Phóng sự: Thúc đẩy bình đẳng giới để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Thứ Năm, 05/12/2019 04:29 PM (GMT+7)

Căn nguyên gốc rễ của việc MCBGTKS là bất bình đẳng giới thể hiện trong chế độ gia đình phụ hệ. Những quan điểm như "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" vẫn còn tiềm ẩn trong nhận thức của nhiều gia đình mặc dù những năm gần đây, cái nhìn về “con gái” trong xã hội đã cởi mở hơn.

 

Nam giới khó kết hôn - Xâm hại tình dục - Bạo hành phụ nữ - Bắt cóc, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái xuyên biên giới - Nguyên nhân sâu xa dẫn đến những vấn đề này chính là tình trạng bất bình đẳng giới, coi thường phụ nữ.Bất bình đẳng giới đồng thời là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tỷ số GTKS được xác định dựa vào số bé trai được sinh ra so với 100 bé gái. Tỉ số GTKS tự nhiên dao động trong khoảng 104-106 bé trai trên 100 bé gái. Tuy nhiên, theo tập quán trọng con trai, ở nhiều nước châu Á, tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh đang diễn ra nghiêm trọng. Từ những năm 1980 tới nay, ở một số quốc gia châu Á, số lượng bé trai được sinh ra nhiều hơn hẳn so với bé gái. Tại Việt Nam, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra muộn hơn so với hầu hết các nước khác nhưng lại gia tăng rất nhanh. Nếu như trong những năm 90, tỷ lệ nam/nữ trong dân số Việt Nam chênh lệch không lớn (96,7 nam so với 100 nữ) thì sang những năm 2000 và gần đây, tỷ số giới tính khi sinh khá cao, liên tục tăng và nghiêng về trẻ em trai: năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là: 110 trẻ trai/100 trẻ nữ (110/100), cao ở mức thứ 4 trên thế giới, năm 2007 và 2008, tỷ số này đã là 112/100 và năm 2018 là 115,1. 2018 là năm mà tỉ số giới khi sinh tăng nhanh và ở mức cao nhất từ trước đến nay. Với tỉ lệ này, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 15 nước có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất và là đại diện duy nhất ở Đông Nam Á và đứng thứ 2 châu Á, chỉ sau Trung Quốc với tỉ lệ 117-118 bé trai/100 bé gái.

Nếu như năm 2006, chỉ có 19 tỉnh/thành trong cả nước có tỷ số giới tính khi sinh từ 110/100 trở lên, thì năm 2007, con số này đã lên tới 35 tỉnh/thành. Đến nay, tình trạng này đã xảy ra ở tất cả các vùng kinh tế trên cả nước.Theo các ước tính nhân khẩu học, nếu tỷ số GTKS tiếp tục tăng ở tốc độ hiện nay, đến năm 2050, dân số Việt Nam sẽ thừa 12% nam giới ở độ tuổi dưới 50. Điều này sẽ gây ra những hậu quả trầm trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước cũng như cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cả cộng đồng. Tình trạng thiếu phụ nữ trẻ sẽ khiến nhiều nam giới khó tìm được bạn đời. Sự “khủng hoảng về hôn nhân” này có thể để lại một loạt hậu quả cả về mặt nhân khẩu học và mặt xã hội bao gồm nạn ép buộc kết hôn, buôn bán và bạo hành phụ nữ và trẻ em gái, nguy cơ bất ổn xã hội do sự bất mãn về xã hội và tình dục của nam giới. Trong tình trạng đó, những nam giới yếu thế - cụ thể là những người nghèo và học vấn thấp sẽ càng có ít cơ hội để xây dựng gia đình. Số người di cư trong nước và ra nước ngoài vì mục đích hôn nhân cũng có thể tăng lên, làm cho xã hội càng mất ổn định hơn.Tỷ số GTKS tại Việt Nam chỉ tăng lên khi công nghệ siêu âm phát triển rộng rãi, tạo điều kiện cho việc xác định giới tính trước sinh. Kể từ khi bước sang thiên niên kỷ mới, công nghệ siêu âm sản khoa đã trở thành nhân tố không thể thiếu trong quá trình chăm sóc thai sản ở Việt Nam. Hầu hết phụ nữ đều biết trước giới tính thai nhi ngay từ giai đoạn đầu của thai kỳ. Sự hỗ trợ của các phương tiện chẩn đoán y khoa hiện đại xuất hiện ở khắp các bệnh viện và phòng khám công lẫn tư đã tạo điều kiện dễ dàng, thuận lợi cho việc lựa chọn giới tính thai nhi của các bậc làm cha mẹ. Từ đó xuất hiện hành vi phá thai lựa chọn giới tính tại một số cơ sở y tế. Các nghiên cứu cho thấy,nhiều phụ nữ đã từng phá thai nhiều lần vì mục đích lựa chọn giới tính.

