Tâm lý ngại đẻ và thách thức với dân số Việt Nam

Thứ Hai, 14/10/2019 09:55 AM (GMT+7)

Nhiều người không muốn sinh 2 con, thậm chí không sinh, gây ra mối lo ngại rằng Việt Nam sẽ già nhanh chóng. 

dan-so-vn

Đối với chị Hoa, phụ nữ 38 tuổi có cậu con trai học tiểu học ở Hà Nội, nuôi một đứa con là đủ.  

Chị Hoa cho biết mặc dù gia đình có điều kiện kinh tế, chị không có ý định sinh thêm đứa thứ hai. "Chỉ đơn giản là tôi không thích. Có một con đã là quá đủ rồi", chị Hoa chia sẻ. 

Cũng như chị Hoa, chị Vũ, 34 tuổi ở Hà Nội, cũng không có ý định sinh thêm đứa thứ hai vì muốn tập trung vào công việc. Hơn nữa, nuôi con bây giờ rất mệt mỏi và tốn kém. Chị Vũ cho biết nếu bây giờ chị sinh thêm một đứa nữa, chị sẽ phải mất ít nhất 3 năm không làm được gì khác ngoài chăm con.    

Chị Hoa và chị Vũ phản ánh tâm trạng không muốn sinh con của nhiều người, đặc biệt là phụ nữ. Nguyên nhân thì nhiều và đa dạng, từ sự vất vả tốn kém gắn liền với việc nuôi dạy con cái, cho đến tâm trạng đơn giản là "không thích", của nhiều bạn trẻ.   

Những giá trị bình đẳng giới khiến phụ nữ ngày nay không còn muốn tự giới hạn bản thân mình trong vai trò làm vợ làm mẹ truyền thống. Họ muốn dành thời gian khám phá những khía cạnh khác của cuộc sống như gây dựng sự nghiệp, chăm sóc bản thân, đi du lịch, hay giao lưu với bạn bè và xã hội. Trong văn hóa Việt Nam, giá trị gia trưởng gắn chặt phụ nữ với vai trò sinh sản cho gia đình chồng là một nguyên nhân lớn khiến một số phụ nữ trẻ phản ứng. 

Giang, 30 tuổi, sống ở TP HCM chia sẻ rằng, trong mắt gia đình nhà bạn trai cô, việc cô có học vấn và một công việc tốt không phải là một ưu điểm. Trái lại, họ coi trọng một cô gái có đầu óc đơn giản hơn, trẻ hơn, đảm đang hơn, dễ bảo hơn, và nhất thiết là "phải đẻ".   

Đây là một sự bất bình đẳng lớn khiến Giang không muốn lập gia đình và sinh con. Trái lại, như nhiều bạn trẻ khác, cô thích sống trung thực với bản thân và tự do tự tại để có thể phát triển hết tiềm năng của mình.  

"Nhìn tổng thể những bể dâu trong cuộc sống, thực lòng tôi chỉ muốn kiếm tiền thật tốt, sống độc thân không con cái, thích yêu ai thì yêu mà không thì thôi, đi du lịch làm đẹp tận hưởng cuộc sống", Giang nói. 

Ngoài ra, trong việc không thích sinh con của nhiều người còn bao gồm lý do sợ đau, sợ cơ thể thay đổi sau khi sinh. Bản thân Giang cũng không muốn cơ thể mình bị xấu và sồ sề. 

Bên cạnh đó là những ý kiến cho rằng quan trọng không phải là đẻ nhiều mà là làm sao để giáo dục trẻ em cho tốt, làm sao để xây dựng một môi trường sống lành mạnh cho tất cả mọi người. Chị Hà, 42 tuổi, sống ở TP HCM, cho rằng những bất cập của người lớn vẫn diễn ra hằng ngày trước mắt trẻ em, như vi phạm giao thông hoặc xả rác ra đường. "Những hành động nhỏ ăn sâu vào tâm thức đứa trẻ. Không biết khi lớn lên nó có bắt chước không", chị Hà nói

Sau gần ba thập kỷ áp dụng chính sách khuyến khích mỗi gia đình chỉ nên có từ một đến 2 con để xóa đói giảm nghèo, Việt Nam đang giữ tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) ở mức dưới 2,1 con/mẹ.  

Đây là mức sinh thay thế cần thiết để duy trì dân số. Nếu mức sinh thấp hơn thì dân số sẽ nhanh chóng bị "già hóa", tạo ra nhiều sức ép về các dịch vụ an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.   

