Quảng Ninh đưa vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh vào trường học

Thứ Sáu, 19/10/2018 04:10 PM (GMT+7)

Năm 2009, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) của tỉnh Quảng Ninh là 108,3 trẻ trai/100 trẻ gái, đến năm 2015 đã tăng nhanh lên mức 113 /100, năm 2016 là 112,5/100 và năm 2017 vẫn duy trì ở mức này. Dù TSGTKS của Quảng Ninh đã được kiểm soát nhưng vẫn ở mức cao và thiếu ổn định.

Năm 2009, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) của tỉnh Quảng Ninh là 108,3 trẻ trai/100 trẻ gái, đến năm 2015 đã tăng nhanh lên mức 113 /100, năm 2016 là 112,5/100 và năm 2017 vẫn duy trì ở mức này. Dù TSGTKS của Quảng Ninh đã được kiểm soát nhưng vẫn ở mức cao và thiếu ổn định. 9 tháng đầu năm 2018, tỷ số này có xu hướng tăng lên so với cùng kỳ năm 2017.Ra quân Chiến dịch truyền thông MCBGTKS

Nhằm nỗ lực giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) trên địa bàn tỉnh, ngày 9/10 vừa qua, Ban Chỉ đạo công tác DS - KHHGĐ tỉnh Quảng Ninh phối hợp với thị xã Quảng Yên tổ chức Lễ ra quân Chiến dịch truyền thông MCBGTKS năm 2018.

Chiến dịch nhằm mục đích tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về chủ đề và thông điệp của tình trạng MCBGTKS tại Việt Nam nói chung, tại Quảng Ninh nói riêng và những hệ lụy đối với sự phát triển bền vững của đất nước. MCBGTKS là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng dư thừa nam giới so với nữ giới trong cùng một thế hệ, gây ra những khó khăn, bất cập trong vấn đề hôn nhân và gia đình. Việc thiếu hụt phụ nữ sẽ làm gia tăng vấn nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, nguy cơ gia tăng các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái...

Tại lễ phát động, Ban Chỉ đạo công tác DS - KHHGĐ tỉnh kêu gọi sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các ngành trên toàn tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các hoạt động; đổi mới công tác tuyên truyền, vận động người dân trong độ tuổi sinh đẻ sinh 2 con, kiên quyết không lựa chọn giới tính khi sinh; đẩy mạnh việc thực thi và giám sát nghiêm minh pháp luật về giải quyết MCBGTKS; nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, thay đổi nhận thức của mỗi người dân, quan tâm hơn nữa đến công tác bình đẳng giới…

Tuyên truyền ở trường học và cộng đồng

Để kiểm soát tình trạng MCBGTKS, tiến đến đưa tỷ số này về mức sinh tự nhiên dưới 109 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2023; trong những năm qua, Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp nhằm nỗ lực hạ TSGTKS. Trong đó phải kể đến giải pháp đưa nội dung MCBGTKS vào giảng dạy trong các trường học do Chi cục DS-KHHGĐ phối hợp với Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh thực hiện.

Riêng năm 2017, 16 trường THPT đã tổ chức sinh hoạt ngoại khóa giao lưu kiến thức mất cân bằng giới tính cho 720 học sinh của 7 huyện, thị xã, thành phố. Nội dung về MCBGTKS được đưa vào các trường học một cách sinh động, thông qua các hình thức sân khấu hóa và các đồng đẳng viên tại các trường tiểu học, THCS và THPT.

quang-ninh-ra-quan-truyen-thong-mcbgtks-15397880112101221125497

Chi cục DS-KHHGĐ cũng phối hợp với Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ để xây dựng kế hoạch đào tạo, giảng dạy hàng năm của các trường học về nội dung MCBGTKS với thời lượng 10 tiết học lớp đào tạo. Đặc biệt, Chi cục đã phối hợp với Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, phổ biến nội dung các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh cho sinh viên trước khi ra trường với thời lượng 10 tiết học. Đồng thời tổ chức ký cam kết thực hiện đối với sinh viên ra trường.

Bên cạnh việc đưa nội dung về MCBGTKS vào trường học, Quảng Ninh còn mở rộng mô hình Câu lạc bộ (CLB) giảm thiểu MCBGTKS, nhằm tăng cường cung cấp thông tin về giới, những hiểu biết cơ bản và hậu quả của MCBGTKS… Với nhiều hoạt động thiết thực, các CLB này ở các xã, phường, thị trấn đã, đang góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng dân số ở tuyến cơ sở. Nhờ đó, nhiều người dân ở các địa phương có thêm kiến thức, hiểu biết về giới, hạn chế tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh. CLB giảm thiểu MCBGTKS đã được thành lập ở 186/186 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Theo đó, các CLB này đã tổ chức khá nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức về giới cho người dân, nhất là ở những xã đặc biệt khó khăn, như: Tuyên truyền nhóm; tư vấn tại hộ gia đình; hội nghị; cấp phát tờ rơi; treo băng rôn; tư vấn cá nhân...

Chị Vi Thị Liên, Chủ nhiệm CLB, kiêm cộng tác viên dân số khu Bình An, thị trấn Bình Liêu, cho biết: “Việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về MCBGTKS được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền định kỳ 3 tháng một lần, hằng tuần, các thành viên nòng cốt trong CLB đều sinh hoạt, gặp mặt để trao đổi các thông tin mới, những khó khăn phát sinh ở cơ sở, từ đó có biện pháp tuyên truyền kịp thời”.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân, hy vọng Quảng Ninh sẽ giảm được chênh lệch TSGTKS, đưa tỷ số này về mức tự nhiên, góp phần vào nâng cao chất lượng dân số của tỉnh và của cả nước.

Phạm Huyền

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...