Tổng quan về Nghị định 39/2015/NĐ/CP (Phần 1)

Thứ Hai, 05/10/2020 05:48 PM (GMT+7)

Ngày 27/4/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2015/NĐ/CP quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. Nghị định có hiệu lực thi hành từ 15/6/2015.

Tại Điều 2 của Nghị định, phụ nữ người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số sẽ được hỗ trợ bằng tiền2 triệu đồng/người từ tháng đầu sau sinh con.

Tại Điều 1 của Nghị định Đối tượng được hưởng hỗ trợ bao gồm:

Phụ nữ là người dân tộc thiểu số hoặc phụ nữ là người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn (trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) khi sinh con thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Sinh một hoặc hai con;

2. Sinh con thứ ba, nếu cả hai vợ chồng hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

3. Sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên;

4. Đã có một con đẻ, nhưng sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên;

5. Sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi;

6. Sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận;

7. Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai vợ chồng đã có con riêng (con đẻ);

8. Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai vợ chồng đã có con riêng (con đẻ); không áp dụng cho trường hợp hai vợ chồng đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống;

9. Phụ nữ thuộc hộ nghèo, là người dân tộc thiểu số chưa kết hôn, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.

Đối tượng thụ hưởng sẽ được nhận trực tiếp 2 triệu đồng/người bằng tiền mặt từ tháng đầu sau khi sinh con.

Các thủ tục hành chính để thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số được quy định tại Thông tư số 45/2018/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2019sửa đổi, bổ sung của Thông tư liên tịch số 07/2016/TTTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH.

Điều 5 Theo Thông tư liên tịch số 07/2016/TTTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH, để xét hỗ trợ cho đối tượng sinh con đúng chính sách dân số, người dân và cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Đối tượng hưởng chính sách hoặc người thân trực tiếp của đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ (người đứng tên Tờ khai) lập 01 bộ hồ sơ theo quy định gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tới Ủy ban nhân dân cấp xã.

Bước 2: Khi tiếp nhận hồ sơ, người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ; nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đứng tên Tờ khai bổ sung, hoàn thiện theo quy định.

Bước 3: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ được ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã xác minh các tiêu chí áp dụng cho đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ; ban hành quyết định hỗ trợ kinh phí; thông báo và thực hiện cấp kinh phí hỗ trợ cho đối tượng hưởng chính sách.

Trường hợp hồ sơ không bảo đảm điều kiện hỗ trợ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ được ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản thông báo cho người đứng tên Tờ khai.

Trên đây là một số thông tin về đối tượng và các thủ tục hành chính để thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số theo Nghị định số 39/2015/NĐ/CP. Phần tiếp theo của bản tin sẽ gửi đến những thông tin về hồ sơ xét hưởng chính sách hỗ trợ và quy định về việc thu hồi kinh phí hỗ trợ.

Thúy/ Thắm/ Thế Ân/ Dũng/ Trung Đoàn

Cùng chuyên mục

Lồng ghép các yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển là yêu cầu khách quan

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số...

Thực hiện phá thai an toàn, giảm tác động gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng của người được phá thai

Phá thai không an toàn, phá thai trái phép gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của...

Cần sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, chung tay giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Nhiều năm qua, Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề - lựa chọn giới tính thai nhi. Lựa chọn giới tính...

Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên

Từ năm 2006 đến nay, SRB của Việt Nam bắt đầu có xu hướng tăng đáng kể và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại....