Sinh con ở tuổi vị thành niên - Thực trạng đáng báo động

Thứ Ba, 26/05/2020 12:24 PM (GMT+7)

Trẻ vị thành niên sinh con ngày càng tăng, thực trạng này không những ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của trẻ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dân số và xã hội.

vithanhnien

Ảnh minh họa.

Trong khi bạn bè đều cắp sách đến trường thì em H.L.A. (15 tuổi, trú tại Biên Hòa, Đồng Nai) phải nghỉ học giữa chừng để ổn định tâm lý, sức khỏe để sinh con. Cuộc sống của em trở nên bế tắc, phần vì bạn trai biến mất, phần vì không biết làm gì để nuôi con.

A. cho biết: Em quen người đàn ông hơn mình 16 tuổi trên mạng xã hội được khoảng 4 tháng. Qua mấy lần nói chuyện, hai người hẹn hò gặp nhau tại nhà của A. Những lần gặp nhau đó, 2 người đã gần gũi, thân mật với nhau. Hậu quả là A. có thai mà không hề hay biết. Đến khi mẹ của A. về thăm con, thấy con có những biểu hiện khác thường, bụng nhô to nên đưa em đi khám thì phát hiện em đã mang thai 28 tuần.

Khi biết A. có bầu và sinh con, bạn trai của A. đã bỏ trốn. Bên cạnh việc ổn định sức khỏe sau khi sinh mổ, A. phải điều trị thêm bệnh sùi mào gà do lây từ chính người bạn trai của mình. Làm mẹ khi tuổi còn quá nhỏ, lại không có kiến thức về chăm sóc con nên mọi công việc từ thay tã, uống sữa… đều do mẹ của A. làm thay.

Nữ hộ sinh Trần Thủy Tiên, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết: Khi tiếp nhận chăm sóc những "bà mẹ trẻ" như thế này, chị cảm thấy rất thương các em. Trong quá trình tiếp xúc, trò chuyện các em thường thu hẹp bản thân lại. Đáng thương hơn, có những em gái đến từ các cơ sở mái ấm không có người thân bên cạnh, nếu không có bạn bè trong mái ấm chăm sóc thì các em phải tự học cách tự chăm sóc bản thân lẫn đứa con thơ.

Theo thống kê từ Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, trong năm 2019, có 333 ca trẻ vị thành niên đến sinh/tổng số 11.535 ca sinh, chiếm 3%. Riêng từ đầu năm đến hết tháng 4, có 3.640 ca sinh, trong đó có 48 ca vị thành niên, chiếm 1,3%.

Trong khi đó, năm 2019,  toàn tỉnh Đồng Nai có 2.145 trẻ vị thành niên sinh con. 3 tháng đầu năm 2020, có 378 trẻ vị thành niên sinh con. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh, Trưởng Khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết: Việc mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên để lại hậu quả rất nghiêm trọng và kéo dài. Do khi mang thai, cơ thể trẻ chưa phát triển đầy đủ gây chèn ép cho bé, người mẹ trẻ có tâm lý sợ hãi và dễ xảy ra tình trạng sinh non, thai lưu và hội chứng thần kinh như tự kỷ, trầm cảm… Còn đứa bé do trẻ vị thành niên sinh ra bị nhẹ cân và có nguy cơ tự kỷ cao hơn so với những đứa trẻ được sinh ra từ người mẹ đã trưởng thành.

Bên cạnh đó, việc chăm sóc và nuôi dạy đứa bé không được đảm bảo, bởi người mẹ quá trẻ, chưa có kiến thức, kỹ năng và kinh tế. Việc học hành của các bà mẹ trẻ bị gián đoạn sẽ ảnh hưởng đến tương lai sau này.

ThS.BS Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết thêm: Việc sinh con ở tuổi vị thành niên để lại rất nhiều hệ lụy về sau cho trẻ. Vì trong quá trình quan hệ tình dục không an toàn, sẽ dẫn đến mắc nhiều căn bệnh như: giang mai, sùi mào gà, HIV, viêm gan B, nhiễm HPV có nguy cơ gây ra ung thư cổ tử cung, nhiễm virus gây vô sinh. Điển hình như trường hợp của em H.L.A., do không có sự hiểu biết và quan hệ tình dục không an toàn dẫn đến lây bệnh sùi mào gà từ bạn trai.

Hiện nay, xu hướng yêu và quan hệ tình dục ở lứa tuổi vị thành niên quá sớm, trong khi các kiến thức về sức khỏe sinh sản còn hạn chế dẫn tới việc mang thai, nạo phá thai và sinh con...

Theo ThS.BS Nguyễn Mạnh Hoan, nguyên nhân chung của tình trạng này là do sự thiếu hiểu biết về kiến thức sức khỏe sinh sản, lại thiếu sự quan tâm từ bố mẹ. Do đó, để hạn chế tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên, điều quan trọng là cần sự chia sẻ từ gia đình các bé. Bố mẹ không nên né tránh hay chờ khi con trưởng thành, có bạn trai mới nói mà nên tâm sự cùng trẻ khi trẻ còn nhỏ.

Phần lớn trẻ vị thành niên chưa có kiến thức về sự nguy hiểm của việc quan hệ tình dục không an toàn, một số trẻ hiểu nhưng chưa đúng, cứ nghĩ chỉ cần uống thuốc tránh thai là xong. Để hạn chế tình trạng này, cần có sự quan tâm từ nhiều phía, như gia đình, nhà trường và các ban ngành liên quan. Cần đẩy mạnh giáo dục tiền hôn nhân, các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản tại các trường học, hướng dẫn các biện pháp tránh thai phù hợp, hạn chế tình trạng nạo phá thai và ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục.

Theo VTV 

Trần Thị Hải Yến

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....