Sống tích cực tận hưởng tuổi già

Thứ Sáu, 01/11/2019 08:19 AM (GMT+7)

Nghiên cứu của Đại học Yale công bố trên tạp chí PLoS One năm 2018 chứng minh những người lớn tuổi có cái nhìn tích cực với sự lão hóa có ít nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, ngay cả với những người bị di truyền với tình trạng này.

tuoi-gia

Ở tuổi 61, Richard Au Lup Gay chưa có ý định nghỉ ngơi, hào hứng thử thách mình với thể thao, những chuyến du lịch.  

Richard chia sẻ mình không sợ già mà rất hào hứng trải nghiệm nó - những năm tháng ông cho là tươi đẹp nhất cuộc đời. Ông dự định tiếp tục đi du lịch, tận hưởng khoảng thời gian tốt đẹp với các con, anh chị em trong gia đình. 

"Tôi thích thử thách bản thân, học hỏi điều mới mẻ. Tôi tự nhủ phải sống hết mình mỗi ngày, điều đó khiến tôi được là chính mình", ông nói.  

Hàng tuần, ông đều đặn nâng tạ tại phòng gym, chạy bộ, chơi tennis, chơi golf với bạn bè. Ông không ăn kiêng, nhưng luôn dừng mọi hoạt động ăn uống sau 5h chiều. Tình trạng sức khỏe của Richard tốt hơn so với những người đàn ông cùng tuổi.

"Các bạn có thể thấy tôi khỏe mạnh, nhưng sức khỏe bố tôi còn tốt hơn tôi. Ông ấy vẫn đều đặn vận động mỗi ngày, minh mẫn và có một thân hình tuyệt vời dù đã 90 tuổi", Richard chia sẻ.

Khi nhắc đến tuổi già, nhiều người nghĩ đến hình ảnh một người thiếu sức sống, sức khỏe tinh thần, thể chất suy giảm, cơ hội nghề nghiệp và xã hội hạn chế, cô đơn, mất phương hướng. Song, cả Richard và bố của ông, cùng nhiều người khác cùng độ tuổi đang chứng minh suy nghĩ này là sai. Họ sống một cuộc sống khỏe mạnh, vui vẻ, ý nghĩa và vẫn giữ vai trò tích cực trong xã hội.

Nhờ những tiến bộ về sức khỏe cộng đồng, hơn bao giờ hết, tuổi thọ con người đang tăng lên. Năm 2018, lần đầu tiên dân số thế giới có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thấp hơn số người già từ 65 tuổi trở lên. Theo dữ liệu từ Triển vọng Dân số Thế giới của Liên Hợp Quốc (UN) bản sửa đổi năm 2019, đến năm 2050, cứ 6 người sẽ có một người sống trên 65 tuổi.

Ông Richard duy trì sở thích chơi golf hàng tuần. Ảnh: SCMPTiến sĩ Annabelle Chow, nhà tâm lý học lâm sàng tại Viện Tâm lý học Annabelle, Singapore, cho rằng lão hóa là quá trình tự nhiên, không ai tránh khỏi hay có thể kiểm soát. Song, nếu thay đổi hướng tư duy, ta có thể biến độ tuổi "xế chiều' trở nên ý nghĩa.

Theo bà Annabelle, tuổi già có nhiều điều tuyệt vời đáng mong đợi. Quỹ thời gian của người đã nghỉ hưu khá nhiều, họ có thể bắt đầu một sở thích mới, học những kỹ năng mới. Càng già đi, trải nghiệm và quan điểm sống càng dày lên, sâu sắc hơn. Đó là một lợi thế của quá trình lão hóa. 

Tất nhiên, quá trình này mang lại những khó khăn nhất định về mặt cảm xúc. Nhiều người già thấy mình lạc lõng, buồn bã, cô đơn vì không còn ngày ngày đi làm như trước, con cái dần lập gia đình ít có thời trò chuyện, chăm sóc bố mẹ. Cũng có thể là cảm giác tiếc nuối, hối hận vì không cố gắng hết sức trong sự nghiệp, chưa hoàn thành tốt trách nhiệm của người vợ/ chồng, mẹ/cha. Cơ thể yếu, chậm chạp, hay quên hơn cũng khiến nhiều người cảm thấy bất lực. 

Bà Annabelle khuyên mọi người nên lắng nghe, chấp nhận những cảm xúc này. "Đây là tâm lý tự nhiên hầu hết người già đều trải qua, vì vậy nên lắng nghe, chấp nhận thay vì quá nặng nề với chúng. Làm được như vậy, bạn sẽ có thể tận hưởng tuổi già mỗi ngày".

Theo Australian Psychological Society, càng suy nghĩ tích cực bao nhiêu, quá trình lão hóa càng diễn ra nhẹ nhàng, vui vẻ hơn bấy nhiêu. Tập luyện vận động, giao lưu thường xuyên, cùng thái độ lạc quan, sống trọn mỗi ngày là chìa khóa đẩy lùi các bệnh tuổi già, tăng chất lượng cuộc sống.

Nghiên cứu của Đại học Yale công bố trên tạp chí PLoS One năm 2018 chứng minh những người lớn tuổi có cái nhìn tích cực với sự lão hóa có ít nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, ngay cả với những người bị di truyền với tình trạng này.

Kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Becca Levy công bố năm 2002 trên Personality and Social Psychology, suy nghĩ tích cực về lão hóa có thể giúp một người sống thọ thêm 7,5 năm - nhiều hơn tập thể dục, duy trì cân nặng khỏe mạnh và không hút thuốc.

 Charles Levy 55 tuổi, bạn của ông Richard vẫn duy trì thói quen tập luyện từ khi còn trẻ. Năm buổi sáng một tuần, ông đi bộ hoặc chạy bộ, sau đó tới phòng gym tập tạ, vươn xà để cải thiện cơ bắp. "Sức khỏe thế chất của bạn tốt bao nhiêu, tinh thần bạn sảng khoái, cân bằng bấy nhiêu. Nhờ thế, bạn có thể đón nhận tuổi già và tận hưởng nó một cách vui vẻ. Tôi không sợ già", ông Charles chia sẻ. "Đến tuổi này tôi mới nhận ra việc rèn luyện thường xuyên ảnh hưởng tích cực như thế nào tới mọi khía cạnh cuộc sống".

Ông Richard đồng ý với quan điểm của bạn mình. Ông cho biết đã học cách buông bỏ những sai lầm trong quá khứ, cũng không giận dữ với người khác. "Tôi không đặt ra giới hạn cho mình. Tôi tin mình vẫn có thể làm được mọi thứ ở tuổi 61", ông nói.

Duyen

Cùng chuyên mục

Những lưu ý cho người cao tuổi khi tập thể dục dưới trời lạnh

Việc tập thể dục vào mùa lạnh là cần thiết với người cao tuổi. Tuy nhiên cần xem xét một số yếu tố như...

Để người cao tuổi sống vui, khỏe sau khi nghỉ hưu

Khi đến tuổi nghỉ hưu cũng là giai đoạn mới trong cuộc sống, người cao tuổi có nhiều vấn đề cần phải quan...

Tải về

Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi

Sự lão hóa của các cơ quan khi tuổi già đến, đặc biệt, sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở...

Hiện tượng hạ thân nhiệt cơ thể ở người cao tuổi

Hạ thân nhiệt là tình trạng thường gặp vào mùa đông nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ảnh...