động nhiều hơn về mặt chuyển hóa so với các mô mỡ khác trong cơ thể.

Uống rượu

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, uống rượu làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú, đặc biệt ở những người uống 2-5 cốc mỗi ngày.

Một nghiên cứu năm 2011 công bố trên tờ Journal of the American Medical Association đã xem xét số lượng, tần suất và độ tuổi sử dụng ở những phụ nữ uống rượu từ năm 1980 tới năm 2008. Kết quả cho thấy cứ uống 5-10 g rượu/ngày hoặc 3-6 cốc/tuần làm tăng 15% nguy cơ ung thư vú. Cứ tăng thêm 10g rượu/ngày sẽ làm tăng thêm 10% nguy cơ mắc ung thư vú.

Ăn quá muộn

Ăn tối muộn có thể thỏa mãn cơn đói của bạn nhưng lại gây bất lợi cho sức khỏe vú.

Một nghiên cứu gần đây trên tờ Cancer Epidemiology, Biomarkers & Prevention chỉ ra rằng ăn đúng giờ và ăn bữa tối sớm có thể giảm nguy cơ phát triển ung thư vú do glucose. Khi bạn ăn, cơ thể ngăn cản đường và tinh bột chuyển thành glucose đi vào máu. Glucose này sau đó được insulin “chỉ đạo” tới các tế bào, vì vậy có thể chuyển hóa thành năng lượng. Thiếu insulin có thể khiến đường huyết tăng và duy trì ở mức cao, dẫn tới tăng nguy cơ ung thư vú.

Làm việc ca đêm

Có thể bạn khó tránh khỏi làm việc theo ca nhưng nó có thể tàn phá sức khỏe của bạn. Làm việc ca đêm được coi là phá vỡ đồng hồ sinh học của cơ thể, khiến bạn có thể kiệt sức và thiếu ngủ, từ đó dẫn tới tăng nguy cơ ung thư vú.

Một nghiên cứu năm 2012 được công bố trên tờ Occupational and Environmental Medicine cho thấy phụ nữ làm việc ca đêm tăng gấp 4 lần nguy cơ bị ung thư vú so với những người không làm việc ca đêm. Những người làm việc ít nhất 3 ca đêm mỗi tuần trong 6 năm tăng gấp hai lần nguy cơ so với những người chỉ làm việc 1-2 ca đêm mỗi tuần.

Các nhà nghiên cứu cho rằng sự phá vỡ đồng hồ sinh học của cơ thể dẫn tới những thay đổi về hàm lượng hormon. Vì những người này làm việc ban đêm và ngủ vào ban ngày, làm thay đổi nhịp sinh học và hàm lượng melatonin – một hormon chịu trách nhiệm điều tiết chu kỳ thức-ngủ. Hàm lượng metalonin thấp hơn gặp ở bệnh nhân ung thư vú nhiều hơn so với những người không bị bệnh.

(Theo: Sức khỏe & Đời sống)

System

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....