Sức ép dân số già ở Nhật Bản

Thứ Năm, 24/09/2020 01:33 PM (GMT+7)

Số người cao tuổi gia tăng đang tạo sức ép lớn cho Nhật Bản trong việc giải quyết bài toán già hóa dân số vốn là “cơn đau đầu” của quốc gia Đông Bắc Á này trong những năm qua.

Hãng tin Kyodo dẫn thông báo mới đây của Chính phủ Nhật Bản cho biết, tính đến tháng 9 này, số người từ 65 tuổi trở lên ở xứ sở mặt trời mọc đạt mức cao kỷ lục, 36,17 triệu, tăng 300.000 người so với cùng thời điểm năm ngoái. Còn theo số liệu của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, người cao tuổi hiện chiếm 28,7% tổng dân số nước này, tăng 0,3% so với năm ngoái. Trong số người trên 65 tuổi, có 15,73 triệu người là nam giới và 20,44 triệu người là nữ giới. Bộ này nhấn mạnh, tỷ lệ người cao tuổi trên tổng dân số của Nhật Bản đang ở mức cao nhất thế giới. Viện nghiên cứu Dân số và An sinh xã hội quốc gia Nhật Bản dự báo, đến năm 2040, số người cao tuổi ở nước này có thể chiếm tới 35,3% tổng dân số cả nước.

dan so gia (1)

Người già ở Nhật Bản tập thể dục với tạ gỗ. Ảnh: Reuters

Già hóa dân số không phải là vấn đề mới mẻ tại xứ sở mặt trời mọc. Tuy nhiên, những số liệu trên cho thấy, Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số ngày càng trầm trọng do tuổi thọ trung bình của người dân tăng cao cùng tỷ lệ sinh suy giảm. Dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản hồi tháng 7 vừa qua chỉ ra rằng, trung bình một người phụ nữ ở nước này sống tới 87,45 năm, còn tuổi thọ trung bình của đàn ông Nhật là 81,41 tuổi. Gần đây, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, số người từ 100 tuổi trở lên ở xứ sở mặt trời mọc đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 80.000 người kể từ khi nước này bắt đầu thống kê vào năm 1963. Các chuyên gia về sức khỏe nhận định, người Nhật Bản tuổi thọ cao là do họ có chế độ ăn uống lành mạnh, chăm luyện tập thể dục-thể thao cùng môi trường sống trong lành. Tuy nhiên, trong khi tuổi thọ của người dân ngày càng tăng, Nhật Bản phải chứng kiến tỷ lệ sinh giảm mạnh. Kết quả điều tra của Bộ Nội vụ Nhật Bản cho thấy số trẻ em nước này sinh ra trong năm 2019 là 866.908 trẻ. Đây là mức thấp nhất và là lần đầu tiên trong lịch sử thống kê, số trẻ em sinh ra ở Nhật Bản giảm xuống dưới mức 900.000 trẻ. Sự chênh lệch giữa tuổi thọ cao và tỷ lệ sinh thấp khiến cho cơ cấu dân số ở Nhật Bản mất cân bằng.

Tốc độ già hóa nhanh chóng khiến Nhật Bản rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Để tháo gỡ vấn đề nan giải này, Tokyo đang coi nâng tuổi nghỉ hưu là một trong những giải pháp tối ưu. Chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự luật kêu gọi các doanh nghiệp cho phép người lao động làm việc đến 70 tuổi. Dự luật này có hiệu lực từ tháng 4-2021. Ngoài ra, thu hút lao động nước ngoài cũng là một biện pháp giúp Nhật Bản giải quyết tình trạng khan hiếm lao động ở một số ngành nghề cần nhiều sức khỏe mà người cao tuổi không đáp ứng được.

Bên cạnh việc ứng phó với thách thức thiếu hụt lao động, trước sức ép từ dân số già, Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy tăng tỷ lệ sinh đẻ tại nước này thông qua chương trình trợ cấp để khuyến khích giới trẻ ở Nhật Bản kết hôn và sinh con. Từ tháng 4-2021, các cặp đôi mới cưới ở Nhật Bản có thể được nhận khoản trợ cấp lên tới 600.000 yên (5.700USD) để trang trải tiền thuê nhà và các chi phí khác khi bắt đầu cuộc sống mới. Điều kiện để nhận trợ cấp là cả chồng và vợ đều dưới 40 tuổi tại thời điểm đăng ký kết hôn và có tổng thu nhập dưới 5,4 triệu yên. Theo khảo sát do Viện nghiên cứu Dân số và An sinh xã hội quốc gia Nhật Bản thực hiện, 17,8% phụ nữ và 29,1% nam giới Nhật Bản độc thân từ 25 đến 34 tuổi cho biết lý do họ chưa kết hôn là vì tài chính. Trong khi đó, tài chính cũng là trở ngại lớn nhất khiến các cặp vợ chồng ngại sinh con dù Chính phủ Nhật Bản đã miễn học phí đối với giáo dục mầm non từ năm 2019. "Tài chính chắc chắn là một mối bận tâm hàng đầu đối với các cặp vợ chồng. Nhiều cặp vợ chồng dừng lại sau khi có một đứa con vì họ không đủ khả năng nuôi thêm một đứa nữa", cô Emiko ở thị trấn Nozawa Onsen, tỉnh Nagano của Nhật Bản cho biết.

Trên thực tế, nỗ lực ứng phó với tình trạng già hóa dân số của Nhật Bản đang gặp rào cản lớn do diễn biến của đại dịch Covid-19. Theo tiến sĩ Hideo Kumano của Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, đại dịch Covid-19 gây thêm trở ngại cho các nhà hoạch định chính sách trong việc khuyến khích người dân xây dựng gia đình. Ông Hideo Kumano nhận xét: "Việc khả năng tài chính bị hạn chế do mất việc làm sẽ khiến gia tăng số lượng người trẻ tuổi tránh kết hôn và sinh con trong thời gian tới".

Theo QĐND

Trần Thanh Tùng

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...