Thích ứng với già hóa dân số: Tập trung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Thứ Ba, 31/12/2019 04:11 PM (GMT+7)

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia Người cao tuổi, cả nước hiện có hơn 12 triệu người cao tuổi, chiếm gần 11% dân số. Dự báo đến năm 2038, nhóm dân số trên 60 tuổi ở nước ta là khoảng 21 triệu người. Tuy nhiên, sự chuẩn bị về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ở nước ta vẫn chưa đầy đủ, đòi hỏi phải có chính sách thích ứng với sự biến động mạnh về nhân khẩu này. 

Nhiều rào cản trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Hệ thống cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Việt Nam đang bước đầu được hình thành và phát triển từ Trung ương cho tới địa phương. Hiện cả nước có 50 bệnh viện cấp trung ương và các tỉnh có khoa Lão, 302 khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho người cao nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu.

Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Mai Xuân Phương cho biết, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là 73,6 tuổi. Tuy tuổi thọ bình quân của người Việt Nam ngày càng tăng nhưng gánh nặng bệnh tật của người cao tuổi nước ta là rất lớn. Trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh với khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính, không lây truyền.

Chi phí y tế cho nhóm người cao tuổi tăng dần theo độ tuổi và sẽ rất cao nếu những ngày cuối đời người cao tuổi phải điều trị và tử vong tại bệnh viện. Các nhà khoa học đã tính toán, nếu như chăm sóc y tế cho một đứa trẻ cần một đồng thì chăm sóc y tế cho người cao tuổi cần tới 8 đồng. Mặt khác, hiện tại chỉ có khoảng 30% người cao tuổi có lương hưu hoặc trợ cấp từ ngân sách Nhà nước và số còn lại phụ thuộc vào con cháu và khả năng lao động của bản thân. Hiện nay, hầu hết hệ thống y tế đều thiên về phát triển bệnh viện, chưa tập trung vào chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn ở ngoài bệnh viện, gia đình; chưa có cơ chế hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...

Hiện nay, nước ta có tới 68% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Trạm y tế xã là nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho họ nhưng thực tế chỉ có tỷ lệ nhỏ người cao tuổi ở đây có Bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh tại tuyến xã. Đây được xem là một rào cản cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Bên cạnh đó, những khó khăn về phương tiện giao thông, thiếu thiết bị y tế cũng như thái độ và hành vi chưa thân thiện của cán bộ y tế đã khiến người cao tuổi khó tiếp cận dịch vụ y tế.

Ngoài ra, mạng lưới nhân viên chăm sóc có chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc trực tiếp cho người cao tuổi tại nhà và tại bệnh viện cũng chưa được phát triển. Chăm sóc cho người cao tuổi chủ yếu do các thành viên trong gia đình thực hiện. Với xu hướng gia đình ngày càng ít con, nhiều gia đình buộc phải thuê dịch vụ chăm sóc tại nhà và bệnh viện cho người cao tuổi từ những người giúp việc gia đình, nhân viên chăm sóc không được đào tạo. Các dịch vụ chăm sóc như vậy có chất lượng thấp nhưng phải trả chi phí cao, gây tốn kém chi phí cho gia đình.

Nhà dưỡng lão chưa đáp ứng được nhu cầu

nguoi-cao-tuoi (1)

Tuyên truyền, lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại các buổi khám sức khỏe định kỳ tại xã Bó Mười, huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La). Ảnh: Diệp Anh

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê: Việt Nam có hơn 72% người cao tuổi sống cùng với con cháu. Nhiều người cao tuổi chọn sống tách biệt với con cái. Một số nghiên cứu cho thấy những người cao tuổi có trình độ học vấn cao, hiểu biết và có nhiều kinh nghiệm hơn thì muốn sống độc lập, họ lựa chọn việc đến sống ở các nhà dưỡng lão.

Hiện cả nước có hơn 420 cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng tập trung, chăm sóc chung cho cả người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật. Trong số này, có hơn 20 cơ sở dưỡng lão tư nhân chăm sóc người cao tuổi (chủ yếu ở các thành phố lớn), với chi phí khoảng từ 8 - 20 triệu đồng/tháng/người. Chi phí này khá cao so với mức kinh tế chung của người cao tuổi và nhiều gia đình.

