Nỗ lực nâng cao chất lượng dân số vùng cao

Thứ Tư, 31/01/2018 12:00 AM (GMT+7)

Thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về dân số-kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), tại nhiều địa phương đã có những nỗ lực để nâng cao chất lượng dân số, hạn chế việc sinh đẻ không có kế hoạch…

Tuyên truyền các biện pháp tránh thai hiện đại đến chị em phụ nữ vùng cao.

1. Ghi nhận ở Móng Cái (Quảng Ninh) cho thấy, ngành dân số TP Móng Cái đã và đang có nhiều nỗ lực trong nâng cao chất lượng dân số, trong đó trọng tâm là tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi thành vi của người dân theo từng nhóm đối tượng, qua đó góp phần hoàn thành các chỉ tiêu của nâng cao chất lượng dân số.

Theo đó, các nhóm đối tượng được chú trọng tăng cường tiếp thu các kiến thức từ truyền thông bao gồm: Phụ nữ mang thai hiểu biết về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh; thanh niên từ 15 tới 24 tuổi được tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; người cao tuổi được tiếp nhận thông tin về dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng; người chưa thành niên, thanh niên dân tộc ít người hiểu biết về tác hại của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống...

Tại TP Móng Cái, đặc biệt là các xã vùng khó khăn, vùng xa, đông dân như Hải Sơn, Bắc Sơn, Quảng Nghĩa, Hải Đông..., Trung tâm Dân số - KHHGĐ TP Móng Cái đã đẩy mạnh việc triển khai đề án nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền vận động phát hiện, can thiệp sớm tật bệnh thai nhi và sơ sinh (Chương trình sàng lọc sinh) đối với nhóm đối tượng Phụ nữ mang thai nhằm đạt mục tiêu loại bỏ các ca sinh bất thường.

Với nhóm đối tượng vị thành niên/ thanh niên chuẩn bị kết hôn, trung tâm đã triển khai các hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn kiến thức sức khỏe cho vị thành niên, thanh niên; tăng cường giáo dục và dịch vụ sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi vị thành niên; tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân…

Với nhóm đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã  triển khai chiến dịch Tăng cường truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình, thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tuyên truyền các quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh....

Bên cạnh đó, trung tâm cũng đã chủ động đẩy mạnh công tác truyền thông về tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại một số xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhằm nâng cao hiểu biết, ngăn ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết gây nên những hệ lụy đáng tiếc…

2. Trong khi đó, Yên Bái là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn và là nơi có hơn 30 dân tộc cư trú. Do đó, việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ góp phần thay đổi tập quán sản xuất, xóa bỏ hủ tục tồn tại lâu đời không còn phù hợp để đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo hiệu quả và bền vững. 

Hiện nay, số cặp vợ chồng thực hiện KHHGĐ luôn tăng hàng năm. Quy mô gia đình có 2 con được chấp nhận ngày càng rộng rãi tại các huyện vùng cao vốn có quan niệm sinh nhiều con. Chất lượng cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đang từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu thực hiện KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân. Các vấn đề về chất lượng dân số cả thể chất lẫn tinh thần đang từng bước được cải thiện đã góp phần quan trọng thúc đẩy công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh này. 

Mục tiêu cơ bản trong công tác dân số, KHHGĐ của Yên Bái đến năm 2020 sẽ tập trung duy trì mức sinh hợp lý ở vùng thấp, tiếp tục giảm sinh ở vùng cao, vùng có mức sinh cao, nâng cao chất lượng dân số, khống chế tốc độ gia tăng chênh lệch giới tính khi sinh, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. 

Ví dụ như ở Mù Cang Chải- huyện vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của Yên Bái. Đây cũng là huyện có trên 90% dân số là đồng bào Mông, trình độ dân trí và nhận thức về công tác dân số còn nhiều hạn chế. 

Người Mông quan niệm rằng, dù là anh em ruột nhưng con gái đi lấy chồng, mang họ khác sẽ là người của dòng họ khác. Do vậy, các con của họ có thể lấy người cùng họ hàng không phải phân chia tài sản. Mặc dù đã có nhiều thay đổi nhưng những năm qua, nhiều cặp vợ chồng kết hôn khi tuổi đời còn rất trẻ và kết hôn cận huyết thống. 

Để thay đổi nhận thức của đồng bào, thời gian qua, huyện Mù Cang Chải đã phối hợp với các trường học tổ chức nhiều buổi nói chuyện, tuyên truyền cho học sinh hiểu về những ảnh hưởng khi anh, chị em trong gia đình lấy nhau; những hệ lụy từ hôn nhân nhân cận huyết thống và tảo hôn.

Cùng với đó, là sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng tới từng hộ dân đã giảm thiểu tình trạng hôn nhân cận huyết và tảo hôn, góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện. 

Để đẩy mạnh hơn nữa công tác nâng cao chất lượng dân số, Yên Bái xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại 72 xã đặc biệt khó khăn…

Nâng cao chất lượng dân số cho bà con các dân tộc thiểu số là việc làm hết sức cần thiết, cần sự vào cuộc của nhiều ban ngành đoàn thể ở các địa phương. Đặc biệt là vai trò của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng thông qua việc tuyên truyền, vận động “mưa dầm thấm lâu” sẽ góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vốn trước kia khá phổ biến trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao…

Theo báo Đại đoàn kết.

System

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...