Tình yêu tuổi già – Tình yêu đáng được tôn vinh nhất

Thứ Bảy, 25/05/2019 06:43 AM (GMT+7)

Chúng ta thường nói nhiều về sức khỏe, dinh dưỡng người cao tuổi hay việc tập luyện, chuyện chăn gối mà ít quan tâm đến tình yêu tuổi già của họ. Tình yêu của người già, cũng như sức khỏe, là nỗi khát khao, cũng hiếm hoi, cũng lụi tàn dần với thời gian. Chỉ khác là nó không bao giờ tắt...

tinh-yeu-nguoi-gia

Đừng ngỡ chỉ người trẻ mới biết yêu 

Đừng đóng khung người già trong những tình cảm an toàn. Họ cũng có quyền được sai lầm, được phiêu lưu dù biết cuộc đời đã đi vào chặng cuối.

Đừng ngỡ chỉ người trẻ mới biết yêu, mới nồng nàn thổn thức nhớ thương. Tình yêu của người già là một khúc hát, không vang thành tiếng nhờ micro, không lấp lánh nhờ ánh đèn sân khấu, mà đồng vọng da diết, hoặc đớn đau xao xuyến mãi trong lòng. Lý do thật đơn giản mà cũng thật tàn bạo: Xong khúc hát ấy có thể là cái chết, rất gần, đến nỗi hiện hình thành nỗi ám ảnh.

Trong những cụ già vẫn hay xuống công viên tập thể dục buổi sáng, ông T. là người thường xuống sân sớm nhất và về muộn nhất. Không phải vì ông tham tập, mà vì ông thích nói chuyện. Ông nói về cuộc đời, về thời trai trẻ đã qua. Đời người đàn ông, có một ngôi nhà là chuyện "danh dự", có một người vợ và những đứa con là chuyện "sống còn".

Ông đã đủ cả "danh dự" lẫn "sống còn". Ngôi nhà ông xây khi bước sang tuổi 50, như ông từng mơ về nó trong suốt mười mấy năm trước đó, to rộng, đẹp đẽ, trên mái có những chóp nhọn cao lợp ngói đỏ và một gian phòng rộng, đủ nghiêm cẩn để thờ cúng ông bà cha mẹ tổ tiên. Nhưng rồi bà mất, những đứa con mỗi đứa một căn hộ chung cư, ông trở nên lạc lõng trong chính giấc mơ của mình.

Thì ra, ngôi nhà chỉ sống khi bà ấy còn. Ông cho thuê rẻ, về ở với con trai lớn. Trong những câu chuyện của ông, bà với ngôi nhà đều đẹp đẽ và xa cách. Ông vẫn còn yêu bà. Chính vì thế ông làm người nghe mệt mỏi, chán ngấy khi cứ kể đi kể lại mãi những câu chuyện về bà và ngôi nhà của ông. Đôi người bảo ông lẩm cẩm.

Đôi người khác độc miệng bảo bà chẳng được như ông kể, bà xấu và con nhà làm nghề bán hàng chợ chứ chả phải tiểu thư danh giá gì. Còn ngôi nhà ư? Vừa xấu vừa dị hợm, ở cũng dở mà bán cũng chẳng xong... Đến những đứa con cũng có khi bật ra lời gắt gỏng: ba đừng kể nữa, kể tới kể lui hoài nhức đầu.

Thì ra, một tình yêu quá thủy chung cũng có thể làm tình làm tội người ta, chứ không hẳn đã là hạnh phúc. Bà ở cõi vĩnh hằng nếu nghe ông kể chắc sẽ mỉm cười toại nguyện, vì ông không bồ bịch mèo mỡ gì với ai nữa, vì ông một lòng hằng nhớ không nguôi. Ông ôm mãi một tình yêu đã quá vãng, một người yêu đã qua đời.

Người ta khen ông nhớ giỏi, nhớ dai, yêu thương vợ lâu bền, nhưng người ta ngại phải nghe, rồi chán hẳn ra mặt. Một bữa, giữa chừng câu chuyện mới mở màn của ông, một ông bạn đã bảo: thôi, đừng kể nữa, bây giờ có gì vui để mà sống thì mới đáng kểchứ...

