789

Phú Thọ từng bước giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Thứ Năm, 07/02/2019 12:28 PM (GMT+7)

Cũng như các địa phương khác trong cả nước, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ở Phú Thọ khá cao, đặc biệt trong những năm trở lại đây. Tỉnh Phú Thọ đã và đang có nhiều giải pháp nhằm nỗ lực từng bước giảm thiểu tình trạng này.

 

Đã khống chế nhưng chưa ổn định

Tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) được tính bằng số trẻ trai so với 100 trẻ gái khi sinh trong một năm. Chỉ số này được coi là bình thường nếu nằm trong khoảng 103 - 107 trẻ trai/100 trẻ gái để duy trì tương quan giới tính hợp lý xét cả về mặt tự nhiên và xã hội của một quốc gia, một địa phương.

Cùng với cả nước, tình trạng MCBGTKS xuất hiện ở Phú Thọ từ những năm đầu của thế kỷ XXI, có xu hướng gia tăng và hiện đang ở mức khá cao. Trong thời gian qua, hệ thống Dân số tỉnh đã triển khai Đề án Giảm thiểu MCBGTKS giai đoạn 2011-2015, Kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016-2020 với nhiều hoạt động can thiệp và đã có kết quả bước đầu. Tốc độ gia tăng TSGTKS giảm 4,5 điểm phần trăm, từ 116,5 (năm 2011) xuống 112 (năm 2017). Tuy nhiên, do tính chất khó khăn và phức tạp của việc kiểm soát MCBGTKS nên đến nay tốc độ gia tăng TSGTKS của tỉnh tuy đã được khống chế nhưng vẫn ở mức cao và không ổn định.

phu-tho-mcbgtks-copy-15384458121472053005860

Nói về vấn đề này, bà Trần Thị Huyền - Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh cho hay: Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng MCBGTKS như: Do áp lực giảm sinh; do chế độ an sinh xã hội chưa đảm bảo; do chính sách ưu tiên đối với nữ giới chưa thật sự thỏa đáng; do lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính trước sinh… Tư tưởng trọng nam hơn nữ, ưa chuộng con trai chính là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng này. Mô hình gia đình truyền thống, việc phải có con trai nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ làm cho tâm lý ưa thích con trai trở lên mãnh liệt, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ.

Theo bà Huyền, để mong có được con trai, nhiều cặp vợ chồng đã chủ động về chế độ ăn uống, chọn phương pháp thụ tinh…; sau khi đã có thai thì sử dụng siêu âm, bắt mạch, chọc hút dịch ối… để lựa chọn giới tính thai nhi. Như vậy, cũng có thể nói việc lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh chính là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng MCBGTKS.

Các nhà nghiên cứu dự báo trong tương lai đến năm 2025-2030, Phú Thọ sẽ thừa khoảng 2,3-4,3 vạn nam giới. Nếu không được can thiệp kịp thời, với tình trạng “thừa nam, thiếu nữ” khi thế hệ trẻ em sinh ra hiện nay bước vào độ tuổi kết hôn sẽ để lại những hậu quả, hệ lụy nặng nề. Nó sẽ làm tan vỡ cấu trúc gia đình và biến đổi các chỉ số nhân khẩu học; gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới; tác động tiêu cực đến cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Đồng bộ nhiều giải pháp, chú trọng truyền thông

Để đạt được mục tiêu khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng TSGTKS, tiến tới đưa TSGTKS trở lại mức cân bằng tự nhiên tỉnh Phú Thọ đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là công tác truyền thông.

 Bà Trần Thị Huyền cho biết, Sở Y tế Phú Thọ đã tích cực triển khai truyền thông về thực trạng MCBGTKS tại địa phương, nguyên nhân, hệ lụy và giải pháp thông qua việc tuyên truyền Kế hoạch số 5182/KH-UBND ngày 11/11/2016 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc thực hiện Đề án Kiểm soát MCBGTKS trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 – 2020. Nhiều hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi cùng các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm học tập, rèn luyện của các trẻ em gái con gia đình sinh 2 con gái có thành tích học tập giỏi giữa các địa phương đã được tổ chức thực hiện. Qua đó, nhằm thay đổi quan niệm của người dân về tư tưởng trọng nam khinh nữ, nhất là đối với những người dân sống ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh; nâng cao nhận thức của người dân về những hệ lụy của việc MCBGTKS để mọi người tự giác thực hiện, không tham gia vào quá trình lựa chọn trước sinh.

Tỉnh Phú Thọ cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục về các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi như Pháp lệnh Dân số, Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến Luật như: Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình, nêu cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện nay; truyền thông, tạo dư luận xã hội, phê phán các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Tuyên truyền nâng cao đạo đức nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ y tế thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

Đặc biệt, Phú Thọ cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh xuất bản phẩm, các cơ sở y tế thực hiện các dịch vụ sản khoa nhằm ngăn chặn tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi; theo dõi, phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời đối với các trường hợp vi phạm.

Phạm Huyền

Cùng chuyên mục

Nhân ngày tránh thai thế giới 26/09, cùng tìm hiểu về màng phim tránh thai

Màng phim tránh thai VCF (còn gọi là film tránh thai hay màng tránh thai) là lựa chọn biện pháp tránh thai. Nhưng màng phim...

Để cuộc nói chuyện về giới tính với con trở nên tinh tế

Giáo dục giới tính cho trẻ giúp trẻ hiểu rõ về bản thân, có khả năng tránh khỏi nhiều nguy cơ xấu. Song trong...

Những sai lầm của cha mẹ khi giáo dục giới tính cho trẻ

Xung quanh việc giáo dục giới tính cho trẻ, bản thân cha mẹ vẫn có những hiểu nhầm, từ đó việc làm thế nào...

Con xuất hiện xu hướng đồng tính, phụ huynh cần làm gì?

Mỗi cá nhân sẽ có 4 đặc điểm: Giới tính sinh học, bản dạng giới, thể hiện giới, xu hướng tính dục. Các...