Các mô hình dưỡng lão tại Việt Nam hiện nay cũng rất đa dạng. Bên cạnh những trung tâm của nhà nước, viện dưỡng lão giá rẻ, còn có các viện dưỡng lão cao cấp theo mô hình của Nhật Bản... Trong đó, mô hình viện dưỡng lão nhà nước giá rẻ và viện dưỡng lão cho người nghèo được xây dựng bằng ngân sách của nhà nước hoặc trợ cấp của một tổ chức xã hội. Các trung tâm này sẽ tiếp nhận người cao tuổi là người có công với đất nước, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người neo đơn. Chi phí ở các viện dưỡng lão này không quá cao, phù hợp với phần đông mọi người.

Bên cạnh đó còn có mô hình viện dưỡng lão nghệ sĩ được xây dựng bằng ngân sách của các nghệ sĩ lớn tuổi có hoàn cảnh đặc biệt, tập hợp cùng nhau sinh sống dưới mái nhà chung; mô hình viện dưỡng lão chăm sóc sức khỏe cho người lớn tuổi có nhiều bệnh cần được chăm sóc đặc biệt; điều trị các bệnh tuổi già. Ngoài ra, mô hình viện dưỡng lão tư nhân, viện dưỡng lão cao cấp cũng đang được nghiên cứu phát triển.

Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Mai Xuân Phương, nước ta hiện chưa có tổng kết và đánh giá xem mô hình nào là hiệu quả nhất. Nhiều mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng được nhân rộng nhưng hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi hiện vẫn chưa bắt kịp với sự chuyển đổi nhân khẩu học mạnh mẽ.

Trong khi đó, việc mở rộng cơ sở dưỡng lão tư nhân rất chậm, chưa có chính sách ưu đãi cho việc thiết lập mô hình này như quy hoạch, vay vốn ưu đãi, giảm thuế... Trong quy hoạch ở các khu đô thị, chỉ ghi chung là cơ sở xã hội (trường học, nhà trẻ, cơ sở y tế và không có tên cụ thể cho quy hoạch nhà dưỡng lão hay trung tâm chăm sóc người cao tuổi) điều này đã gây khó khăn cho việc phát triển loại dịch vụ này.

Trong khi nguồn ngân sách nhà nước dành cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn hạn hẹp, thì xu hướng xã hội hóa vận động tư nhân thành lập trung tâm dưỡng lão, tham gia chuỗi dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là việc làm cần thiết. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về kinh phí, đất đai cho những cá nhân, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này; có kế hoạch xây dựng mô hình dịch vụ chăm sóc người cao tuổi theo phương thức của hệ thống các trường mẫu giáo; có kế hoạch điều tiết và quản lý sự vận hành của các mô hình nhà dưỡng lão nói chung.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần tổ chức các hoạt động đào tạo về chuyên môn cho nhân viên phục vụ trong nhà dưỡng lão, coi đó là một ngành nghề quan trọng. Có như vậy, chất lượng dịch vụ mới được đảm bảo và không ngừng được cải thiện, đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người cao tuổi.

Theo TTXVN.

Phạm Thanh Huyền

Cùng chuyên mục

Những lưu ý cho người cao tuổi khi tập thể dục dưới trời lạnh

Việc tập thể dục vào mùa lạnh là cần thiết với người cao tuổi. Tuy nhiên cần xem xét một số yếu tố như...

Để người cao tuổi sống vui, khỏe sau khi nghỉ hưu

Khi đến tuổi nghỉ hưu cũng là giai đoạn mới trong cuộc sống, người cao tuổi có nhiều vấn đề cần phải quan...

Tải về

Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi

Sự lão hóa của các cơ quan khi tuổi già đến, đặc biệt, sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở...

Hiện tượng hạ thân nhiệt cơ thể ở người cao tuổi

Hạ thân nhiệt là tình trạng thường gặp vào mùa đông nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ảnh...