Những bệnh lý xương khớp người già hay mắc phải

Thứ Năm, 03/10/2019 05:05 PM (GMT+7)

Theo bác sĩ Trần Quốc Khánh - Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, những vấn đề xương khớp người già hay gặp bao gồm: gãy xương, thoái hóa khớp gối và chỏm xương đùi, tổn thương khớp vai, những bệnh lý về cột sống và các khối u xương người già.

U xương

Người già hầu như ít bị u xương nguyên phát, nghĩa là khi có tổn thương trên xương luôn cần nghĩ đến ung thư di căn cho đến khi tìm ra nguyên nhân chính xác. Di căn xương ở người già thường gặp nhất từ ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư phổi.

Để xác định những tổn thương trên xương ở người già, bác sĩ thường mất ít nhất vài ngày, 7% trường hợp không tìm ra được nguyên nhân tổn thương. Tổn thương xương do đa u tủy xương, lao xương khớp và tổn thương xương lành tính trên nền các bệnh hệ thống, chuyển hóa (lupus, viêm đa khớp dạng thấp, gút, suy thận...), bệnh nhân cần được thăm khám và chẩn đoán ở những trung tâm y tế lớn chuyên sâu.

Gãy xương

Người già loãng xương nên khi té ngã dễ bị gãy xương. Những tình huống gây tai nạn khá đơn giản như trượt chân trong nhà tắm, ngồi xe đi qua chỗ đường gập ghềnh, xóc, bế cháu nặng, xoắn vặn cơ thể đột ngột, bê chậu áo quần... Thương tổn thường là xẹp phù nề thân đốt sống gây đau sụt lưng, gãy cổ xương đùi và vùng liên mấu chuyển xương đùi, gãy đầu dưới xương quay và gãy xương cánh tay.

xuongkhop

Xẹp phù nề thân đốt sống người già dấu hiệu gồm đau lưng rất nhiều, đặc biệt lúc thay đổi tư thế, cảm giác sụp lưng, đi lại khó khăn do cột sống là trục cơ thể bị gãy, ngồi, đứng, đi lại vô cùng khó khăn và đau đớn. Một số người bị tổn thương này không rõ nguyên nhân. Khi nghi ngờ, bệnh nhân cần chụp X-quang và cộng hưởng từ cột sống thắt lưng kết hợp đo loãng xương để chẩn đoán xác định bệnh. 

Gãy cổ xương đùi, gãy liên mấu chuyển vùng háng (gãy xương hông) nhiều lúc không gây đau đớn quá nhiều, một số trường hợp chỉ biểu hiện đi lại và nhấc, xoay chân khó khăn.

Trong bệnh lý gãy xương vùng cổ tay, tổn thương hay gặp nhất chính là gãy đầu dưới xương quay, hầu hết bệnh nhân cần nắn, bó bột. Sau đó vùng cổ bàn tay bệnh nhân có thể còn đau nhức, sưng tấy, theo thời gian sẽ giảm.

Phụ nữ sau tuổi 55 nên đo loãng xương kiểm tra định kỳ hằng năm. Người có tiền sử phẫu thuật cắt buồng trứng, sử dụng liệu pháp hormone, ít vận động, tai nạn nằm bất động một thời gian dài... cần kiểm tra loãng xương sớm hơn nữa. Ở nam giới, nguy cơ loãng xương thấp hơn phụ nữ.

Thoái hóa khớp gối và hoại tử chỏm xương đùi

Thoái hóa khớp gối và viêm khớp gối hay gặp ở nữ giới, còn hoại tử chỏm xương đùi hay thoái hóa khớp háng thường gặp ở nam.

Để chẩn đoán chính xác tổn thương cần chụp phim X-quang, siêu âm vùng khớp, đo loãng xương, xét nghiệm máu, chụp cộng hưởng từ và cắt lớp... Trường hợp thoái hóa khớp nặng, bệnh nhân đau quá mức, đứng và đi lại hạn chế, điều trị nội khoa không cải thiện thì phẫu thuật thay khớp (gối, háng..).

Tổn thương khớp vai

Khớp vai có tầm hoạt động lớn nhất trong cơ thể và đảm nhiệm nhiều chức năng. Điều đó làm hệ thống gân, cơ, dây chằng và bề mặt các khớp vùng vai dễ bị thoái hóa, chấn thương. Trừ gãy xương, còn lại hầu hết tổn thương khớp vai cần được chụp cộng hưởng từ để chẩn đoán chính xác. Nếu chỉ chụp X-quang và siêu âm sẽ rất khó tìm đúng tổn thương của khớp vai.

Tổn thương gây đau dữ dội ở vùng khớp vai là rách, đứt gân cơ. Để chẩn đoán chính xác cần dựa vào phim chụp cộng hưởng từ. Nếu gân cơ đứt hoàn toàn thường cần phẫu thuật nội soi khâu lại.

Nhiều trường hợp tổn thương khớp vai, phác đồ điều trị lại theo hướng chống viêm dính, đông cứng khớp tuổi già. Thay vì nghỉ ngơi bất động, bệnh nhân được hướng dẫn tăng vận động, vật lý trị liệu, tác động khớp vai. Hậu quả là bệnh nhân càng đau đớn hơn sau mỗi lần điều trị.

Bệnh lý cột sống

Bệnh lý cột sống người già bao gồm hẹp ống sống cổ, hẹp ống sống lưng, trượt các thân đốt sống. Dấu hiệu là tê bì hai tay hai chân hoặc tứ chi, cảm giác tức nặng hai mông và hai chân, đứng không được lâu, đi không được xa, đứng nấu ăn phải lấy ghế ngồi, chân đi loạng choạng mất vững ở đường mấp mô, đôi bàn tay thao tác lóng ngóng và thiếu tinh tế (gắp thức ăn, cài khuy áo, cầm bút...). Khi ấy bệnh nhân cần khám bác sĩ chuyên khoa cột sống sớm. 

Hiện nay có rất nhiều các biện pháp điều trị và dự phòng có hiệu quả các bệnh xương khớp ở người cao tuổi. Trong đó, người già cần có một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, kết hợp với chế độ thuốc men phù hợp với đặc điểm bệnh lý của người cao tuổi.

Ngoài ra, gia đình và xã hội thường xuyên nên động viên người già. Những người cao tuổi nên hoạt động trong các câu lạc bộ sức khỏe người cao tuổi góp phần củng cố sức khỏe thể chất và tinh thần. Các biện pháp điều trị không dùng thuốc như khí công, thái cực quyền thường có hiệu quả lớn ở những người cao tuổi.

Lan Anh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....