Tại sao người cao tuổi lại hay gặp phải những vấn đề liên quan đến suy giảm trí nhớ?

Thứ Ba, 14/05/2019 08:12 AM (GMT+7)

Suy giảm trí nhớ là một hiện tượng phổ biến ở người cao tuổi, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sống. Dưới đây là những loại thực phẩm giúp tăng cường trí nhớ cho người cao tuổi.

nguoi-cao-tuoi

Từ sau tuổi 25, mỗi ngày có khoảng 3.000 nơron thần kinh bị hủy mà không có sự sinh sản thêm. Càng lớn tuổi, cơ thể ít tạo ra các chất trung gian cần thiết cho não hoạt động, gây giảm trí nhớ do tuổi tác.

Suy giảm trí nhớ là một hiện tượng phổ biến ở người cao tuổi, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sống. Biểu hiện của chứng giảm trí nhớ tùy từng người, từng mức độ. Có thể là hiện tượng hay quên đơn thuần do tuổi tác nhưng cũng có thể là biểu hiện của sa sút trí tuệ do bệnh lý thoái hóa não tiến triển, dẫn đến mất trí nhớ.

Tại sao người cao tuổi lại hay gặp phải những vấn đề liên quan đến suy giảm trí nhớ?

Trí nhớ được hiểu là sự ghi lại, giữ lại và làm tái hiện lại trong đầu tất cả những gì cá nhân đã thu được trong hoạt động sống của mình. Trí nhớ là một quá trình bao gồm các giai đoạn tuần tự, nối tiếp nhau là sự ghi nhớ, sự tái hiện và sự hồi tưởng.

Ở những người trẻ khi xảy ra hiện tượng quên có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như do quá trình ghi nhớ không tập trung, do các quy luật ức chế của hoạt động thần kinh, do sự việc diễn ra không có ý nghĩa với cá nhân họ.

Tuy nhiên ở người cao tuổi, thường xảy ra hiện tượng có thể có những việc mà họ rất quan tâm, rất muốn nhớ và đã cố để nhớ nhưng vẫn “quên”, bởi sự “quên” ở người già diễn ra theo một cơ chế khác người trẻ.

Thông thường quá trình phát triển của hệ thần kinh bắt đầu từ khi phôi thai, đến năm 25 tuổi thì hoàn chỉnh. Tuy nhiên trong quá trình phát triển cho đến cuối đời mỗi ngày có tới 3.000 tế bào thần kinh bị hủy đi. Thêm vào đó, con người càng nhiều tuổi thì các chức năng chung của tế bào thần kinh càng bị suy giảm, sự lão hóa các tế bào thần kinh diễn ra ngày càng nhanh, lưu lượng máu đẩy lên nuôi các tế bào thần kinh cũng chậm hơn dẫn tới rối loạn các phản xạ, nhất là các phản xạ có điều kiện qua các hoạt động tâm lý như chậm chạp, lúc quên lúc nhớ. Như vậy suy giảm trí nhớ là tiến triển tự nhiên, mang tính quy luật trong quá trình lão hóa mà đa phần người cao tuổi sẽ gặp phải.

Tuy nhiên ở mỗi người cao tuổi, sự suy giảm trí nhớ có thể có những biểu hiện không giống nhau. Có người “nhớ như in”, “kể vanh vách” những câu chuyện, sự kiện từ xa xưa nhưng lại không thể nhớ hôm qua mình đã làm gì hay ăn gì. Có người tả được tỉ mỉ phong cảnh những nơi mình từng đến nhưng lại tỏ ra “bối rối” khi phải bắt tay vào làm một việc gì đó cần những thao tác cụ thể. Hoặc có người bị mất khả năng tư duy logic dẫn đến việc khó diễn đạt được ý muốn nói hoặc sắp xếp từ ngữ lộn xộn khi nói…

Xảy ra hiện tượng như vậy là bởi trí nhớ của con người được hình thành trong hoạt động sống, bao gồm nhiều loại trí nhớ khác nhau: có trí nhớ vận động, trí nhớ xúc cảm, trí nhớ hình ảnh, trí nhớ từ ngữ - logic, trí nhớ thao tác… Ở mỗi cá nhân, do nhiều yếu tố khác nhau tác động mà khi về già, mỗi người có một chiều hướng suy giảm trí nhớ không giống nhau.

Phòng ngừa tình trạng suy giảm trí nhớ

Suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi là hiện tượng tự nhiên mang tính quy luật nên cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên có thể phòng ngừa và cải thiện được hiện tượng suy giảm trí nhớ nhờ vào luyện tập và chế độ ăn uống hợp lý.

Một đời sống tinh thần lành mạnh, không stress, phương pháp luyện tập khoa học kết hợp chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp ngăn chặn những tác nhân ảnh hưởng đến trí nhớ. Cụ thể, trong đời sống hàng ngày, người cao tuổi cần quan tâm đến các vấn đề sau:

Thứ nhất, cần tự theo dõi sức khỏe, thực hiện đầy đủ việc khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện và điều trị sớm các chứng bệnh: vữa xơ động mạch, cao huyết áp, tiểu đường, tăng mỡ trong máu...

