Những bệnh người cao tuổi thường mắc vào mùa nóng và cách phòng tránh

Thứ Sáu, 22/05/2020 03:16 PM (GMT+7)

Dưới đây là một số căn bệnh mùa nóng người cao tuổi thường gặp và cách phòng tránh:

nguoi-cao-tuoi-mua-he

Đau nhức xương khớp: Nhiều người lầm tưởng bệnh đau nhức xương khớp chỉ xuất hiện vào mùa đông, tuy nhiên, đối với người cao tuổi, thời tiết nóng nực vào mùa hè và thay đổi nhiệt độ đột ngột cũng sẽ làm xuất hiện đau nhức xương khớp. Đau nhức xương khớp vào mùa hè ở người cao tuổi thường xuất hiện ở các khớp gối, cột sống thắt lưng, khớp bàn tay, bàn chân.

Bệnh đường hô hấp:

Người cao tuổi có thể bị cảm lạnh do chế độ sinh hoạt hàng ngày không hợp lý (đang đi ngoài nắng về lại tắm ngay hoặc đang tiếp xúc với nhiệt độ cao trên 39 độ C sau đó vào phòng lạnh ở nhiệt độ thấp dưới 20 độ C), nếu nhẹ có thể gây viêm đường hô hấp trên, nặng có thể viêm phế quản, viêm phổi và có thể gây tử vong. Một số bệnh như viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản hoặc hen suyễn khi nóng, lạnh đột ngột cũng sẽ tái phát, nhất là hen ác tính rất nguy hiểm đến tính mạng.

Tăng huyết áp, tim mạch:

Người cao tuổi nếu có bệnh tăng huyết áp mà bị lạnh đột ngột (tắm nước lạnh, nằm máy lạnh nhiệt độ thấp quá) rất có thể xảy ra các biến chứng nguy hiểm, nếu nhẹ huyết áp tăng gây hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu, loạn nhịp tim, nặng có thể xuất huyết não, đột quỵ.

Rối loạn tiêu hóa:

Mùa nắng nóng người cao tuổi cũng rất dễ bị rối loạn tiêu hóa do thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh gây nên đi ngoài làm mất nước và chất điện giải. Trong khi đó lại ngại uống nước hoặc uống rất ít nước cho nên hậu quả cũng sẽ đưa đến là mạch nhanh, huyết áp tụt, thậm chí trụy tim mạch. Mặt khác, do lượng nước uống vào không đủ bù đắp mất nước do ra mồ hôi, nhất là một số người cao tuổi rất ít ăn rau, hoa quả, ngại uống sữa làm cho phân rắn lại khiến người cao tuổi bị táo bón.

Cách phòng tránh:

Những người cao tuổi có sức khỏe kém hay bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn như viêm đường hô hấp, viêm da hoặc mắc bệnh về tim mạch thì cần hết sức lưu ý là không tắm nước lạnh hoặc dùng máy lạnh ở nhiệt độ thấp, nhất là đang nóng, ra nhiều mồ hôi mà vào phòng máy lạnh đột ngột.

Nên tắm nước ấm và dùng quạt điện hay quạt bằng tay, nếu ở phòng điều hòa thì nên để ở 26 - 28 độ. Khi đi ra ngoài nắng cần đội mũ, không tắm biển lúc trời nắng nóng.

Không nên dùng thực phẩm lạnh quá (chè đá, uống nước có đá hoặc dùng hoa quả lấy ra từ tủ lạnh...). Không nên uống bia lạnh nhất là người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, hen suyễn.

Cần uống đủ lượng nước hàng ngày, ăn nhiều rau, hoa quả, nhất là các loại rau, quả dễ tiêu hóa vừa để cung cấp thêm nước, các vi chất, vừa để chống táo bón.

Quần áo mặc mùa hè nên rộng, mỏng, thoáng, nhà ở nên thoáng mát, đủ ánh sáng.

Người mắc bệnh mạn tính cần uống thuốc theo đơn và chỉ dẫn của bác sĩ để tránh bệnh tái phát.

Nên tham gia các bài tập thể dục dành cho người cao tuổi như tập dục dưỡng sinh, chơi cầu lông hoặc đi bộ tùy theo sức khỏe.

Trần Thanh Tùng

Cùng chuyên mục

Những lưu ý cho người cao tuổi khi tập thể dục dưới trời lạnh

Việc tập thể dục vào mùa lạnh là cần thiết với người cao tuổi. Tuy nhiên cần xem xét một số yếu tố như...

Để người cao tuổi sống vui, khỏe sau khi nghỉ hưu

Khi đến tuổi nghỉ hưu cũng là giai đoạn mới trong cuộc sống, người cao tuổi có nhiều vấn đề cần phải quan...

Tải về

Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi

Sự lão hóa của các cơ quan khi tuổi già đến, đặc biệt, sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở...

Hiện tượng hạ thân nhiệt cơ thể ở người cao tuổi

Hạ thân nhiệt là tình trạng thường gặp vào mùa đông nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ảnh...