Tác động của Covid-19 đối với người cao tuổi và những vấn đề đặt ra

Thứ Năm, 09/07/2020 11:47 AM (GMT+7)

Tại Việt Nam, mặc dù nhanh chóng được kiểm soát với 328 người nhiễm tính đến ngày 1/6/2020, đại dịch Covid-19 đã mang lại những tác động không nhỏ đến người cao tuổi (NCT) cả về kinh tế, sức khỏe và xã hội.

Được phát hiện lần đầu tiên tại Trung Quốc vào tháng 12/2019, chỉ trong một thời gian ngắn, đại dịch Covid-19 đã quét qua hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tính đến ngày 1/6/2020, dịch xuất hiện tại 215 quốc gia/vùng lãnh thổ với hơn 6,2 triệu ca nhiễm và hơn 370 nghìn người đã tử vong. Với tốc độ lây lan chóng mặt, đại dịch đã và đang gây ra những hậu quả hết sức nặng nề cho các nhóm đối tượng trong xã hội. Theo đó, người cao tuổi được xác định là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương do đại dịch Covid-19. Tại Việt Nam, mặc dù nhanh chóng được kiểm soát với 328 người nhiễm tính đến ngày 1/6/2020, đại dịch đã mang lại những tác động không nhỏ đến NCT cả về kinh tế, sức khỏe và xã hội.

Theo điều tra nhanh của tổ chức Hỗ trợ NCT quốc tế thực hiện đầu tháng 4/2020, kinh tế là điều NCT lo lắng nhiều nhất trong bối cảnh dịch bệnh. Số NCT sống trong hộ nghèo chiếm đến 25.18% (Tổng cục thống kê, 2018) và chỉ có khoảng 27% NCT có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 2019). Chỉ 15% NCT được hưởng trợ cấp xã hội (Bộ LĐTBXH, 2019). 60% người trong độ tuổi 60-69 vẫn đang tiếp tục lao động kiếm sống. Phần lớn họ làm việc trong lĩnh vực phi chính thức, mở hàng quán nhỏ lẻ, buôn bán ở chợ gần nhà, làm các công việc bán thời gian… Giãn cách xã hội và việc đóng cửa các hàng quán ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động cao tuổi. Bên cạnh đó, nhiều NCT phải hy sinh thời gian cá nhân để làm các công việc trong gia đình như chăm cháu nhỏ do các cháu nghỉ học ở nhà.

Nhìn từ góc độ kinh tế, người cao tuổi có thể chỉ là một trong số rất nhiều đối tượng trong xã hội chịu tác động từ đại dịch. Thế nhưng, khi xét đến khía cạnh sức khỏe, người cao tuổi lại là đối tượng dễ tổn thương hơn cả. Nhiều chuyên gia cho rằng người cao tuổi là nhóm người có nguy cơ cao nhiễm virus Sars-Cov-2. Các con số thực tế về tình hình dịch bệnh trên thế giới cũng cho thấy tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở người cao tuổi là rất cao so với các nhóm bệnh nhân khác.

Vào thời điểm dịch bệnh bùng phát , nhiều NCT không chỉ lo lắng cho chính mình mà còn cảm thấy bất an khi nghĩ đến người thân, đặc biệt là những gia đình có con cháu đang lao động, học tập ở địa phương khác trong nước hoặc ở nước ngoài. Người thì không có điều kiện kinh tế cho con cháu trở về, người thì băn khoăn, lo sợ con cháu có thể bị lây nhiễm bệnh trên đường về. Việc theo dõi tin tức tình hình dịch bệnh hàng ngày, thậm chí hàng giờ có thể làm cho vấn đề sức khỏe tinh thần trở nên nghiêm trọng hơn, tâm trạng thường xuyên lo lắng, căng thẳng.

Không phải NCT nào cũng có điều kiện sống trong một ngôi nhà với đầy đủ tiện nghi và sự thoải mái. Các kênh thông tin liên lạc của NCT cũng hạn chế hơn so với lớp trẻ, tùy thuộc vào việc có thiết bị và khả năng sử dụng công nghệ thông tin. Điều đó dẫn đến nhiều NCT, nhất là những NCT sống một mình, bị mất đi hoặc giảm thiểu sự hỗ trợ tinh thần từ người thân, bạn bè và hàng xóm láng giềng trong thời gian cách ly xã hội.Trong lúc tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đã có một số đối tượng xấu tung tin sai sự thật về dịch bệnh làm cho không ít người dân hoang mang, đặc biệt là những người cao tuổi không có điều kiện sử dụng điện thoại thông minh, tiếp cận internet, không biết chữ, hay khiếm khuyết về khả năng nghe, nhìn. Nhóm người cao tuổi này gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin sớm và đầy đủ về dịch bệnh để có thể tự chăm sóc, bảo vệ bản thân hay thực hiện theo đúng yêu cầu của chính quyền.

