Thời kỳ mãn kinh thật sự xảy ra như thế nào?

Thứ Ba, 15/10/2019 07:03 PM (GMT+7)

Mãn kinh (MK) là một giai đoạn sinh lý tự nhiên của người phụ nữ. Biểu hiện  sự hết kinh vĩnh viễn sau khi buồng trứng ngưng tiết estrogen.

man-kinh

Tuổi MK trung bình trong khoảng 45 – 52 tuổi. Nếu MK trước 40 tuổi gọi là MK sớm và nếu MK sau 55 tuổi gọi là MK muộn. Tuổi MK là tuổi chấm dứt hoàn toàn kinh nguyệt, xảy ra sau một khoảng thời gian từ 2 – 5 năm với những triệu chứng ban đầu  kinh nguyệt bị rối loạn, giai đoạn này thời được gọi là tiền MK. Đây là giai đoạn đặc trưng của sự suy giảm hoặc thiếu progesterone. Những rối loạn xảy ra những năm sau MK gọi là hậu MK, là hậu quả của sự thiếu hụt estrogen.

Tuổi MK chỉ là một khái niệm hồi cứu, với tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 80 tuổi như hiện nay, người phụ nữ phải sống ít nhất 30 năm nữa trong tình trạng thiếu estrogen với những biểu hiện "bất ưng" của nó, vì lẽ đó, ngày nay người ta nói nhiều đến vấn đề sử dụng nội tiết tố nữ thay thế trong giai đoạn MK cũng như có chế độ dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi và luyện tập thể dục thể thao hợp lý, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và bảo vệ người phụ nữ đối với một số bệnh lý mà do thiếu hụt nội tiết tố nữ gây ra.

Cần nắm rõ đặc điểm về MK, giúp chúng ta có cái nhìn bao quát về nó, nhằm mang lại sức khỏe dồi dào hơn, cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn trong những năm tháng dài ở phía trước.

Thời kỳ tiền mãn kinh xảy ra như thế nào?

Người phụ nữ bước vào thời kỳ này có sự giảm đáp ứng của buồng trứng với các nội tiết tố hướng sinh dục, dẫn đến những rối loạn trong sự trưởng thành của noãn bào. Điều này sẽ đưa đến những chu kỳ không rụng trứng, hoặc rụng trứng khó khăn. Do đó, đầu tiên là lượng progesterone giảm, rồi đến lượt estrogen cũng giảm. Ngược lại các nội tiết tố hướng sinh dục FSH (Follicle Stimulating Hormone) và LH (Luteinizing Hormone) (hai nội tiết tố FSH và LH do tuyến yên tiết ra) lại tăng tiết vì cơ quan tiếp nhập của buồng trứng không đáp ứng do bị suy. Điều này dẫn đến cơ chế phản hồi ngược âm (negative feedback mechanism). Hậu quả đưa đến cường estrogen tương đối (estrogen bởi buồng trứng tiết ra) do sự rối loạn của tế bào hạt ở buồng trứng chế tiết dưới tác động FSH).

Trên thực tế biểu hiện chu kỳ kinh nguyệt ngắn lại hoặc thưa ra, khi có kinh thì dễ rong kinh, rong huyết hay cường kinh. Chất nhờn ở âm đạo trong lỏng suốt chu kỳ.  Đi kèm các dấu hiệu tiền kinh như tăng cân, bụng tích tụ mỡ tăng, đau trằn bụng dưới, đau vú, thay đổi tâm tính như lo âu, căng thẳng, bất an, ngủ kém.

Việc đo lường nồng độ nội tiết trong thời kỳ tiền mãn kinh không có ý nghĩa, vì thời kỳ này tự cơ thể đã có sẵn một tình trạng nội tiết bất định. Tuy nhiên nếu có rối loạn kinh nguyệt, sẽ rất khó phân biệt với một xuất huyết âm đạo bất thường do nguyên nhân thực thể, hoặc đau vú mà lại có khối u ở vú thì cần có những thăm dò đặc biệt như nội soi và sinh thiết buồng tử cung hay chụp nhũ ảnh để loại trừ một nguyên nhân thực thể, nhất là nguyên nhân ác tính.

