Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh: Giải pháp can thiệp sớm bệnh, tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh

Thứ Sáu, 16/08/2019 07:11 AM (GMT+7)

 Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh là giải pháp quan trọng nhằm phát hiện, can thiệp sớm bệnh, tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh, giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh.

 Nhờ đó, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số. 

sang-loc-truoc-sinh

Cán bộ Trạm Y tế xã Đức Ninh (Hàm Yên) tuyên truyền cho người dân về lợi íchcủa sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh.

Sàng lọc trước sinh là hoạt động can thiệp đối với thai phụ thông qua các kỹ thuật siêu âm, xét nghiệm máu của thai phụ để chẩn đoán các dị tật bẩm sinh ở thai nhi như: Hội chứng Down, dị tật ống thần kinh, chẩn đoán di truyền tế bào, các rối loạn chuyển hóa… Sàng lọc sơ sinh là hoạt động can thiệp đối với trẻ sơ sinh bằng xét nghiệm máu gót chân sau 48 giờ và trước 72 giờ của trẻ sau sinh nhằm phát hiện các rối loạn bẩm sinh, di truyền ở trẻ sơ sinh như: Thiếu men G6PD, thiểu năng trí tuệ, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh... Mục đích của sàng lọc trước sinh là phát hiện sớm các thai dị tật, xử trí kịp thời hoặc tránh sinh ra những thai có dị tật, dị dạng không thể chữa trị. Còn sàng lọc sơ sinh là nhằm phát hiện sớm trẻ sơ sinh bị bệnh bẩm sinh để có can thiệp và điều trị kịp thời.

Theo bác sỹ Nguyễn Huy Phòng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai tại tỉnh ta từ năm 2013. Sau 6 năm triển khai, đề án đã đi vào hoạt động nền nếp với các hoạt động như: Đào tạo nâng cao kỹ năng thực hiện chuyên môn, kỹ thuật cho trên 1.500 cán bộ y sỹ sản nhi và Khoa Sản Trung tâm Y tế các huyện, cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên thôn, bản của 141/141 xã, phường, thị trấn về đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh; kỹ năng tuyên truyền tư vấn, các phương pháp lấy máu gót chân cho trẻ sơ sinh…; cung cấp test thử sàng lọc phát hiện bệnh bẩm sinh cho trẻ mới sinh tại các trạm y tế và Khoa Sản Trung tâm Y tế các huyện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đồng thời, đề án đã trang bị 4 máy siêu âm 2D cho các Trung tâm Y tế huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương và 1 máy siêu âm màu 3D cho huyện Chiêm Hóa. 

Ngoài ra, các cán bộ y tế tuyến huyện, xã, cộng tác viên dân số đã tuyên truyền, vận động lồng ghép trong các buổi sinh hoạt thôn, chi bộ; tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh huyện, xã, cấp phát tờ rơi tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Nhờ vậy, từ năm 2018 đến nay đã có 5.791 thai phụ sàng lọc trước sinh và 448 trẻ được sàng lọc sơ sinh. Qua đó, phát hiện hơn 100 trường hợp có dấu hiệu thai bất thường và 27 trẻ mắc bệnh suy giáp trạng bẩm sinh và thiếu men G6PD. 

Bác sỹ Phạm Thị Lan Hương, Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, phụ nữ mang thai có 3 thời điểm quan trọng để sàng lọc trước sinh là giai đoạn thai từ tuần thứ 11-13 làm các xét nghiệm Double Test giúp phát hiện sớm nguy cơ bệnh Down, dị tật ống thần kinh; tuần thứ 22 để xem toàn bộ hình thái thai nhi và tuần thứ 32 siêu âm phát hiện dị tật tim, não… Mỗi sản phụ sau khi sinh đều được các y, bác sỹ của khoa tư vấn, tuyên truyền về sàng lọc sơ sinh bằng việc lấy máu gót chân trẻ trong vòng 48 giờ sau khi sinh. Từ đó, tư vấn cho gia đình chọn hướng điều trị hoặc xử lý tốt nhất.

Chị Lưu Đài Trang, ở thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) đang mang thai tuần thứ 25 chia sẻ, khi đến khám thai tại Trung tâm Y tế huyện, chị được các cán bộ y tế tư vấn về chương trình sàng lọc trước sinh và sau sinh, giúp chị hiểu hơn về lợi ích và sự cần thiết của hoạt động này. Vì vậy, cứ đến mốc thai kỳ quan trọng chị đều đi khám sàng lọc và theo dõi sự phát triển của con. Chị cũng quyết định sẽ đăng ký sàng lọc sơ sinh để có thể loại trừ và kịp thời can thiệp, điều trị những bất thường nếu có. 

Trong thời gian tới, để Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh thực sự đi vào cuộc sống cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực của các cấp, các ngành, giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết của mình về công tác này. Đặc biệt, cần tăng cường xã hội hóa dịch vụ này để nhiều trẻ trước sinh và sơ sinh được sàng lọc hơn. Từ đó phát hiện sớm bệnh và hạn chế tối đa việc để lại di chứng bệnh tật ở trẻ, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.

Duyen

Cùng chuyên mục

Phân biệt Double test và Triplet test trong sàng lọc trước sinh

Double test và Triple test là hai loại xét nghiệm rất quan trọng cần thực hiện trong quá trình mang thai để sàng lọc...

Sàng lọc sơ sinh - chìa khóa vàng cho con một khởi đầu trọn vẹn

Dị tật bẩm sinh đang là nguyên nhân khiến hơn 1.700 trẻ sơ sinh tử vong (chiếm tỷ lệ 11%), khoảng 40.039 trẻ may...

Xét nghiệm sàng lọc sau sinh: có cần thiết hay không?

Để đảm bảo trẻ phát triển khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần, xét nghiệm sàng lọc sau sinh là vô cùng...