Thứ hai, rèn luyện trí óc thường xuyên. Rèn luyện trí óc ở người cao tuổi có thể dưới nhiều hình thức như đọc sách báo, tổng hợp thông tin; tích cực khám phá cuộc sống trong khả năng có thể; chơi các trò chơi tư duy như cờ tướng, cờ vua hoặc đơn giản hơn là thường xuyên chơi, dạy các cháu nhỏ trong nhà… Đây là những hình thức rất tốt giúp não được hoạt động thường xuyên giảm được quá trình suy giảm trí nhớ.

Thứ ba, rèn luyện thân thể giúp có một thể lực dẻo dai, một tinh thần minh mẫn. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy thể dục thể thao làm giảm nguy cơ một số bệnh lý về tim mạch như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, bệnh khớp, loãng xương... Tùy theo từng thể trạng mà người cao tuổi nên chọn hình thức tập luyện phù hợp như chạy bộ, bơi lội, các môn thể thao nhẹ, đi xe đạp, tập dưỡng sinh, yoga…

Thứ tư, cần một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý để ngăn ngừa bệnh tật, giảm thiểu tình trạng lão hóa. Thực phẩm có lợi cho não người cao tuổi nên sử dụng gồm các thực phẩm giàu choline (có nhiều trong cá, trứng, gan, đậu nành và các loại đậu khác); các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là các vitamin nhóm B, vitamin E, các khoáng chất như kẽm. Vitamin có nhiều trong hoa quả và rau xanh, kẽm có nhiều trong hải sản, đặc biệt là con hàu.

Thực phẩm giúp tăng cường trí nhớ cho người cao tuổi

Các loại cá: cá trích, cá basa, cá hồi, cá thu… giàu omega 3, cholin là thành phần thiết yếu cấu tạo màng tế bào thần kinh giúp cải thiện khả năng ghi nhớ của não bộ. Cá còn là nguồn cung cấp vitamin B12 hỗ trợ quá trình tạo máu, đảm bảo khả năng tưới máu não. Nên ăn ít nhất 3 lần cá/tuần.

Trứng: nguồn cung cấp protein có giá trị sinh học cao, lòng đỏ trứng cũng là nguồn cung cấp choline, giúp duy trì việc ghi nhận, lưu trữ và truyền tải thông tin tại não. Tuy nhiên, trứng chứa nhiều cholesterol không tốt cho sức khỏe tim mạch người cao tuổi, do đó chỉ nên dùng 2-3 quả trứng mỗi tuần.

Đậu nành: cung cấp protein có giá trị sinh học cao với 8 loại axit amin và các vitamin A, E, B12, kẽm, cholin… tốt cho tim mạch, hệ tiêu hóa, ngăn ngừa lão hóa tế bào não.

Dầu thực vật: chứa nhiều vitamin E, là chất chống oxy hóa có tác dụng phá hủy chuỗi họat động của gốc tự do một cách hiệu quả, ngăn cản oxy hóa xảy ra ở màng tế bào não, nên sử dụng dầu trong chế biến thức ăn, hạn chế mỡ.

Các loại hạt: hạnh nhân, óc chó, hạt điều, đậu phộng… là nguồn cung cấp chất béo, chất xơ và protein tốt cho sức khỏe, chứa nhiều vitamin và khoáng chất như magiê, vitamin E chống oxy hóa hiệu quả, ngăn ngừa bệnh tim mạch, ung thư và chứng giảm trí nhớ, nên ăn 10-20g hạt mỗi ngày.

Rau quả màu đỏ, cam: cà rốt, bí đỏ, đu đủ chín, xoài chín,... giàu beta carotene là chất chống oxy hóa hiệu quả, giúp sáng mắt, tăng cường miễn dịch, tăng cường trí nhớ.

Rau xanh: rau màu xanh đậm như cải thìa, rau muống, rau ngót, rau lang, rau dền, bông cải xanh... chứa nhiều vitamin, khoáng chất, sắt, acid folic,… chống táo bón, giúp phòng tránh thiếu máu và tổn hại hệ thần kinh, cải thiện sự cung cấp oxy cho não.

Trái cây giàu vitamin C: bưởi, cam, táo, ổi, sơ-ri, cóc chín, đu đủ chín... chống oxy hóa, chống lại sự hình thành gốc tự do, giúp tái tạo vitamin E.

Chè xanh: chứa các hoạt chất chống oxy hóa mạnh thuộc nhóm flavonoid, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, cao huyết áp và đột quỵ, duy trì tuần hoàn máu, duy trì hoạt động của não bộ, ngăn ngừa suy giảm trí nhớ.

Sữa và các sản phẩm từ sữa: giàu các vitamin, chất khoáng như các vitamin nhóm B, kẽm, đồng, mangan, selen... vừa giúp bảo vệ não khỏi bị oxy hóa vừa giúp cải thiện sự cung cấp oxy cho não.

Duyen

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...