Cách điều trị tiền mãn kinh

Việc sử dụng thuốc nội tiết nhằm giảm các dấu hiệu "bất ưng" giúp cho người phụ nữ cải thiện được chất lượng sống. Thuốc nội tiết có thể dùng  loại ngừa thai thế hệ mới, chỉ có 20µg ethinyl estrodiol và 1 mg desogestrel,  sử dụng cho đến khi mãn kinh thực sự cho những phụ nữ không có các bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim cục bộ, rối loạn lipid máu, suy gan, suy thận, viêm tắc động tĩnh mạch và các bệnh lý máu.

Có thể dùng progesterone đơn thuần trong 10 ngày sau mỗi chu kỳ để gây hiện tượng ra kinh, áp dụng ở những phụ nữ có rối loạn kinh nguyệt.

Thời kỳ mãn kinh thật sự xảy ra như thế nào?

Xảy ra sau khi bặt kinh liên tiếp 12 tháng, riêng đối với phụ nữ đang điều trị  bằng progesterone do rối loạn kinh nguyệt, nếu sau khi ngưng thuốc mà không gây được xuất huyết trong lòng tử cung để tạo ra kinh nguyệt, thì cũng có thể được xem là mãn kinh thật sự.

Ở thời kỳ này số lượng noãn bào ở buồng trứng giảm đáng kể, buồng trứng hoàn toàn không đáp ứng hay đáp ứng rất kém với những kích thích từ trục hạ đồi tuyến yên, dẫn đến hệ quả các nội tiết tố hướng sinh dục tăng cao, như FSH tăng gấp 10 lần, LH tăng gấp 3 lần, các nội tiết tố estrogen sản xuất từ buồng trứng giảm, còn estrogen được sản xuất từ mô tuyến thượng thận và chuyển hóa từ mô mỡ tăng. Do vậy estrogen chủ yếu trong thời kỳ mãn kinh, được sản xuất từ mô đệm buồng trứng, tuyến thượng thận, mô mỡ, mô cơ và mô gan. Vì vậy, không phải tất cả các phụ nữ khi mãn kinh đều thiếu estrogen.

 Thụ thể estrogen có ở nhiều mô trong cơ thể, mỗi nơi có một độ nhạy khác nhau khi tiếp xúc estrogen. Vì vậy, estrogen giảm sau mãn kinh không đủ làm nội mạc tử cung phát triển dày lên, rồi bong ra để tạo ra kinh nguyệt hàng tháng, nhưng vẫn có thể đầy đủ ở các mô khác, do vậy không phải phụ nữ nào cũng có một biểu lộ sự thiếu estrogen như nhau.

Các biểu hiện triệu chứng lâm sàng ở thời kỳ MK thực sự

Dấu hiệu tắc kinh là dấu hiệu chính xảy ra sự MK, biểu hiện một cách êm đềm hay kèm theo những xáo trộn rõ, điều đó tùy thuộc vào nhiều yếu tố như có sự giáo dục, trình độ văn hóa xã hội, khả năng nhạy cảm đáp ứng và mức độ chuyển hóa androgen thành estrone, trong thành phần của estrogen của từng phụ nữ. Các dấu xáo trộn đó là: Triệu chứng bốc hỏa, chóng mặt, nhức đầu, rối loạn tâm lý, mệt mỏi, tê các đầu ngón chân ngón tay và tăng cân. Cuối cùng là sự thiếu hụt estrogen ở tất cả mọi phụ nữ, dù có xáo trộn hay diễn tiến êm đềm.

Hậu quả trên hình thái của cơ thể người phụ nữ ở tuổi MK: Vóc dạng cơ thể nhỏ dần, lưng còng, ứ đọng mỡ ở nhiều nơi, thay đổi hệ thống lông, da mặt nhăn và mất tính đàn hồi, vú nhỏ lại, cơ quan sinh dục teo nhỏ, âm đạo khô khiến giao hợp đau, rối loạn đường tiểu với dạng viêm bàng quang không nhiễm trùng, gây tiểu gắt, tiểu nhiều lần hoặc đôi khi tiểu không tự chủ làm són tiểu.

