Sự thật thông tin Vitamin C diệt trừ virus Corona

Thứ Bảy, 01/02/2020 01:51 PM (GMT+7)

Bổ sung vitamin C không có tác dụng phòng bệnh viêm phổi cấp do nCoV nhưng góp phần tăng cường miễn dịch cho cơ thể.

viem-phoi-corona

"Có thông tin khuyến cáo uống nhiều vitamin C để phòng bệnh viêm phổi cấp do chủng virus mới thuộc họ corona (nCoV) gây ra. Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy bổ sung virtamin C có thể dự phòng bệnh này", Tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam nói ngày 1/2.

Dịch viêm phổi cấp khởi phát tại Vũ Hán từ cuối năm 2019, tính đến ngày 1/2 đã lan ra toàn bộ 31 tỉnh thành Trung Quốc và khiến 259 người nước này thiệt mạng. Ngoài Trung Quốc, 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới công bố phát hiện bệnh nhân dương tính với nCoV. Người dân đang truyền nhau nhiều thông tin về cách phòng chữa bệnh chỉ do suy đoán hoặc kinh nghiệm. 

Cùng với nhiều vitamin và khoáng chất khác, vitamin C rất cần thiết cho sức khỏe. Vitamin C có tên khoa học là axit ascorbic, tham gia vào quá trình tạo kẹo (hình thành collagen), tổng hợp Carnitine trong chuyển hóa năng lượng cơ thể và tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh, hoạt hóa hormone.

Có thể bổ sung vitamin C bằng cách tăng cường ăn các loại quả hoặc sử dụng thực phẩm chức năng. Ảnh: Lovetoknow.Bác sĩ Trương Hồng Sơn cho biết vitamin C là chất chống oxy hóa giúp khử độc, hấp thu và sử dụng sắt, canxi và axit folic. Ngoài ra, vitamin C còn chống dị ứng, tăng chức năng miễn dịch, kích thích tạo dịch mật và giải phóng các hormone steroid. Do vitamin C cần thiết trong quá trình giải độc của cơ thể, người dân nên nạp đầy đủ hàng ngày, đặc biệt là khi bị bệnh.

Lượng vitamin C cần bổ sung với trẻ dưới 5 tuổi là 35-40 mg/ngày, trẻ từ 6-15 tuổi là 50-90 mg/ngày và người từ 15 tuổi trở lên là 100 mg/ngày. Ngoài dạng viên nén, vitamin C dạng sủi được nhiều người sử dụng vì có bọt khí tạo cảm giác sảng khoái khi uống. Tuy nhiên vitamin C tổng hợp không thể thay thế nguồn cung từ rau xanh và trái cây.

Tự ý bổ sung vitamin C không có chỉ định của bác sĩ ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, ví dụ dùng hàm lượng lớn thường xuyên và kéo dài (1.000 mg/ngày) tăng nguy cơ mắc sỏi thận. Uống vitamin C dạng sủi liều cao lúc đói có nguy cơ gây viêm loét dạ dày, đồng thời các tạp chất có thể ảnh hưởng tới sức khỏe. 

Người khỏe mạnh nên tận dụng vitamin C từ rau quả bởi đây là cách phù hợp nhất với nhu cầu của cơ thể, không cần bổ sung từ thuốc. Ngoài ra, rau cung cấp các chất khoáng có tính kiềm như kali, canxi, magie. Các quả như cam, quýt, chanh, xoài, đu đủ, cà chua và nhãn cũng rất giàu vitamin C.

Trong trường hợp cơ thể tiêu hóa và hấp thu kém, người dùng có thể sử dụng vitamin C dạng nén, dạng sủi hay thực phẩm chức năng nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Bác sĩ Trương Hồng Sơn khuyến cáo không nên nhai mà cần dùng nước để uống vitamin C dạng viên nén do nhai thuốc khiến miệng sinh ra dịch có tính axit gây hỏng men răng.

Trần Thanh Tùng

Cùng chuyên mục

Ăn đậu phụ có làm giảm ham muốn tình dục ở nam giới

Đậu phụ là một nguồn thực phẩm phong phú về dinh dưỡng, chứa nhiều protein, canxi, sắt… Vậy ăn đậu phụ...

Quan niệm sai lầm về đặt vòng tránh thai

Nếu đang tìm kiếm một biện pháp bảo vệ an toàn, thuận tiện và lâu dài để tránh mang thai, thì vòng tránh thai có...

Nam giới có thể dùng thuốc tránh thai dành cho nữ giới không?

Thuốc tránh thai của nữ thường chứa các hormone estrogen và progestin, có tác dụng ngăn chặn sự rụng trứng và...

Kết hợp thuốc tránh thai hằng ngày và thuốc tránh thai khẩn cấp để tăng hiệu quả tránh thai?

Nhiều người đang sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày, nhưng sau khi phát sinh quan hệ tình dục, để yên tâm hơn lại...