Phóng sự "Chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng thích ứng với già hóa dân số"

Thứ Bảy, 14/09/2019 10:21 AM (GMT+7)

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, với khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, tương đương khoảng 11%. Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam được các nhà khoa học trong nước và quốc tế dự báo thuộc hàng nhanh nhất thế giới.

 

Theo đó, Việt Nam chỉ mất khoảng 20 - 22 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già. Dự báo đến năm 2032, Việt Nam bắt đầu có dân số cao tuổi nhiều hơn dân số trẻ em. Số người cao tuổi cần được chăm sóc sẽ tăng từ 2,5 triệu người vào năm 2019 lên hơn 10 triệu người vào năm 2049.

Già hóa là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Tiến trình già hóa dân số có tác động tới tất cả các khía cạnh của xã hội, các thành phần kinh tế và tới các nhóm dân số trẻ tuổi hơn. Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng có một hướng tiếp cận toàn diện để thích ứng và đáp ứng nhu cầu của toàn bộ dân số, chuẩn bị cho một xã hội già trong tương lai. Việc xây dựng các chính sách liên quan cần nhìn nhận người cao tuổi là một nguồn lực cho phát triển chứ không phải là những người thụ hưởng các dịch vụ xã hội một cách thụ động. Trong đó, phải đặt trọng tâm vào việc giúp người cao tuổi có một tuổi già vui vẻ, hạnh phúc.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Luật Người cao tuổi được Quốc hội ban hành năm 2009 đã thể hiện rõ sự chăm sóc của Nhà nước và toàn xã hội đối với người cao tuổi. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020 nhằm phát huy vai trò của người cao tuổi; nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi; đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi phù hợp với tiềm năng và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngày 30/12/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Quyết định số 7618/QĐ-BYT phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025 với mục tiêu đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia về người cao tuổi, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, Chiến lược Quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Với sự quan tâm, chỉ đạo và đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp và hỗ trợ của Quỹ Dân số LHQ, các tổ chức quốc tế và chính phủ nhiều nước, công tác dân số Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe và chất lượng sống của người cao tuổi. Tuổi thọ trung bình người Việt Nam tăng từ 65 tuổi năm 1993 lên 73,5 tuổi năm 2018, cao hơn hẳn các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Trước những đòi hỏi về chăm sóc y tế khi tỷ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng mà điều kiện dịch vụ chưa đủ để đáp ứng, việc tăng cường các mô hình chăm sóc tại cộng đồng rất cần được quan tâm. Từ năm 2010, Tổng cục DS-KHHGĐ đã triển khai mô hình “Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng” tại 29 tỉnh, thành phố. Mô hình này đã phát huy hiệu quả vai trò của người cao tuổi tại các gia đình và trong cộng đồng. Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025 của Bộ Y tế hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận và phong trào toàn xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đồng thời nâng cao kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi; Đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe dài hạn của người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng và trong cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung. Đến năm 2025, đạt mục tiêu 100% người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi và các kiến thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; 80% người cao tuổi có khả năng tự chăm sóc, được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe; 100% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc sẽ được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng.

Để đạt được các mục tiêu đó, cần thực hiện tốt công tác quản lý chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; xây dựng các tài liệu, chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; thử nghiệm các mô hình, loại hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn; thí điểm xây dựng phong trào xã/phường phù hợp với người cao tuổi. Đồng thời, nhân rộng các mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi, ưu tiên cho các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; tạo môi trường thân thiện cho người cao tuổi thông qua việc thúc đẩy phong trào xã/phường phù hợp với người cao tuổi. Trong đó, cần tập trung nâng cao kỹ năng chăm sóc người cao tuổi tại nhà như: Hướng dẫn các kỹ năng tự chăm sóc cá nhân cho người cao tuổi có ít khả năng độc lập trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày; đào tạo các thành viên trong gia đình các kỹ năng cơ bản về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày; đào tạo các kỹ năng cho các công tác viên và tình nguyện viên cung cấp các dịch vụ chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi sống một mình hoặc thiếu sự chăm sóc từ gia đình; tổ chức các chuyến thăm hỏi và khám chữa bệnh cho người cao tuổi tàn tật bị ốm yếu… Đặc biệt, tăng cường công tác truyền thông, thay đổi nhận thức, tạo môi trường phù hợp với xã hội có nhiều người cao tuổi, thường xuyên tuyên truyền giáo dục giới trẻ, để xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực với người cao tuổi… Việc hoàn thiện các chính sách phù hợp sẽ góp phần đảm bảo quyền và tăng cường sự tham gia của người cao tuổi để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn cho mọi lứa tuổi.

Để già hóa dân số nhanh không cản trở sự phát triển bền vững của đất nước mà còn thúc đẩy quá trình này, cần hướng tới già hóa tích cực cho Việt Nam. Để làm được điều đó, đòi hỏi phải huy động sự tham gia, vào cuộc của cả cộng đồng nhằm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tận dụng và tối ưu các cơ hội để người cao tuổi tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo cho mỗi người cao tuổi được sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Phạm Thanh Huyền

Cùng chuyên mục

Những lưu ý cho người cao tuổi khi tập thể dục dưới trời lạnh

Việc tập thể dục vào mùa lạnh là cần thiết với người cao tuổi. Tuy nhiên cần xem xét một số yếu tố như...

Để người cao tuổi sống vui, khỏe sau khi nghỉ hưu

Khi đến tuổi nghỉ hưu cũng là giai đoạn mới trong cuộc sống, người cao tuổi có nhiều vấn đề cần phải quan...

Tải về

Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi

Sự lão hóa của các cơ quan khi tuổi già đến, đặc biệt, sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở...

Hiện tượng hạ thân nhiệt cơ thể ở người cao tuổi

Hạ thân nhiệt là tình trạng thường gặp vào mùa đông nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ảnh...