Thực hư chuyện hơ lá trầu đắp ngực trị được ho cho trẻ

Chủ Nhật, 15/09/2019 03:38 PM (GMT+7)

Cách trị ho kiểu đắp lá trầu không là không có căn cứ khoa học và chưa được kiểm chứng tại các viện y học hiện đại, vì thế phụ huynh tuyệt đối không áp dụng chữa ho, thông đờm cho trẻ

la-trau-tri-ho

Gần đây do thay đổi thời tiết nên số lượng trẻ bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp tăng lên rất nhiều. Thay vì đưa con đến các trung tâm y tế để thăm khám, điều trị, nhiều phụ huynh lại rỉ tai nhau mẹo dùng lá trầu không nóng để trị viêm hô hấp cho trẻ. Các chuyên gia cảnh báo đây là phương pháp phản khoa học. 

Theo đó, thông tin này hiện đang được chia sẻ rầm rộ trên các trang mạng xã hội và thu hút được rất nhiều sự chú của các bà mẹ bỉm sữa.

Cụ thể, cách dùng lá trầu để trị viêm hô hấp mà các bà mẹ trẻ truyền tai nhau đó là: Hơ nóng 2 lá trầu không, sau đó dùng dầu thoa lên ngực trẻ và đặt một lá trầu không ở trước ngực, một lá ở sau lưng. Chỉ vài phút sau, nước mũi bé sẽ chảy ra ròng ròng, hệ hô hấp tốt lên trông thấy, việc hít thở của trẻ sẽ được thông suốt một cách hiệu quả.

Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, TS. BS Trương Thị Ngọc Lan, Viện phó Viện Y dược học dân tộc TP. HCM cho biết, bản thân lá trầu không vốn có tính nóng nhưng phụ huynh lại hơ nóng và còn thoa dầu rồi đặt lên ngực và lưng trẻ, điều này có thể khiến da của trẻ bị kích ứng, gây sưng phồng, thậm chí nhiễm trùng nếu da mẫn cảm.

Nghiêm trọng hơn, nếu áp dụng phương pháp này với trẻ 1 tuổi thì có thể gây bỏng vì da trẻ còn rất non và mỏng. Vì dầu nóng có thành phần chính là methyl salicylate, một chất rất nóng, nếu thoa không đúng liều lượng thì da người trưởng thành cũng có thể bị tổn thương.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM, nhấn mạnh: “Cách trị ho kiểu đắp lá trầu không là không có căn cứ khoa học và chưa được kiểm chứng tại các viện y học hiện đại, vì thế phụ huynh tuyệt đối không áp dụng chữa ho, thông đờm cho trẻ”. Hơn nữa, việc chữa trị bệnh mà không biết rõ nguyên nhân và tình trạng nặng hay nhẹ thì rất nguy hiểm. Vừa làm mất đi khoảng thời gian “vàng” điều trị, lại vừa khiến bệnh trầm trọng hơn vì chữa sai cách.

Từ góc nhìn của Đông Y, Th.S Lương y Vũ Quốc Trung, Phó chủ tịch Hội Đông y Ba Đình Hà Nội cho hay, lá trầu không là một trong những vị thuốc nam được nhân dân ta sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, việc dùng lá trầu không để điều trị ho và sổ đờm thì chưa có bất cứ bài thuốc hay ghi chép cụ thể nào.

“Sử dụng lá trầu không để giảm đau sẽ hiệu quả hơn, vì khả năng trị ho và sổ đờm của lá trầu không là rất kém. Theo kinh nghiệm dân gian thì lá trầu không thường được sử dụng trong các trường hợp chống viêm, lở loét. Đắp lá trầu không sẽ có tác dụng giảm đau, còn nước lá trầu không thường dùng để rửa vết thương hay viêm nhiễm phần phụ”, Lương y Vũ Quốc Trung nói.

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng phản đối việc đắp lá trầu không hơ nóng để chữa bệnh hô hấp cho trẻ. Việc phụ huynh cởi hết áo của trẻ để đắp lá trầu không những không chữa được bệnh, mà còn có thể khiến trẻ bị nhiễm lạnh, khiến cho tình trạng bệnh ngày một nặng hơn.

Tiến sĩ Dũng cũng cho hay, trẻ nhỏ ho nhiều có đờm là rất bình thường, đó là một phản ứng tốt để long đờm. Nguyên nhân khiến trẻ bị ho thì có rất nhiều. Có thể là do cảm lạnh hoặc do đường hô hấp bị nhiễm khuẩn như viêm phế quản, viêm phổi... “Nếu như trẻ ho do đường hô hấp nhiễm khuẩn mà phụ huynh lại đắp lá trầu hơ nóng, khiến vi khuẩn phát triển thì sẽ khiến bệnh ngày một nặng hơn”, Tiến sĩ Dũng cảnh báo.

Các bác sĩ khuyên rằng, khi trẻ bị bệnh, tốt nhất phụ huynh nên đưa trẻ đi khám tại các trung tâm y tế, bệnh viện uy tín để xác định nguyên nhân bệnh. Từ đó có phương pháp điều trị thích hợp. Phụ huynh có thể chữa bệnh cho con bằng thuốc Tây y hay Đông y nhưng tuyệt đối không chữa theo các mẹo dân gian hay công thức chia sẻ trên mạng chưa qua kiểm chứng.

Duyen

Cùng chuyên mục

Ăn đậu phụ có làm giảm ham muốn tình dục ở nam giới

Đậu phụ là một nguồn thực phẩm phong phú về dinh dưỡng, chứa nhiều protein, canxi, sắt… Vậy ăn đậu phụ...

Quan niệm sai lầm về đặt vòng tránh thai

Nếu đang tìm kiếm một biện pháp bảo vệ an toàn, thuận tiện và lâu dài để tránh mang thai, thì vòng tránh thai có...

Nam giới có thể dùng thuốc tránh thai dành cho nữ giới không?

Thuốc tránh thai của nữ thường chứa các hormone estrogen và progestin, có tác dụng ngăn chặn sự rụng trứng và...

Kết hợp thuốc tránh thai hằng ngày và thuốc tránh thai khẩn cấp để tăng hiệu quả tránh thai?

Nhiều người đang sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày, nhưng sau khi phát sinh quan hệ tình dục, để yên tâm hơn lại...