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Bộ Y tế, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển phải trải qua nhiều thập kỷ mới chuyển từ già hóa dân số sang dân số già như Pháp: 115 năm, Australia: 73 năm, Trung Quốc: 26 năm, thì quá trình này ở Việt Nam chỉ diễn ra trong 15 năm.

Việt Nam bước vào thời kỳ già hóa dân số vào năm 2011 và được dự báo sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038, khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 20%. 

Những năm gần đây, mức sinh ở các khu vực không đồng đều. Theo Bộ Y tế, hiện có 16 tỉnh có mức sinh thấp hơn mức thay thế, chỉ dưới 1,8 con/mẹ. Hai vùng có mức sinh rất thấp là đồng bằng sông Cửu Long (1,74 con) và Đông Nam Bộ (1,55 con).

Số liệu từ Bộ Y tế cũng cho thấy mức tăng dân số của Việt Nam đang giảm dần đều. Trong một thập kỷ gần đây, dân số tăng trung bình 1% mỗi năm. Vào thập kỷ trước đó, mức tăng trung bình là 1,2% một năm; từ năm 1989 đến 1999, con số là 1,7%.    

Theo trang thống kê dân số toàn cầu World Population Review, tổng tỷ suất sinh mới nhất của Việt Nam năm 2019 là 1,9 con/mẹ, đứng ở vị trí khá thấp, 122 trên tổng số 190 quốc gia.   

Tại TP HCM, mức sinh đã liên tục giảm từ 1,59 vào năm 2004 xuống chỉ còn 1,36 vào năm ngoái. Mức sinh giảm sâu của TP HCM đã trở nên quan trọng đến mức Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phải nhấn mạnh trong một cuộc họp gần đây.    

"Chúng ta thiết kế đô thị này cho ai sống?" ông Nguyễn Thiện Nhân đưa ra câu hỏi và kêu gọi các nhà quản lý phải làm tất cả để các gia đình hạnh phúc, "muốn có con và có 2 con". 

Đối mặt với thách thức duy trì mức sinh thay thế, trong hai năm gần đây, chính phủ Việt Nam cũng đã chuyển từ việc khuyến khích sinh một hoặc 2 con sang "sinh đủ 2 con". Câu hỏi đặt ra là làm sao để phụ nữ và các cô gái trẻ không còn "ngại" sinh con trong bối cảnh hiện nay, khi những người như chị Hà ở TP HCM tin chắc rằng nếu các ông bố bà mẹ không thể làm tốt trách nhiệm của mình thì việc có mấy con không có ý nghĩa gì cả.

Nhiều hệ lụy

Vậy mức sinh thấp dẫn đến hệ lụy gì? Theo ông Phạm Chánh Trung, phó chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, kinh nghiệm tại một số quốc gia có mức sinh thay thế thấp cho thấy khi mức sinh xuống rất thấp thì các chính sách khuyến sinh mặc dù có được đầu tư rất lớn hầu như không có tác động làm mức sinh tăng trở lại. Điều này sẽ gây bất lợi cho cơ cấu nhân khẩu học và sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM trong tương lai.

Bất lợi đầu tiên là già hóa dân số sẽ diễn ra rất nhanh. Điều này tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chế độ chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí...

Kế đến là sự suy giảm về nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Mặt khác, chi phí cho chính sách khuyến sinh sẽ gây áp lực cho nguồn ngân sách của TP, trong khi nguồn ngân sách này nên đầu tư cho việc nâng cao chất lượng dân số.

Ông Trung cho rằng: "Việc sinh con không còn là chuyện riêng của mỗi gia đình mà là sự tồn vong của một quốc gia. Việc sinh đẻ phù hợp, đảm bảo mức sinh hợp lý sẽ kéo dài được thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số".

Lo lắng công thức 1-2-4

Theo ông Phạm Chánh Trung, nếu hôm nay "mỗi gia đình chỉ sinh 1 con" với công thức 4-2-1 (một đứa trẻ được chăm sóc bởi hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại) thì trong tương lai phải đối mặt với vấn đề mới "thảm họa" theo công thức ngược lại 1-2-4 (một đứa trẻ sẽ phải cùng lúc chăm sóc hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại). Vì những đứa trẻ ngày hôm nay được "chăm sóc" rất kỹ lưỡng bởi sáu người lớn sẽ thiếu khả năng, kỹ năng chăm sóc lại sáu người cao tuổi trong tương lai.

Duyen

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...