Tuy nhiên, căn nguyên gốc rễ của việc mất cân bằng giới tính khi sinh là bất bình đẳng giới thể hiện trong chế độ gia đình phụ hệ. Việc duy trì dòng dõi gia đình, thờ cúng tổ tiên và chăm sóc cha mẹ già được coi là một truyền thống văn hoá tốt đẹp của người Việt Nam nhằm duy trì sự gắn kết xã hội. Tuy nhiên, truyền thống này cũng đề cao vai trò của con trai và đánh giá thấp vai trò của con gái. “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, “con trai là con của mình, còn con gái là con người ta”, mong có con trai để “nối dõi tông đường”, để “đảm trách công việc thờ cúng tổ tiên ông bà”. Những quan điểm thấm đậm tư tưởng Nho giáo này vẫn còn tiềm ẩn trong nhận thức của rất nhiều gia đình mặc dù những năm gần đây, cái nhìn về “con gái” trong xã hội đã cởi mở hơn.

Bên cạnh đó, tại một số tỉnh miền núi và miền biển, còn nhiều gia đình mong sinh con trai để đảm đang những công việc nặng nhọc của gia đình mà con gái không làm được như đi biển, chài lưới, khuân vác…Điều 63 Hiến pháp Việt Nam năm 1992 quy định rõ: “Công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình. Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ”. Hiến pháp nhấn mạnh trong điều 64: “Nhà nước và xã hội không thừa nhận việc phân biệt đối xử giữa các con.”

Điều 7 Pháp lệnh Dân số 2003 quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Nghị định 114/2006/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em đã có những quy định rất chi tiết để xử lý các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Nghị định 55/2009/NĐ-CP về Bình đẳng giới quy định phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi xúi giục người khác phá thai vì giới tính của thai nhi.

Chiến lược Dân số và Sức khoẻ Sinh sản cũng đặt ra mục tiêu giảm mạnh tốc độ tăng tỷ số GTKS, tiến tới đưa tỉ số này trở lại mức 105-106 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào khoảng năm 2025.Việt Nam đã có hệ thống pháp luật và chính sách khá chặt chẽ liên quan đến bất bình đẳng giới và lựa chọn giới tính, tuy nhiên việc thực thi luật pháp và chính sách giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn hạn chế. Bất bình đẳng giới đã ăn sâu vào nhận thức xã hội. Để thay đổi những khuôn mẫu về quyền lực và bất bình đẳng đã tồn tại hàng thế kỉ, Việt Nam cần có những hành động và cam kết của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Để dần xóa bỏ tâm lý, quan niệm trọng nam khinh nữ, Tổng cục DS-KHHGĐ đã có các chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới đến các gia đình, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh với thông điệp: cần phải suy tích cực và có quan niệm hiện đại hơn, không chỉ đàn ông mới có thể là trụ cột mà ngày nay phụ nữ hoàn toàn có thể đảm đương, chia sẻ các công việc với nam giới trong cuộc sống cũng như phụng dưỡng cha mẹ.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục các tầng lớp nhân dân nhằm chấp hành nghiêm và thực hiện tốt các văn bản pháp luật của Đảng và Nhà nước; Đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục để nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi nhằm hạn chế và đi đến loại trừ lựa chọn giới tính thai nhi. Đối tượng ưu tiên được tuyên truyền là phụ nữ và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, người cung cấp các dịch vụ lựa chọn giới tính. Đồng thời, có chính sách ưu tiên dành cho nữ giới, khen thưởng xứng đáng các cặp vợ chồng chỉ có 1 con gái hoặc 2 con gái. Nêu cao vai trò và những thành đạt của nữ giới trong xã hội hiện nay, nhấn mạnh vai trò của nam giới trong việc chấp hành các chính sách dân số và thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của các cấp có thẩm quyền từ trung ương đến cơ sở, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể, hội đoàn, các chuyên gia cùng với ngành DS-KHHGĐ để hạn chế tối đa chênh lệch giới tính khi sinh.

Phạm Thanh Huyền

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....