Ông ấy, cái ông "có gì vui để sống" ấy, lại là một kiểu khác hẳn. Ông đã ly hôn vợ, cũng chẳng sống với con. Tiền bán nửa căn nhà và tiền chia chác sau cuộc ly hôn, ông gửi ngân hàng để sống. Nhà thì ông thuê căn hộ chung cư, đến khi chết cũng là phủi tay mà đi khỏi vướng víu. Con cái đến thăm thì tốt, không thì thôi. Dân tình tập thể dục ở công viên này đã chứng kiến cảnh bà bồ cũ của ông đánh ghen với bà bồ mới. Hỏi chuyện, ông bảo "Y. đã là tình yêu của đời tôi cho tới khi nàng không còn là vậy nữa".

Từ đó đến nay ông đã có thêm bà này bà nọ, cũng là trong nhóm tập thể dục, cũng là "có gì vui để sống". Người đậu lại với ông đến giờ là một trường hợp cá biệt: bà cũng sống một mình, chồng chết sớm, con đã ở riêng.

Hai người là "bạn", nhưng nhà ai nấy ở, thỉnh thoảng mới sang nhà nhau. Không ràng buộc vợ chồng, nhưng nhìn cách họ đi cùng nhau, nâng đỡ, tình tứ vui vẻ, thấy họ đã cùng tìm được một điều gì đó ở nhau, điều mà những cuộc hôn nhân lâu bền có khi không thể mang tới được.

Người già yêu cũng khác người trẻ. Người ta dễ bỏ qua những chuyện lặt vặt như đưa đón, trễ giờ, không cùng nhau thích một món ăn hay một môn thể dục. Họ đã đến chỗ biết cái gì là chính, cái gì là phụ trong quãng sống ngắn ngủi còn lại. Nên thay vì cáu kỉnh, làm khổ nhau, cằn nhằn về những điều vặt vãnh như một số cặp vợ chồng già thường gặp, những người già khi yêu thường rộng lòng hơn, sống tích cực hơn.

Họ có xu hướng muốn bù đắp cho người thương, muốn sửa những lỗi mà mình đã phạm trong đời ở một thời xa lắc nào đó. Oái oăm thay đây cũng là nỗi lo của con cháu. Khi trẻ, yêu đương, cung phụng đón đưa thì gọi là ga-lăng. Khi già mà như vậy lại mắng là già mà chưa hết dại! Có lẽ, con cháu quá lo lắng. Thời hạn cuối của cuộc đời đã gần, bất cứ lúc nào dấu chấm hết cũng sẵn sàng đặt xuống, đến lúc đó mà câu văn ái tình còn dang dở, thì biết tính làm sao?

Bản chất của tình yêu vốn là một, nhưng ở mỗi độ đời, người ta yêu một cách khác. Một số khảo sát khoa học chuyên ngành lão khoa chứng minh tình yêu và cảm xúc giới tính dù ở tuổi gần đất xa trời vẫn khiến con người có động lực sống mạnh mẽ.

Câu chuyện tình dục nhiều khi không phải là điều quan trọng nhất nữa. Khả năng tự chăm sóc bản thân, ý thức về quan hệ xã hội, mối quan hệ giao tiếp đồng cảm… mới là những yếu tố tích cực mà tình yêu có thể mang lại.

Đừng đóng khung người già trong những tình cảm an toàn. Họ cũng có quyền được sai lầm, được phiêu lưu dù biết cuộc đời đã đi vào chặng cuối. Nếu biết rằng rồi ai cũng sẽ phải chân chậm, mắt mờ, bàn tay nhăn nheo tìm nắm lấy một bàn tay để cùng đi qua đoạn kết đường đời, hẳn chẳng ai nỡ xóa đi trong những trái tim già nua ấy bóng dáng diễm lệ và vĩnh hằng của tình yêu.

Tình yêu tuổi già – Tình yêu đáng được tôn vinh nhất

Thời gian có thể làm thay đổi nhiều thứ nhưng có một thứ  không bao giờ thay đổi, đó chính là tình yêu mà họ dành cho nhau. Tình yêu tuổi già không còn lãng mạn hay nhiệt huyết như thời còn trẻ tuổi mà thay vào đó là tình thương, sự thấu hiểu và sự cảm thông. Không gì hạnh phúc hơn khi mà có thể đi với nhau đến cuối con đường. Giữa cuộc sống hiện đại hối hả đông đúc, trên con đường tấp nập xe cộ, ai cũng phải lặng người khi chứng kiến cảnh tượng một ông lão tóc bạc đang cố gắng cõng vợ qua đường. Có lẽ vì thương vợ mệt mỏi, đến lúc cần băng qua đường cụ ông đã cố gắng dùng chút sức mọn để cõng bà đi.

