Phát triển đội ngũ cộng tác viên dân số theo hướng đổi mới

Thứ Ba, 10/12/2019 04:01 PM (GMT+7)

Ngày 10/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12, với chủ đề “Đồng hành cùng sự nghiệp Dân số và Phát triển vì sự phồn vinh của đất nước".

cong-tac-dan-so

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Ban Chỉ đạo công tác dân số một số tỉnh, thành phố; Sở Y tế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình các tỉnh, thành phố dự buổi lễ.

Phát triển đội ngũ cộng tác viên dân số theo hướng đổi mới

Phát biểu tại lễ phát động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, việc tổ chức Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26/12) là dịp để nhắc nhở mỗi người chú ý hơn nữa đến công tác dân số. Đây là việc phải làm liên tục trong năm, mọi nơi, mọi lúc. Công tác dân số hiện nay không chỉ đơn giản là kế hoạch hóa gia đình, bảo đảm sức khỏe bà mẹ, trẻ em hay mọi người dân, vấn đề dân số và phát triển đã bao trùm hơn rất nhiều. Đây không còn là chức năng của riêng Bộ Y tế, là công việc của hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và từng người dân. 

Phó Thủ tướng cho rằng: Thực tế hiện nay, tại một số cộng đồng, nhất là các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận xu thế giảm sinh. Không chỉ ở quy mô, tỷ lệ sinh, dân số Việt Nam đã bắt đầu bước vào thời kỳ chuyển đổi từ “dân số vàng” sang già hóa dân số với tốc độ vào hàng nhanh nhất thế giới. Việt Nam đứng trước nguy cơ trở thành quốc gia dân số già, không duy trì được mức sinh thay thế như một số nước đang đối mặt. Bên cạnh đó, chất lượng dân số không chỉ nằm ở chăm sóc sức khỏe, thể chất, người dân còn phải khỏe mạnh về tinh thần ở cả người cao tuổi lẫn người trẻ, trẻ em. Điều đó đòi hỏi phải có sự thay đổi cung cách quản lý, vận động trong công tác dân số. Nhưng đến nay, nhận thức của các cấp chính quyền, cộng đồng, xã hội vẫn chưa đầy đủ.

Phó Thủ tướng dẫn chứng: Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới đã ban hành được 2 năm nhưng nước ta vẫn chưa có một cơ cấu, tổ chức cần thiết để tất cả các bộ, ngành phải vào cuộc, gần như “khoán gọn” cho Bộ Y tế, Tổng cục Dân số. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ có một Thứ trưởng phụ trách trực tiếp công tác dân số, hình thành khung điều phối từ trên xuống. Có nhận thức, có nghị quyết Trung ương, có chiến lược… nhất định sẽ huy động được mọi nguồn lực trong xã hội tập trung cho mục tiêu phát huy lợi thế của cơ cấu dân số Việt Nam, phù hợp với xu thế mới để có quy mô, cơ cấu, phân bố thật hợp lý, có chất lượng cao. Mọi người Việt Nam đều được chăm sóc tốt nhất trong khả năng có thể, bình đẳng và có cơ hội như nhau.

Đề nghị các cấp, ngành, đoàn thể xã hội tham gia mạnh mẽ hơn nữa bằng những hành động, nguồn lực cụ thể, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý phải tăng cường đào tạo, tập huấn, phát triển đội ngũ cộng tác viên dân số theo hướng đổi mới, không giới hạn ở công tác kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản, để trở thành lực lượng nòng cốt trong các lĩnh vực liên quan đến dân số, như phổ biến kiến thức nuôi dạy trẻ, bảo vệ trẻ em, chăm sóc người già…

Kim chỉ nam của hoạt động dân số thời gian tới

Chia sẻ về thành tựu của dân số Việt Nam những năm qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) Nguyễn Doãn Tú cho biết: Tốc độ gia tăng quy mô dân số quá nhanh đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế sớm 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4, khóa VII, đề ra và tiếp tục được duy trì cho đến nay, hạn chế tăng thêm hàng chục triệu người. Cơ cấu dân số chuyển dịch theo hướng tích cực. Phân bố dân số hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình của người dân tăng nhanh, đạt 73,5 tuổi, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Số năm sống trung bình sau khi đạt 60 tuổi của người Việt Nam đã tương đương nhiều nước châu Âu. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tỷ lệ suy dinh dưỡng, tỷ suất tử vong trẻ em đã giảm 2/3; tỷ số tử vong mẹ giảm 3/4 so với năm 1990. Mạng lưới tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã từng bước được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố. Đến nay, 25% bà mẹ mang thai, 35% trẻ sơ sinh được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp, điều trị sớm một số bệnh, tật.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân số cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn. Từ việc chỉ tập trung giải quyết vấn đề kế hoạch hóa gia đình để ổn định quy mô dân số, nay công tác dân số phải đẩy mạnh việc giải quyết toàn diện các vấn đề cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, nhất là nâng cao chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. 

Ông Nguyễn Doãn Tú chia sẻ: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 với quan điểm: Quán triệt sâu sắc và triển khai đầy đủ Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới; tập trung mọi nỗ lực chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang thực hiện và đạt được các mục tiêu toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Đây sẽ là kim chỉ nam cho ngành Dân số trong giai đoạn mới.

Duyen

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...