Sơn La: Cần giải pháp đồng bộ để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Chủ Nhật, 14/10/2018 08:04 AM (GMT+7)

Quan niệm phải có con trai để nối dõi tông đường khiến cho tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) ở Sơn La chênh lệch nghiêm trọng.

Quan niệm phải có con trai để nối dõi tông đường khiến cho tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) ở Sơn La chênh lệch nghiêm trọng. Theo số liệu mới nhất thì Sơn La là tỉnh có TSGTKS cao nhất cả nước với tỷ lệ 118/100.Vẫn là tâm lý cố sinh con trai để nối dõi tông đường

Anh Lò Văn Sơn - bản Chậu, phường Chiềng Cơi, TP Sơn La, dù đã ngấp nghé 40, nhưng chưa có con trai. Mà theo quan niệm người Thái, đàn ông, con trai mới là trụ cột gia đình. Nếu không có con trai thì nhà đó coi như “lép vế”. Gia đình lại có mình anh là con trai nên ngày nào ông bà cũng thúc giục vợ chồng anh “phải cố”. Trước sức ép của bố mẹ, anh em họ hàng, anh Sơn và vợ buộc lòng phải cố đẻ thêm một đứa nữa. Thật may mắn, lần này là một cậu con trai. Với anh, giờ đây có nhắm mắt xuôi tay cũng không còn phải tủi hổ với tổ tông, họ mạc.

son-la-copy-1539345277073394763505

Chính từ suy nghĩ của những người Thái như bố mẹ anh Sơn, mà nhiều năm qua, tỷ lệ giới tính khi sinh tại các địa phương trong tỉnh Sơn La bị chênh lệch nghiêm trọng. Năm 2017, huyện Bắc Yên là 134 trẻ nam/100 trẻ nữ; Mai Sơn 126/100, Mường La 117/100… Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) không chỉ xảy ra ở các xã vùng sâu, vùng xa mà ở thị trấn, thị tứ cũng khá phổ biến. Riêng Mai Sơn là huyện có TSGTKS cao so với các huyện khác trong tỉnh 126/100, tăng 6 điểm phần trăm so với năm 2016.

Qua rà soát cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng MCBGTKS là do quan niệm lạc hậu phải có con trai để nối dõi tông đường, để thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ; đàn ông mới là trụ cột gia đình. Vì vậy, nhiều gia đình đã lựa chọn giới tính trước sinh thông qua các dịch vụ, nhất là dịch vụ siêu âm. Ở vùng sâu, vùng xa, người dân không được tiếp cận với dịch vụ chẩn đoán giới tính thai nhi sớm thì dẫn đến tình trạng đẻ dày, đẻ nhiều để sinh được con trai.

Hiện nay, việc tiết lộ giới tính trước sinh tại các cơ sở siêu âm khá phổ biến. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hiện tượng MCBGTKS ở Sơn La, cũng như các địa phương khác trong cả nước. Hành vi này là vi phạm pháp luật, được quy định trong Pháp lệnh Dân số, do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2003 và Nghị định Chính phủ số 114, ban hành tháng 10 năm 2006.

Tại Sơn La, việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát các trung tâm y tế công lập, các phòng khám y tế tư nhân nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi lựa chọn giới tính trước sinh gặp nhiều khó khăn. Theo lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Sơn La, cho đến nay, các ngành chức năng vẫn chưa phát hiện và xử lý được một trường hợp vi phạm nào, việc kiểm tra mới chỉ mang tính hình thức, qua loa đại khái…

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Theo thống kê của Chi cục Dân số tỉnh Sơn La, trong 5 năm tới, Sơn La sẽ có khoảng 5.000 – 7.000 thanh niên “ế vợ”; trong 10 - 15 năm tiếp theo, con số “ế vợ” sẽ lên đến hàng chục nghìn người…

Những năm qua, những người làm công tác dân số ở tỉnh Sơn La đã nỗ lực hết mình, song việc kiểm soát TSGTKS ở tỉnh vẫn chỉ luẩn quẩn trong vòng nghịch lý “can thiệp sâu, giảm chậm”. Tại nhiều địa phương, mặc dù cán bộ dân số tuyên truyền vận động nhiều lần, nhiều cặp vợ chồng vẫn quyết định sinh bằng được bé trai, chấp nhận mọi hình thức xử phạt.

Theo nhiều cán bộ chức trách ở Sơn La, để kiểm soát tốt tình trạng MCBGTKS ở Sơn La, trước mắt, cần kiểm soát tốt việc các trung tâm y tế công lập, đặc biệt là các phòng khám y tế tư nhân chấp hành quy định của pháp luật về việc chẩn đoán, tiết lộ giới tính trước sinh. Bên cạnh đó, cần có những hình phạt thích đáng đối với các cơ sở siêu âm tiết lộ giới tính thai nhi trước khi sinh.Là địa phương đặc thù miền núi, trình độ nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, nhiều dân tộc thiểu số còn tồn tại những hủ tục lạc hậu, Sơn La xác định: Một trong những giải pháp trọng tâm vừa cấp bách, vừa lâu dài, là truyền thông, giáo dục thay đổi nhận thức, hành vi của người dân. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Mai Sơn cho biết: Để giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, việc quan trọng là làm thay đổi nhận thức của người dân về lĩnh vực này. Điều đó cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

14

Hiện nay, mạng lưới trên 3.600 cộng tác viên dân số tiếp tục được duy trì ở 100% số tổ, bản, tiểu khu trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, để kiểm soát được tình trạng MCBGTKS, từng bước đưa TSGTKS ở Sơn La về gần mức cân bằng tự nhiên, thì riêng ngành Dân số không thể làm được. Theo ông Nguyễn Đinh Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Sơn La: Thứ nhất, cần có sự phối hợp chỉ đạo của các cấp chính quyền cơ sở và phải tiến hành thường xuyên liên tục. Thứ hai, phải có sự đầu tư về con người, đó là biên chế cho thanh tra, dân số, y tế. Thứ 3, phải đầu tư về kinh phí để mua thiết bị truyền thông, phục vụ cho công tác truyền thông sinh động và đầy đủ.

MCBGTKS sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy xã hội nghiêm trọng, đe dọa đến sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước. Vì vậy, rất cần sự chung tay giải quyết của cả cộng đồng và toàn xã hội.

Phạm Huyền

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...