Mặc dù là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương bởi đại dịch, nhưng NCT cũng là nguồn lực tại chỗ đã và đang tích cực chung tay phòng chống dịch. Hình ảnh những nhân viên y tế đã về hưu vẫn sẵn sàng đăng ký tình nguyện tham gia phòng chống dịch, hay những NCT bất kể ngày đêm đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền về tình hình về dịch bệnh, các thành viên trực trạm kiểm dịch đã 70, 80 tuổi hay những cụ ông, cụ bà không ngần ngại trao những khoản đóng góp, ủng hộ cho Nhà nước chống dịch chắc hẳn đã để lại ấn tượng sâu sắc và sự ngưỡng mộ, kính phục của không ít người thuộc thế hệ trẻ tuổi hơn.

Nhận thức được những khó khăn mà NCT có thể gặp phải trong đại dịch, Việt Nam đã triển khai thực hiện hàng loạt các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ NCT vượt qua khủng hoảng. NCT được chi trả lương hưu và trợ cấp xã hội tại nhà. Các tổ chức quốc tế và cơ quan y tế nhà nước liên tục đăng tải, cập nhật các thông tin khuyến cáo chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi.

Nhờ có sự chung tay góp sức của các tổ chức đoàn thể và toàn cộng đồng, nhiều hỗ trợ về vật chất và tinh thần đã được gửi tới người cao tuổi. Đặc biệt, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành ngày 24/4/2020 đang từng bước đến tay người dân, trong đó, không ít NCT là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia được nhận khoản hỗ trợ này.

Chính phủ và người dân Việt Nam đã đồng lòng và nỗ lực hết sức để không ai bị bỏ lại phía sau. Thành công bước đầu trong công tác phòng, chống dịch đã cho thấy hiệu quả thiết thực của những biện pháp nói trên. Tuy nhiên, chặng đường mà chúng ta đi vẫn chưa dừng lại. Việt Nam vẫn cần nghiên cứu đề ra các chính sách, biện pháp hỗ trợ phù hợp với NCT, trước hết để vượt qua khó khăn đang hiện hữu, sau đó là để vượt qua các tác động lâu dài của đại dịch. Nhìn ra thế giới, NCT không chỉ dễ bị lây nhiễm bệnh, gặp khó khăn về kinh tế mà còn phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại, bạo lực gia đình, bị kỳ thị, bỏ rơi. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của NCT.

Nhìn lại những ngày qua, không thể phủ nhận vai trò và sự tham gia tích cực của NCT trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Việt Nam hiện đang có gần 11,5 triệu người cao tuổi, tương đương 12% dân số. Với tốc độ già hóa dân số nhanh, việc thu hút các nguồn lực tham gia chăm lo đời sống của NCT, bảo đảm an sinh xã hội càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Giãn cách xã hội đã được nới lỏng, cuộc sống của người dân đang dần trở lại nhịp sinh hoạt thường nhật. Tuy nhiên, Việt Nam cần có chiến lược lâu dài dành cho người cao tuổi để có thể ứng phó một cách toàn diện với các thiên tai, khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai, đảm bảo nhu cầu, mong muốn và tiếng nói của người cao tuổi được đưa vào kế hoạch ứng phó, để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển của đất nước.

Phóng sự được thực hiện bởi Trung tâm Tư vấn và Cung ứng dịch vụ với sự tài trợ của Age International thông qua HelpAge International cùng sự hợp tác của Hội Người cao tuổi Việt Nam, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam và Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế.

Trần Thanh Tùng

Cùng chuyên mục

Những lưu ý cho người cao tuổi khi tập thể dục dưới trời lạnh

Việc tập thể dục vào mùa lạnh là cần thiết với người cao tuổi. Tuy nhiên cần xem xét một số yếu tố như...

Để người cao tuổi sống vui, khỏe sau khi nghỉ hưu

Khi đến tuổi nghỉ hưu cũng là giai đoạn mới trong cuộc sống, người cao tuổi có nhiều vấn đề cần phải quan...

Tải về

Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi

Sự lão hóa của các cơ quan khi tuổi già đến, đặc biệt, sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở...

Hiện tượng hạ thân nhiệt cơ thể ở người cao tuổi

Hạ thân nhiệt là tình trạng thường gặp vào mùa đông nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ảnh...