Có một người yêu thương, chia sẻ mọi vui buồn của cuộc sống đã là một điều hạnh phúc, nhưng mọi chuyện sẽ còn tuyệt vời và hạnh phúc hơn rất nhiều khi tìm được một người để nắm tay đi đến trọn đời. Vì vậy mà những câu chuyện tình lâu năm của các cặp đôi ở tuổi “xế chiều” và những cử chỉ đầy yêu thương, những lời tâm sự tuổi già yêu thương mà họ trao cho nhau luôn khiến cho người ta cảm thấy ấm áp và ngập tràn tình yêu chân thành. Có lẽ vì thế mà người ta luôn nói: Tình yêu tuổi già là thứ tình yêu đáng trân trọng nhất, vì trải qua bao sóng gió họ vẫn sánh bước bên nhau, người già nhưng tình vẫn còn trẻ mãi.

Người già không phải trái tim đã khô cằn

Trong thực tế không phải lúc nào người ta cũng đạt được điều đó và người già không hẳn là trái tim đã khô cằn. Chính những lúc tuổi xế chiều họ lại càng cần có được sự quan tâm và cũng cần được yêu thương, chăm sóc, vì con cái cũng có gia đình riêng rồi công việc, không thể lúc nào cũng ở bên cha mẹ mà yêu thương chăm sóc. Đó là lý do mà dù đã ở tuổi xế chiều, sắp khuất núi đến nơi nhưng nhiều cụ vẫn nảy sinh tình cảm với người khác giới.

Chúng ta thường nói nhiều về sức khỏe, dinh dưỡng người cao tuổi hay việc tập luyện, chuyện chăn gối mà ít quan tâm đến tình yêu tuổi già của họ. Có lẽ do truyền thống văn hóa người Á Đông nên ngay từ trong suy nghĩ, mỗi người đều cho rằng người lớn tuổi sống với nhau vì tình nghĩa chứ mấy ai sống với nhau vì tình yêu. Với những người cao tuổi đã ly hôn, ly thân hay người bạn đời mất sớm thì khi họ có “người yêu mới” cũng không dễ dàng để con cháu chấp nhận và ủng hộ. Dù vậy, đã có khá nhiều người con, cháu có tư tưởng mới, biết quan tâm đến tình cảm của các bậc sinh thành. Họ khuyến khích cha mẹ, ông bà mình quan tâm, thể hiện tình yêu thương với nhau, chỉ cần thấy họ sống vui vẻ, lạc quan và sống thọ. Có những người con còn dày công tìm hiểu sở thích, tâm sự tuổi già, thói quen hay những dịch vụ chăm sóc người cao tuổi để tạo ra những “cuộc hẹn” bất ngờ, dành riêng cho cha và mẹ, giúp họ không còn cảm thấy cô đơn, buồn tủi, lẻ bóng trên đường đời.

Tình yêu tuổi già, thứ tình yêu chung thủy nhất

Tôi cho rằng, tình yêu đâu cần phải nói ra bằng lời, đâu cần phải khoa trương? Tình yêu không có tuổi và cách thể hiện chúng cũng muôn hình vạn trạng. Tuổi trẻ có thể tổ chức hẳn một “sự kiện” khi cầu hôn bạn gái thì người lớn tuổi chỉ cần một “lá thư” dán trên cửa tủ lạnh dài hai dòng là có thể gửi gắm những yêu thương cho người bạn đời của mình, vậy thì tại sao chúng ta lại không trân trọng những mối tình đơn sơ mà giàu tình cảm như thế.

Tình yêu là thứ tuyệt vời nhất mà tạo hóa đã ban cho con người, chính những rung cảm từ sâu thẳm trái tim khiến cho con người ta tiến lại gần nhau hơn, khiến con người ta muốn chia sẻ với nhau nhiều hơn. Chính vì vậy mà chúng ta nên trân trọng nó, dù là ở bất kì độ tuổi nào.

Duyen

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...