Hậu quả trên hệ biến dưỡng: Lượng cholesterol và triglyceride trong máu đều tăng kéo theo tăng LDL-C (Low Density Lipoprotein Cholesterol) đó là loại cholesterol xấu, trong khi đó nồng độ HDL-C (High Density Lipoprotein Cholesterol) đó là loại cholesterol tốt, cũng tăng nhưng không đáng kể, do đó tỷ lệ HDL/LDL giảm, làm gia tăng nguy cơ tai biến mạch máu não như xuất huyết não, nhũn não và tai biến mạch vành như nhồi máu cơ tim hay bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ. Đồng thời dễ bị bệnh đái tháo đường khi cơ địa có tăng huyết áp, mập phì.

Hậu quả trên hệ tim mạch: Trong giai đoạn hoạt động sinh dục, estrogen có tác dụng bảo vệ người phụ nữ đối với các bệnh mạch vành và mạch não, do đó ở độ tuổi này phụ nữ ít bị các bệnh lý về tim mạch hơn so với nam giới. Tuy nhiên, sau tuổi MK do suy giảm estrogen nên tỷ lệ bị bệnh mạch vành và mạch não ngang bằng với nam giới.

Ngoài ra sau tuổi MK, còn có nguy cơ thuyên tắc mạch máu tăng, nhất là khi có kèm yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tăng huyết áp, mập phì. Trên hệ xương dễ bị loãng xương, dễ gãy xương do giảm estrogen làm cho sự tiêu xương tăng.

Phụ nữ cần làm gì để khắc phục rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh? 

Đối với người phụ nữ, tiền mãn kinh và mãn kinh là hai giai đoạn xảy đến một cách hoàn toàn tự nhiên. Đôi khi chúng diễn ra rất bình thường mà không biểu hiện thành bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng cũng có khi, tiền mãn kinh xảy ra sớm và kéo dài, đem đến rất nhiều sự bất tiện, ảnh hưởng lớn đến tâm lý, sức khỏe và công việc của chị em phụ nữ.

Sự suy giảm estrogen chính là thủ phạm hàng đầu gây ra những rắc rối kể trên. Vì vậy, nếu muốn mọi việc quay trở về đúng “quỹ đạo”, tốt hơn hết là sử dụng liệu pháp thay thế hormon dưới sự cân nhắc của bác sĩ sản phụ khoa. Việc dùng hormon như thế nào là tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người.

Bên cạnh đó, phụ nữ khi đến tuổi mãn kinh nên chọn chế độ ăn uống chứa ít chất béo, ít cholesterol, giàu canxi (chẳng hạn như sữa, tôm, cua, trứng)... Các loại thực phẩm giàu omega-3, isoflavones và phytosterols (như cá, đậu tương) rất tốt cho phụ nữ mãn kinh. Bởi vì các chất này có công dụng tương tự như estrogen (cũng giống như bổ sung estrogen thiếu hụt cho cơ thể). Ngoài ra, phụ nữ nên hạn chế tối đa những món ăn, gia vị cay nóng để tránh gây ra cơn bốc hỏa. Sử dụng vitamin E hằng ngày cũng là biện pháp tốt cần được cân nhắc. Liệu pháp thay thế hormon được khuyến cáo cho phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh 

Song song với chế độ dinh dưỡng, chế độ luyện tập thể dục thể thao như đi bộ, bơi lội, tập aerobic... không chỉ đem đến một cơ thể dẻo dai mà còn cải thiện độ cứng chắc của xương, thúc đẩy lưu thông máu, giúp tinh thần trở nên thoải mái hơn. Để từ đó, chị em có thể hạn chế những triệu chứng gây ra bởi rối loạn tiền mãn kinh.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã xây dựng Gói khám chăm sóc và tư vấn sức khỏe tuổi tiền mãn kinh bao gồm các dịch vụ thăm khám sản phụ khoa, các xét nghiệm đánh giá tình trạng nội tiết tố, phát hiện các bệnh lý tiền mãn kinh sớm và có hướng điều trị hiệu quả.

Duyen

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...