Ninh Bình: Gian nan giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Thứ Năm, 25/10/2018 04:18 PM (GMT+7)

Hiện nay, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) đang là một trong những thách thức lớn đối với công tác DS-KHHGĐ của nước ta nói chung và của tỉnh Ninh Bình nói riêng.

 Hiện nay, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) đang là một trong những thách thức lớn đối với công tác DS-KHHGĐ của nước ta nói chung và của tỉnh Ninh Bình nói riêng. MCBGTKS sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của các gia đình, an ninh xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.

Chênh lệch giới tính khi sinh vẫn ở mức cao

Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Đề án Kiểm soát MCBGTKS và triển khai nhiều hình thức tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, tình trạng MCBGTKS của Ninh Bình mặc dù có giảm nhưng vẫn còn cao so với toàn quốc. Năm 2016, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh Ninh Bình là 113,3 bé trai/100 bé gái. Năm 2017, tỷ số này là 114,8 bé trai/ 100 bé gái. 9 tháng đầu năm 2018, tỷ số này ở mức 117,8 bé trai /100 bé gái.

Tỉnh Ninh Bình có 8 huyện, thành phố, trong đó, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh tập trung cao ở thành phố Ninh Bình và huyện ven biển Kim Sơn. Đặc biệt từ năm 2012 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn thành phố Ninh Bình luôn ở mức cao nhất tỉnh, thậm chí có phường, tỷ số giới tính khi sinh đạt mức trên 177 trẻ trai/100 trẻ gái.

08

Chia sẻ về những khó khăn trong việc kiểm soát MCBGTKS trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Ngọc Cương, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Ninh Bình cho biết: Hiện nay, tại Ninh Bình vẫn còn tồn tại một bộ phận không nhỏ người dân có tâm lý ưa thích con trai, thậm chí “khao khát” có con trai để nối dõi tông đường. Bên cạnh đó, sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại đã góp phần không nhỏ vào tình trạng MCBGTKS, nhất là trên địa bàn thành phố, thị xã – những nơi rất dễ tiếp cận với những dịch vụ y tế hiện đại. Mặc dù trong Pháp lệnh Dân số cũng đã có điều khoản nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, nhưng cách thức triển khai, kiểm tra, kiểm soát, xử phạt cá nhân, những cơ sở có hoạt động hỗ trợ cho việc lựa chọn giới tính thai nhi còn chưa thực hiện triệt để.

Theo ông Phạm Ngọc Cương, việc xử lý vi phạm chính sách DS-KHHGĐ hiện nay thực hiện theo Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của BCH TW và chỉ xử lý kỷ luật đối với đảng viên vi phạm. Do vậy thiếu sức răn đe đối với các đối tượng khác không phải là đảng viên. Việc xử lý đảng viên vi phạm ở nhiều đơn vị, địa phương thực hiện chưa được nghiêm túc, triệt để. Mặt khác, một số đơn vị, cấp ủy, đảng, chính quyền chưa thật sự vào cuộc, chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo, lãnh đạo nên kết quả đạt được chưa cao. Một số cán bộ chuyên trách, cộng tác viên chưa nhiệt tình trách nhiệm và thường xuyên biến động việc nắm bắt đối tượng và tuyên truyền, vận động còn hạn chế.

Cũng theo lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Ninh Bình, kinh phí chương trình Y tế - Dân số năm 2018 cấp muộn; kinh phí cho hoạt động truyền thông bị cắt giảm. Tại các địa phương, việc hỗ trợ kinh phí cho công tác DS-KHHGĐ ít, gây khó khăn trong việc thực hiện triển khai hoạt động công tác DS-KHHGĐ của tỉnh, trong đó có việc kiểm soát tình trạng MCBGTKS. Ngoài ra, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đối với đội ngũ chuyên trách dân số, cộng tác viên dân số và nhân viên y tế thôn bản phần nào ảnh hưởng tới việc triển khai các hoạt động truyền thông tại cơ sở.

Nỗ lực giảm thiểu tình trạng MCBGTKS

Trong năm 2018, theo báo cáo 9 tháng đầu năm, Chi cục DS-KHHGĐ đã ban hành nhiều kế hoạch liên quan đến giảm thiểu MCBGTKS như: Kế hoạch tổ chức Hội nghị phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các thông tin, kiến thức về kiểm soát MCBGTKS cho lãnh đạo Đảng, chính quyền cấp cơ sở năm 2018; Kế hoạch về tổ chức Hội nghị phổ biến các thông tin, kiến thức thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng MCBGTKS cho những người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ năm 2018; kế hoạch về tổ chức ngoại khóa trong các trường PTTH, THCS về vấn đề giới, bình đẳng giới, vai trò vị thế của phụ nữ và trẻ em gái năm 2018.

1_67356_1

Theo đó, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện, thành phố, Ban Dân số các xã, phường, thị trấn đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông giúp giảm thiểu tình trạng MCBGTKS. Cụ thể, tổ chức 8 hội nghị ngoại khóa trong các trường PTTH, THCS về vấn đề giới, bình đẳng giới, vai trò vị thế của phụ nữ và trẻ em gái năm 2018; 8 hội nghị về nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng MCBGTKS cho những người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ năm 2018; tích cực truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; treo băng rôn, pano, áp phích về MCBGTKS…

Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình tiếp tục phổ biến và quán triệt các văn bản, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và pháp luật Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ tới các tầng lớp nhân dân; tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác DS-KHHGĐ, xử lý nghiêm những cán bộ đảng viên vi phạm chính sách DS-KHHGĐ; tổ chức thực hiện có hiệu quả các mô hình, đề án để từng bước nâng cao chất lượng dân số và giảm thiểu MCBGTKS, khống chế và phấn đấu giảm dần tỷ lệ MCBGTKS.

Theo đó, tỉnh Ninh Bình đang tiếp tục xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng dân số, tập trung vào giảm thiểu MCBGTKS” giai đoạn 2017-2020. Tập trung đầu tư nguồn lực, kinh phí, trang thiết bị truyền thông đến từng tổ dân phố, thôn xóm, cụm dân cư, tư vấn trực tiếp tới từng người dân, chú trọng đối tượng nam giới, người có uy tín trong cộng đồng, ông bà trong gia đình. Giảm thiểu MCBGTKS không thể thực hiện trong ngày một ngày hai mà cần có sự kiên trì, bền bỉ, sự hợp tác cũng như vào cuộc của tất cả các ban, ngành, tổ chức đoàn thể và toàn xã hội.

Phạm Huyền

Cùng chuyên mục

Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng tiếp xã giao Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam

Ngày 22/3/2024, tại trụ sở Cục Dân số, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng đã có buổi tiếp xã giao bà Park...

Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng làm việc với Công ty Merck Health Care nhằm thúc đẩy hợp tác về dân số

Sáng ngày 22/3/2024, tại trụ sở Cục Dân số, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng đã có buổi tiếp và làm việc...

Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng tiếp Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam

Ngày 07/3/2024, tại trụ sở Cục Dân số, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng đã tiếp và làm việc với ông Matt...

Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng làm việc với đoàn đại biểu Đại sứ quán và Văn phòng Nội các Nhật Bản

Ngày 04/3/2024, tại trụ sở Cục Dân số, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng đã có buổi tiếp và làm việc với...