"Nóng" chuyện tổ chức bộ máy tại Hội nghị công tác Dân số 6 tháng đầu năm 2018

Thứ Hai, 06/08/2018 12:00 AM (GMT+7)

Hiện Tổng cục Dân số - KHHGĐ đã đề nghị Bộ Y tế có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc: Khi sáp nhập Trung tâm Dân số và Trung tâm Y tế thì thành lập Phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế tuyến huyện; Giao nhiệm vụ cho Trung tâm Y tế thực hiện công tác Dân số.

Sáng 1/8, tại Quảng Ninh, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị Chuyên đề công tác Dân số năm 2018 khu vực phía Bắc.

Phát biểu tại đây, TS Lê Cảnh Nhạc – Phó Tổng cục trưởng thường trực Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, năm 2018 rất đặc biệt khi đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác Dân số trong tình hình mới; Nghị quyết số 137/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21….

TS Lê Cảnh Nhạc - Phó Tổng cục trưởng phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh những thuận lợi, Phó Tổng cục trưởng Lê Cảnh Nhạc cũng nhấn mạnh về những khó khăn, thách thức mà công tác Dân số Việt Nam đang đối mặt.

Trong đó, nổi bật là vấn đề hợp nhất tổ chức bộ máy làm công tác Dân số tuyến huyện theo Nghị quyết số 19-NQ/TW. Bên cạnh đó, vấn đề kinh phí cho hoạt động Dân số cũng gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2018, kinh phí ngân sách trung ương chi cho Dân số giảm mạnh, chỉ bằng 46,2% so với giai đoạn 2011-2015.

Ông Lương Thế Khanh – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ

“Hiện có 62/63 địa phương (trừ Hưng Yên) chi công tác dân số gần 518 tỷ đồng, nhiều nhất là Hà Nội với mức hơn 83,5 tỷ đồng, nhưng cũng có địa phương chỉ hơn 200 triệu đồng. Điều đó cho thấy chênh lệch giữa tham mưu của cơ quan chức năng, sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo địa phương và hiệu quả của công tác Dân số sở tại” – TS Lê Cảnh Nhạc cho biết.

Trên cả nước, hiện có 18/63 tỉnh cộng tác viên dân số không được hỗ trợ hoạt động từ nguồn kinh phí địa phương, trong khi chế độ này từ Chương trình mục tiêu không còn. Điều này làm giảm sự nhiệt tình với công việc, không ít người đã bỏ việc.

Phó Tổng cục trưởng Lê Cảnh Nhạc một lần nữa nhấn mạnh về bức tranh mức sinh không đồng đều giữa các vùng trên cả nước. Đặc biệt là với các tỉnh Tây Nguyên, miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng (2,63-2,23 con); trong khi vùng Đông Nam Bộ, trung bình một bà mẹ chỉ sinh 1,46 con, đồng bằng Sông Cửu Long: 1,84 con.

“Chúng ta chuyển trọng tâm từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển để thực hiện toàn diện các vấn đề dân số, đồng thời phải giải quyết những vấn đề gay gắt về cung cấp dịch vụ KHHGĐ, tiếp tục thực hiện giảm sinh đặc biệt ở vùng mức sinh cao” – TS Lê Cảnh Nhạc nói.

Theo báo cáo của Tổng cục DS-KHHGĐ do ông Đặng Văn Nghị - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính – trình bày cho thấy, ước tính dân số nước ta năm 2018 là 94,7 triệu người, tỷ lệ tăng dân số là 1,07%. Hiện quy mô dân số Việt Nam xếp thứ 3 trong các nước ASEAN, thứ 8 châu Á và thứ 13 thế giới.

Ông Đặng Văn Nghị - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (bìa trái)

Ông Nghị cho biết, tỷ số giới tính khi sinh hiện ở nước ta là 112,2 bé trai/100 bé gái. Con số này ước tính năm 2018 là 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái, đạt kế hoạch. Tuổi thọ trung bình hiện khoảng 73,7.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, số người mới sử dụng biện pháp tránh thai đạt xấp xỉ 45% kế hoạch năm. Tuy nhiên, dự kiến năm 2018, chỉ tiêu này lại không đạt.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, ước tính có khoảng gần 30% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh bằng kỹ thuật siêu âm. Tuy nhiên, chỉ khoảng 13,3% trẻ sơ sinh đươc sàng lọc ít nhất 2 bệnh.

Về công tác tổ chức bộ máy làm Dân số ở địa phương, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Lương Thế Khanh – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết thực trạng, hiện một số địa phương xây dựng phương án Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình thành Phòng thuộc Sở Y tế không đúng với Thông tư liên tịch số 51/2015 giữa Bộ Y tế - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

"Điều này đã tạo tâm lý lo lắng cho công chức, viên chức làm công tác dân số của địa phương" - ông Khanh nói.

Bên cạnh đó, một số địa phương đã và đang thực hiện hợp nhất Trung tâm DS-KHHGĐ tuyến huyện vào Trung tâm Y tế đa chức năng.

"Tuy nhiên, cách thức, lộ trình thực hiện một số nội dung chưa phù hợp đã gây ra tâm lý bất an với viên chức dân số, cộng tác viên dân số. Hiện Tổng cục DS-KHHGĐ đã đề nghị Bộ Y tế có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc: Khi sáp nhập Trung tâm Dân số và Trung tâm Y tế, thì thành lập Phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế tuyến huyện, trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm DS-KHHGĐ; Giao nhiệm vụ cho Trung tâm Y tế thực hiện công tác Dân số" - ông Khanh cho biết thêm.

Theo: Võ Thu/GiadinhNet

System

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...